Đài NPR dẫn nguồn tin tiết lộ đơn kiện sẽ được đệ trình lên tòa án ở bang California, nơi đặt trụ sở mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ, sớm nhất là ngày 9.8 theo giờ Mỹ.
Cáo buộc “vô căn cứ” ?
Trong đơn kiện, TikTok cáo buộc hành động của Tổng thống Trump là vi hiến vì ông không cho công ty cơ hội phản ứng và chuẩn bị về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, TikTok tố chính phủ Mỹ đưa ra cáo buộc “vô căn cứ” khi cho rằng ứng dụng này là mối đe dọa an ninh quốc gia để biện minh cho những sắc lệnh hành pháp mới đây của ông Trump, theo nguồn tin của NPR.
Người phát ngôn của TikTok từ chối bình luận về thông tin NPR đưa ra, nhưng đề cập đến bài viết trên blog trước đó. Cụ thể, bài viết của TikTok cho rằng công ty "bị sốc" và sẽ theo đuổi tất cả biện pháp có sẵn, bao gồm đệ đơn kiện lên tòa án ở Mỹ.
Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin vụ kiện tụng, nhưng bảo vệ sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump. "Chính phủ cam kết bảo vệ người dân Mỹ trước tất cả mối đe dọa đối với không gian mạng, sức khỏe cộng đồng, nền kinh tế và an ninh quốc gia", người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere nói.
NPR đưa ra thông tin trên sau khi Tổng thống Trump hôm 6.8 ký các sắc lệnh hành pháp, theo đó cấm tất cả giao dịch với 2 công ty Trung Quốc sở hữu ứng dụng TikTok và WeChat tại Mỹ. Chính phủ Tổng thống Trump cáo buộc ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok của ByteDance và ứng dụng nhắn tin WeChat thuộc sở hữu Tencent “đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ". Ông Trump đồng thời cho rằng 2 ứng dụng này thu thập, cung cấp dữ liệu cá nhân cho chính quyền Trung Quốc, đe dọa người dân Mỹ.
Khi lệnh cấm có hiệu lực tại Mỹ sau 45 ngày kể từ lúc sắc lệnh hành pháp được ban hành, TikTok sẽ bị loại khỏi kho ứng dụng điện thoại ở thị trường Mỹ. Khoản thu nhập cho hơn 1.000 nhân viên TikTok tại Mỹ sẽ bị đóng băng vô thời hạn và chủ cho thuê mặt bằng buộc phải lấy lại các văn phòng của TikTok, theo NPR.
Twitter thương lượng mua TikTok
Trước khi ban hành các sắc lệnh hành pháp, Tổng thống Trump đã ra thời hạn 45 ngày cho ByteDance phải bán mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ cho Tập đoàn Microsoft hoặc công ty Mỹ khác. Nếu ByteDance không bán thì TikTok sẽ bị cấm tại Mỹ vào giữa tháng 9.
Ban đầu, Microsoft tuyên bố đang đàm phán để mua lại các mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ, Canada, Úc và New Zealand. Tờ Financial Times hôm 6.8 dẫn nguồn tin tiết lộ Microsoft đang mở rộng các cuộc đàm phán và muốn thâu tóm toàn bộ mảng kinh doanh của TikTok trên toàn cầu.
Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal hôm qua dẫn nguồn tin cho biết công ty mạng xã hội Twitter (Mỹ) đã tiếp cận ByteDance, bày tỏ ý định mua lại mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ. Twitter có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 30 tỉ USD (697.294 tỉ đồng), gần bằng mức định giá tài sản của TikTok nên phải thuyết phục các nhà đầu tư, huy động thêm vốn để tài trợ cho thương vụ này, theo nguồn tin.
Nguồn tin của The Wall Street Journal và giới chuyên gia đánh giá Twitter khó vượt mặt Microsoft trong thương vụ thâu tóm TikTok. Năm 2012, Twitter đã mua lại nền tảng Vine vốn cho phép người dùng chia sẻ video ngắn như TikTok, nhưng sau đó đóng cửa dịch vụ này vào năm 2016.
Bình luận (0)