Chiều 8.11, chuyên cơ Không lực 1 chở Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania đáp xuống Bắc Kinh, khởi động chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của nhà lãnh đạo kể từ khi nhậm chức. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy, Tổng thống Trump và phu nhân được đón tại sân bay với thảm đỏ, hàng dài lính bồng súng chào, quân nhạc nổi lên và đoàn thiếu nhi vừa vẫy cờ 2 nước vừa hô vang: “Chào mừng!”.
Đài DW dẫn lời chuyên gia Robert Daly thuộc Viện Nghiên cứu Wilson Center (Mỹ) chỉ ra: “Thảm đỏ mà Trung Quốc chuẩn bị cho Tổng thống Donald Trump dày và lớn hơn những tấm thảm từng dùng đón các lãnh đạo Mỹ trước đó”.
Theo Tân Hoa xã, điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Trump và phu nhân là Tử Cấm Thành, một trong những di tích nổi tiếng nhất của Trung Quốc
Chương trình tại đây bao gồm chụp ảnh, dùng trà và xem kinh kịch với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện, trước khi bước vào tiệc tối. Tổng thống Trump cũng là chủ nhân Nhà Trắng đầu tiên từ trước đến nay dự tiệc tại Tử Cấm Thành.
Giới chức mô tả chuyến công du của Tổng thống Trump là “chuyến thăm cấp nhà nước +” (state visit plus) nhằm nhấn mạnh “tính chất đặc biệt và long trọng”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh giải thích rằng nước này muốn “đáp lễ” sự tiếp đón “ấm áp, chu đáo” mà Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện nhận được khi đến Florida vào tháng 4.
Cùng ngày, các công ty Mỹ và Trung Quốc ký gần 20 thỏa thuận thương mại với tổng trị giá 9 tỉ USD dưới sự chứng kiến của Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross.
Theo giới quan sát, những bước đi nói trên nhằm tạo không khí thuận lợi trước khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập hội đàm chính thức vào hôm nay 9.11. Cuộc hội đàm được dự đoán sẽ gồm nhiều nội dung nóng bỏng, như tình hình bán đảo Triều Tiên, thâm hụt mậu dịch song phương và cả cạnh tranh chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương. Trước thềm chuyến công du châu Á, Tổng thống Trump đã gọi thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc là “tồi tệ” và “đáng xấu hổ”, theo Reuters.
Mặt khác, chuyên gia Paul Haenle thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) nhận định sự đón tiếp long trọng của Trung Quốc còn nhằm tạo cảm giác về sự cân bằng giữa 2 cường quốc trong “quan hệ nước lớn kiểu mới”, khái niệm được ông Tập đưa ra năm 2012. Ngược lại, theo nhà phân tích này, phía Mỹ sẽ cố không để chuyến thăm bị dư luận nhìn nhận như một dạng “thượng đỉnh G2”.
Bình luận (0)