Để góp phần tiết kiệm điện, tôi thường lựa chọn và mua sắm các loại sản phẩm có tuổi thọ lâu dài, hạn chế thay đổi liên tục các sản phẩm tuổi thọ ngắn. Ví dụ như khi mua quần áo, tôi tránh mua những kiểu quần áo theo “trend”, bởi tính ứng dụng thấp và chỉ sử dụng từ 1 đến 2 lần rồi chẳng bao giờ mặc đến nữa khi đã hết thời.
Thay vào đó tôi sẽ chọn mua các loại quần áo có chất liệu vải tốt, mặc được nhiều dịp và đồ “si-đa” cũng là lựa chọn hợp lý giúp tăng vòng tuần hoàn của thời trang. Hoặc khi quyết định mua sản phẩm đồ điện gia dụng, tôi sẽ cân nhắc kỹ các yếu tố của sản phẩm đó như hiệu suất, độ bền và có tiết kiệm điện hay không?
Tôi không ham rẻ chọn mua các sản phẩm giá 100 ngàn - 200 ngàn đồng, sử dụng vừa tiêu hao nhiều điện mà chỉ mới vài tháng đã hư hỏng. Minh chứng cho việc này, mới đây thôi người bạn cùng phòng của tôi mua một chiếc bình đun siêu tốc và chiếc quạt mini chỉ với tổng là 170 ngàn đồng, giá đã “săn sale”. Ngay tháng sau đó, tiền điện phòng của chúng tôi tăng lên đáng kể, mà bình đun của cô ấy cũng đã quai đi đường quai, thân đi đường thân. Chiếc quạt cũng không tránh khỏi số phận "đau thương" mất mạng chỉ sau 2 tháng nữa.
Vì mọi loại sản phẩm từ thời trang, thiết bị công nghệ, đồ gia dụng,… nào nhận được lượt mua “khủng” từ người tiêu dùng thì các doanh nghiệp luôn nắm bắt thời cơ, sản xuất ra vô số sản phẩm "mì ăn liền”, tuy bắt mắt nhưng lại có tuổi thọ ngắn.
Thiết bị "dỏm" - quá trình sản xuất không chỉ sử dụng nguồn năng lượng điện vô cùng lớn, mà còn gây nên ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Theo ước tính, việc sản xuất vải trong ngành thời trang sử dụng đến 80% năng lượng điện cho vận hành máy giặt, làm khô và nhuộm vải, hoặc theo thống kê của Năng lượng Việt Nam 2019, nhóm ngành sản xuất các thiết bị, dụng cụ điện tiêu hao 2.538GWh, gây ra các ảnh hưởng tiêu cực rất lớn cho môi trường.
Để tiết kiệm điện, tôi còn thực hiện một mẹo nhỏ để tránh mua sắm lãng phí, là khi muốn mua một món đồ nào đó, tôi sẽ viết vào ghi chú của điện thoại, nếu 2 tuần sau vào xem lại mà tôi còn cần món đồ ấy thì tôi mới mua.
Rõ ràng nếu mỗi người chúng ta thay đổi thói quen mua sắm, giảm đi nhu cầu tiêu dùng nhanh, thì những nhà máy sản xuất các sản phẩm có tuổi thọ ngắn cũng sẽ hạn chế tạo ra sản phẩm ít thân thiện với môi trường, làm giảm tiêu hao năng lượng điện. Từ đó, các doanh nghiệp cũng chuyển đổi theo thị hiếu của người tiêu dùng, phát triển các loại sản phẩm mang tính bền vững hơn để cùng khách hàng tiết kiệm điện thành thói quen.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.
Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)