Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn nhận định: “Đoàn thể thao Việt Nam ngoài những môn thi đấu chưa thành công thì có một số môn thi đấu thành công, hoàn thành được mục tiêu đề ra và cải thiện được thành tích như: cầu lông (Nguyễn Thùy Linh); quyền Anh (Nguyễn Văn Đương và Nguyễn Thị Tâm), điền kinh (Quách Thị Lan) vào bán kết; đua thuyền rowing (Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo) đạt thành tích tốt nhất trong 3 lần tham dự Olympic; bơi (Nguyễn Huy Hoàng) cơ bản vẫn giữ được thành tích, xứng đáng với chuẩn A mà Huy Hoàng đạt được để tham dự Olympic".
|
Ông Phấn chia sẻ tiếp: "Tuy nhiên có thể thấy, lần tham dự Olympic 2020, chúng ta chưa đạt được thành tích như mong muốn, kể cả mục tiêu có khả năng tranh chấp huy chương nội dung cử tạ nữ. Những kết quả thi đấu chưa thành công, dù không muốn nói là do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, xong không thể phủ nhận suốt gần 2 năm qua, kế hoạch tập huấn, thi đấu của các đội bị đảo lộn, điều chỉnh liên tục cho phù hợp với thực tế dịch bệnh trong điều kiện mới. Các VĐV không được đi tập huấn, đặc biệt không được tham gia thi đấu quốc tế. Mặc dù thời gian không dài, nhưng đây là một trong những yếu tố mang tính quyết định làm giảm sút về chuyên môn.
Đơn cử như những VĐV môn bơi, trong đó có kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, đạt hai chuẩn A nội dung 800m và 1500m từ rất sớm, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, Huy Hoàng chỉ tập trong nước, kế hoạch tập huấn và thi đấu nước ngoài phải đóng cửa hoàn toàn. Có nhiều thời điểm Huy Hoàng không được xuống nước mà phải tập trên bờ. Hay như các VĐV cử tạ sau thi đấu vòng loại về nước phải thực hiện cách ly hơn 40 ngày và các VĐV khác cũng trong hoàn cảnh tương tự vì dịch bệnh. Đây chính là những hạn chế lớn trong quá trình chuẩn bị của VĐV”.
|
Ông Phấn nói tiếp: “Thời gian qua, sau kết quả thi đấu chưa thành công của một số VĐV, một số cơ quan báo chí cũng như một số chuyên gia trong lĩnh vực thể thao đã góp ý, phân tích, đánh giá về vấn đề này, Đoàn thể thao Việt Nam xin cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp vì mục tiêu chung và sự phát triển của thể thao Việt Nam.
Tuy nhiên, việc giải quyết được bài toán đầu tư để làm sao có thể tranh chấp tại các đấu trường lớn như ASIAD hay giành huy chương Olympic, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, kể cả điều chỉnh các mục tiêu cho từng đại hội, quan điểm đầu tư, xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện. Hy vọng sau 1-2 chu kỳ Olympic nữa, VĐV của thể thao Việt Nam sẽ đến Olympic với tâm thế sẵn sàng tranh chấp huy chương”.
Bình luận (0)