Bóng đá Việt Nam mùa dịch...

29/02/2020 18:40 GMT+7

'Chống dịch như chống giặc', đấy là khẩu lệnh của đích thân Thủ tướng ngay từ khi mới phát động cuộc “kháng chiến” chống dịch Covid-19 (thời điểm ấy dịch còn chưa… định danh, tạm gọi là virus nCoV).

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để phòng chống dịch Covid-19. Hàng loạt sự kiện thể thao cũng như nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội đã buộc phải dừng, hoãn, hủy… Nhờ sự quyết tâm, đồng bộ (của cả bộ máy từ trung ương tới địa phương) và đồng lòng (của nhân dân) ấy mà Việt Nam chính là quốc gia đi đầu về hiệu quả chống lại sự tấn công của đại dịch này. Nhưng dù thế nào, cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Các công sở vẫn làm việc. Các trường học rồi cũng dần đón học sinh, sinh viên tới trường (chí ít cũng có biện pháp học online). Và thể thao cũng thế, không thể cứ kéo dài sự chờ đợi… Vậy nên, mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2020 rồi cũng đã đến lúc khởi tranh, bắt đầu với trận Siêu cúp vào 1.3, kế đến là V-League vào cuối tuần tới, đều trong tình trạng… không khán giả!

Siêu cúp đá kín chống Covid-19, sân Thống Nhất vẫn được khử trùng

Cách đây một ngày, các phóng viên đồng loạt nhận được bản đăng ký tác nghiệp, trong đó yêu cầu khai báo đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe, có từng qua vùng dịch nào trong vòng 14 ngày qua không… Không chỉ phóng viên, mà trọng tài, giám sát, các thành viên BTC sân và cả các đội bóng đều phải thực thi việc cần thiết này. Đại diện Ban điều hành giải còn cho biết, trong thời gian qua đã có các cuộc họp, phân tích rất chi tiết các tình huống, vấn đề liên quan để có thể đảm bảo vừa tổ chức được các trận đấu đảm bảo chuyên môn, vừa góp phần phòng chống dịch Covid-19 theo đúng các tiêu chuẩn cần thiết.

Khán giả chỉ được tam xem những pha bóng đẹp qua tivi

Vy Khánh

Bóng đá mà không có khán giả - có thể sẽ mất vài vòng đấu chứ không chỉ vòng đầu tiên như thông báo số 1 của BTC - thì cũng buồn thật chứ. Ý nghĩa xã hội cũng suy giảm đáng kể. Nhưng người hâm mộ vẫn có theo dõi các trận đấu trên truyền hình cũng như các phương tiện truyền thông khác. Tạm chấp nhận và bằng như vậy, để mùa giải được khởi tranh, để không “vỡ kế hoạch” cả mùa, và để các CLB cũng như đội tuyển quốc gia không bị suy yếu vì hệ quả liên đới trong bối cảnh “tập chay”… Điều này cũng tương tự với việc nhiều giải thể thao cấp quốc gia sẽ được tổ chức từ tháng 3 tới, với điều kiện đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.
Lịch sử ghi nhận, trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thể thao Việt Nam vẫn cứ được duy trì theo cách rất riêng. Các trận đấu thể thao vẫn được diễn ra ở các cứ địa, thậm chí vẫn được tổ chức để phục vụ nhân dân. Dù nhọc nhằn, khó khăn, dưới bom đạn của kẻ thù, thể thao và bóng đá Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển.

Vòng 1 V-League năm nay sẽ không có cảnh mua bán vé như thế này

Quỳnh Mai

Một cách ví von, khi cả xã hội đã và đang vào cuộc để phòng – chống dịch Covid-19, thì các hoạt động thể thao tập trung đông người cũng chẳng khác mấy so với bối cảnh “kháng chiến” và “chống giặc”. Do vậy, dứt khoát cần có những biện pháp phù hợp để hạn chế đến mức thấp nhất hệ lụy từ dịch bệnh, để sau khi “giặc tan” thì cơ thể của thể thao Việt Nam nói chung, bóng đá Việt Nam nói riêng vẫn không bị suy yếu, và đủ “thể trạng” tham gia các cuộc đấu quốc tế.
“Chống dịch như chống giặc”. Truyền thống vừa xây dựng đất nước, vừa chống giặc ngoại xâm ngày xưa đã và đang phát huy tốt ngay trong thời bình, khi “giặc Covid-19” tới. Bóng đá “mùa dịch”, vì thế, cũng có phương thức riêng của mình vậy!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.