Không ưu ái công lập
Theo bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Nghị định 117/2020/NĐ-CP (viết tắt NĐ 117) được Chính phủ ban hành thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP (NĐ 176) đã bổ sung nhiều điểm mới liên quan các hành vi vi phạm.
Bà Trang cũng lưu ý khi ban hành Nghị định 117, dù đối tượng là cơ sở y tế nhà nước hay tư nhân, công chức viên chức hay người lao động ngoài công lập đều phải chịu phạt vi phạm hành chính, thay vì trước đây chỉ có xử phạt đối với khu vực y tế tư nhân. Các quy định mới đã xóa bỏ thiên vị cho đơn vị công nếu họ vi phạm. Như sử dụng kinh phí hỗ trợ của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20 triệu - 30 triệu đồng mà trước đây NĐ 176 chưa có quy định.
Cụ thể, cơ sở y tế sẽ chịu mức phạt đến 5 triệu đồng nếu không thông báo thông tin liên quan đến người mắc bệnh truyền nhiễm được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở; không theo dõi sức khỏe của thầy thuốc, nhân viên y tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp tham gia khám bệnh, chăm sóc, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Hoặc, áp dụng phạt tiền từ 10 triệu - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: kê đơn biệt dược đắt tiền không cần thiết nhằm mục đích vụ lợi; kê đơn thuốc không phù hợp với chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh. Các đơn vị tiêm chủng có thể chịu mức phạt đến 40 triệu đồng nếu sử dụng vắc xin đã hết hạn, vắc xin kém chất lượng.
Bố, mẹ bị phạt nếu sai con mua rượu, thuốc lá
Một điểm mới cần lưu ý, theo bà Trang, đó là: “Được sử dụng các công cụ phương tiện để phát hiện các hành vi vi phạm, gồm: xác minh hành vi vi phạm qua camera, chụp ảnh, quay phim, ghi âm, ghi hình để xử phạt nguội, tăng tính khả thi cũng như kịp thời phát hiện xử phạt các hành vi vi phạm”.
Bà Trần Thị Trang nhìn nhận một số quy định có thể khó khăn về tính khả thi, trong quá trình triển khai như việc xác định tuổi với người bị cấm sử dụng rượu bia. Tuy nhiên, nó cũng phụ thuộc vào ý thức chấp hành của người dân và việc tuyên truyền để người dân hiểu, có ý thức chấp hành.
“Người bán hàng nếu có ý thức thì cũng có thể biết được để không bán thuốc lá, rượu bia cho người mua là trẻ em. Nếu phát hiện được vi phạm của người bán thì cũng phải xử lý thật nghiêm, răn đe, để người bán không vi phạm”, bà Trang nhấn mạnh.
Đối với việc ghi nhận hành vi “ép người khác uống rượu bia” để xử phạt, bà Trang giải thích: “Để coi là ép khi hành vi đó phải là bắt buộc người khác làm trái với ý muốn đến mức mà người ta không thể cưỡng lại được, và người bị ép uống rượu bia không có điều kiện, không có khả năng để phản kháng”.
Tại NĐ 117, các hành vi bị tăng nặng mức phạt như: trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi bị tăng mức xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng, cao hơn so với quy định hiện hành (1 - 2 triệu đồng). Đáng lưu ý, xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá (trước đó, NĐ 176 không có quy định này).
“Với quy định mới này, từ ngày 15.11 tới, nếu cha mẹ hay người trong gia đình sai con đi mua thuốc lá, sẽ bị phạt”, bà Trang lưu ý.
Vi phạm quy định về xác định lại giới tính: phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: tiết lộ thông tin về việc xác định lại giới tính của người khác; phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính.
Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế: phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế.
Vi phạm quy định về mai táng, hỏa táng: phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công nghệ để hỏa táng không bảo đảm yêu cầu xử lý các chất thải theo quy định của pháp luật.
Vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh: phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: ngăn cản người bệnh thuộc diện chữa bệnh bắt buộc vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chỉ định sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác vì vụ lợi.
Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.
Vi phạm quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm: phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: cho tinh trùng, cho noãn tại hơn một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
|
Bình luận