Thị trường gạo ngưng trệ vì giá tăng quá nhanh

07/08/2023 06:35 GMT+7

Giá lúa gạo tại ĐBSCL tiếp tục tăng mạnh trong những ngày cuối tuần. Đến mức nông dân không dám bán, còn doanh nghiệp không dám mua, thị trường xuất khẩu cũng vì vậy mà đình trệ. Cơ hội hưởng lợi giá tốt chưa rơi vào túi của bất cứ bên nào.

Nông dân không muốn bán

Để tìm hiểu thực tế về thị trường gạo nội địa những ngày gần đây, chúng tôi liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Thành An, một nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn ở H.Thoại Sơn (An Giang). Vừa bắt điện thoại đã nghe tiếng cười vui của ông An. "Vui quá luôn chú ơi. Giá lúa đang rất cao, bà con ở đây ai cũng vui dữ lắm", ông An nói và cho biết trong cả thập kỷ trở lại đây chưa khi nào lúa trúng mùa như năm nay. Bà con trồng các giống OM, Đài thơm… chừng 10 ngày nữa thu hoạch. 

"Người nào thất mùa cũng được tới 900 kg/công, còn thường thường là 1 tấn/công, thậm chí có người đạt tới 1,1 tấn/công; tăng 15 - 20% so với mức bình quân các năm trước. Giá lúa hiện tại ở địa phương đang trên mức 8.000 đồng/kg, có người trồng được lúa tốt giá đến 8.300 đồng/kg. Bây giờ thương lái không chờ đến lúc thu hoạch mà ai muốn nhận cọc là họ đưa luôn. Tuy nhiên bản thân tôi không dám nhận vì lúa của mình mới trổ bông đều, còn khoảng một tháng nữa mới đến lúc thu hoạch. Nhận cọc sợ tới lúc đó giá tăng thêm thì lại tiếc, giá giảm thì cũng thiệt thòi cho anh em hàng xáo", giọng ông An rổn rảng.

Thị trường gạo ngưng trệ vì giá tăng quá nhanh - Ảnh 1.

Nguồn cung gạo nội địa vẫn dồi dào

Chí Nhân

Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng giá lúa sẽ ở mức nào vào thời điểm thu hoạch, ông An thừa nhận, với bà con nông dân ở đây, lúa trúng mùa như hiện tại và giá mức trên 7.000 đồng/kg là đẹp lắm rồi. "Chính vì vậy mà mình không dám ước tăng thêm", ông An thành thật.

Rất hiếm khi giá lúa gạo tăng nhanh và mạnh như hiện nay nên tâm lý "sẽ còn tăng thêm" đang khiến nhiều người ngập ngừng không muốn bán ngay. Theo khảo sát của chúng tôi tại một số địa phương ở ĐBSCL, giá lúa tươi tại ruộng đã lên mức bình quân 7.400 - 7.500 đồng/kg. Với mức giá này, nhà nông thu lãi 100% so với chi phí đầu tư và cũng là biên lợi nhuận rất cao của ngành này.

Theo cập nhật của Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, giá lúa OM 5451 ở mức 7.000 - 7.300 đồng/kg; Nàng Hoa có giá 7.200 - 7.600 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.800 - 7.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 6.900 - 7.100 đồng/kg; lúa Nhật cũng ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nàng Nhen (khô) 13.000 đồng/kg; OM 18 ở mức 6.900 - 7.100 đồng/kg. Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu điều chỉnh tăng 100 đồng/kg lên mức 12.100 đồng/kg; gạo thành phẩm ở mức 14.100 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm điều chỉnh giảm với tấm IR504. Theo đó, giá tấm ở mức 11.500 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; cám khô ở mức 7.700 đồng/kg.

Còn tại Đồng Tháp, đầu tháng 7 vừa qua, giá lúa hè thu chỉ ở mức 6.200 - 6.400 đồng/kg (tùy giống lúa). Hiện tại giá lúa hè thu giống chất lượng cao được thương lái thu mua tại ruộng với giá 7.100 đồng/kg, tăng 1.300 đồng/kg so cùng kỳ năm 2022; lúa thường IR50404 giá 6.500 đồng/kg, tăng 1.050 đồng/kg so cùng kỳ năm 2022. Giá lúa tăng giúp người nông dân thu về lợi nhuận khoảng 3.500 đồng/kg.

Doanh nghiệp không dám mua

Ở chiều ngược lại, nhiều thương nhân ở TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL lại mệt mỏi vì giá nội địa cứ tăng trong khi thị trường xuất khẩu thì có ngưỡng "chịu đựng". Thêm vào đó, không biết khi nào Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo nên đa số không dám mạo hiểm ký hợp đồng.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An), xác nhận giá lúa đang tăng rất nhanh. Mấy ngày trước 7.100 - 7.200 đồng/kg, hôm nay lên 7.400 - 7.500 đồng/kg. Lúa chưa thu hoạch mà thương lái đã vào đặt cọc để gom hàng. Nhưng một số người không giao mà găm hàng chờ giá tăng thêm. Chính vì vậy doanh nghiệp (DN) không có hàng để xuất. Một số DN bị nợ hợp đồng buộc phải giao hàng đã phải chấp nhận mua giá cao để xuất. Một số khác phải thương lượng với đối tác kéo dài thời gian giao hàng đến tháng 10 - 11. 

"Với giá lúa hiện tại ở thị trường nội địa, DN phải xuất khẩu gạo 5% tấm giá 700 USD/tấn mới có lời. Nhưng thực tế chúng tôi đang chào giá 640 - 650 USD/tấn mà cũng chưa ký được hợp đồng mới. Nguồn cung hạn chế cộng với tác động tâm lý đẩy giá lúa gạo tăng mạnh. Thị trường rơi vào trạng thái lo lắng nên hầu hết ngưng giao dịch", ông Bình nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng ở Tiền Giang, nói: Hiện tại chúng tôi tạm ngưng xuất khẩu vì không mua được gạo và thị trường rủi ro lớn quá. Giá lúa thường giờ trên 7.500 đồng/kg, còn gạo 3 ngày trước mới 15.000 đồng/kg thì nay đã lên 16.200 đồng/kg. Đây là giá các loại lúa gạo nguyên liệu làm ra gạo trắng 5% tấm để xuất đi Philippines, giá thành phẩm phải ở mức 700 USD/tấn thì DN mới có lời. Nhưng mức giá này thì khách không chịu mua. "Điều người ta sợ nhất chính là không biết Ấn Độ khi nào bỏ chính sách cấm xuất khẩu. Nếu bây giờ ký giá cao thì khả năng sẽ lỗ nặng", ông Đôn giải thích.

Thị trường gạo ngưng trệ vì giá tăng quá nhanh - Ảnh 2.

Nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đang trúng mùa, được giá

Công Hân

Nhằm bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, ngày 5.8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chủ động chỉ đạo, điều hành tổ chức sản xuất lúa, gạo đảm bảo mục tiêu về năng suất, chất lượng, sản lượng theo kế hoạch. Kịp thời cung cấp thông tin tới các bộ, ngành liên quan về sản lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ sản xuất trên địa bàn để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo VN trên thị trường quốc tế.

Thủ tướng yêu cầu chủ động điều tiết thị trường lúa gạo

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật; theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu, kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực VN (VFA), thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.