Khách đến ăn, ngủ rồi "chạy'' về Hội An chơi
Lên lịch nghỉ cuối tuần cho cả nhà tại Đà Nẵng vào cuối tháng 9 này, chị Hà An (Q.4, TP.HCM) chia sẻ: Đã 3 năm rồi chị mới quay trở lại dù “thành phố đáng sống” này là một trong những điểm đến gia đình chị yêu thích. Theo chị An, nói là ra Đà Nẵng nhưng thực tế trong 3 ngày nghỉ, gia đình chị chỉ ở lại Bà Nà Hill đêm duy nhất, thời gian còn lại cả nhà về nghỉ chơi ở Hội An. “Con gái tôi mới đi du học về, chưa thăm cầu Vàng nên đưa nó lên chơi chứ thật ra Bà Nà Hill nhà tôi đã lên 3 lần rồi. Đến Đà Nẵng bây giờ chủ yếu chỉ tạt qua rồi đi chỗ khác chứ không có gì chơi. Ngày lên Bà Nà, tối về lại ra sông Hàn đi dạo lòng vòng chút rồi về khách sạn ngủ, đi 1, 2 lần là đủ rồi”, chị An nói.
Đó là thực tế báo động tại điểm đến hàng đầu như Đà Nẵng. Trong vài năm trở lại đây, ngoài các dự án lưu trú, Đà Nẵng hầu như không có thêm một dự án vui chơi, giải trí quy mô lớn nào đi vào hoạt động. Đặc biệt, sản phẩm về đêm, khu vực kinh tế ban đêm gần như đang bị bỏ ngỏ hoàn toàn.
Điểm vui chơi nổi bật về đêm của Đà Nẵng hiện nay là Chợ đêm Sơn Trà. Hoạt động từ 18 - 24 giờ nhưng chưa đến "giờ giới nghiêm", mới chỉ khoảng gần 23 giờ chợ đã bắt đầu vắng vẻ, thưa thớt dần. Đáng nói, chợ đêm này cung cấp các mặt hàng lưu niệm, quần áo… giá rẻ bình dân, không có những sản phẩm đặc sắc, chất lượng cũng khó đảm bảo. Khu vực ăn uống có hải sản, một số món đặc trưng như bánh tráng, bánh xèo…, tuy nhiên nhiều du khách phản ánh hải sản ở đây không tươi, kém chất lượng. Hầu hết du khách cũng chỉ đến thử 1 lần cho biết, rồi "một đi không trở lại".
Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng số tiền chi tiêu bình quân chung của 1 lượt khách quốc tế tại Đà Nẵng là trên 5,32 triệu đồng. Khách đi theo tour có mức chi tiêu bình quân 4,29 triệu đồng, cao hơn so với khách tự sắp xếp là 3,1 triệu đồng. Đáng chú ý, chi tiêu bình quân 1 lượt khách quốc tế chủ yếu cho dịch vụ thuê phòng, ăn uống và đi lại (72,3%), trong đó dịch vụ thuê phòng là cao nhất (33,4%), các dịch vụ còn lại chiếm tỷ trọng khá thấp.
|
Trước đó, đầu năm 2015, trung tâm giải trí phức hợp Helio Center (Khu công viên Đông Nam Đài tưởng niệm, đường 2.9) ra đời được kỳ vọng trở thành điểm đến thu hút khách về đêm của TP đáng sống. Thế nhưng sau hơn 4 năm duy trì, trung tâm này đã khiến không ít du khách thất vọng. Khu vực ăn uống ngoài trời mở cửa đến 22 giờ 30, nhưng chỉ đến 22 giờ đã bắt đầu dọn dẹp bàn ghế, khách ra về hết… Đồ ăn không để lại dấu ấn, thậm chí là không ngon. Khu vực vui chơi trong nhà cũng đóng cửa lúc 22 giờ 30 (chỉ có rạp chiếu phim mở đến tầm 24 giờ).
Cũng giống như các thành phố du lịch, Đà Nẵng có khu phố “Tây” An Thượng có vẻ hút nhiều khách Tây hơn với các cửa hàng tiện lợi 24 giờ, các pub nhẹ nhàng, spa, massage… và nhiều nhà hàng ẩm thực, quán bia. Song chỉ tới 23 giờ, các khu phố này đã vắng vẻ. Hạn chế do nằm trong khu dân cư, nên các hoạt động về đêm ở đây không thể kéo dài quá muộn.
Hệ thống khách sạn nhỏ "ngắc ngoải"
Du lịch, bất động sản, kinh tế biển là 3 mũi nhọn giúp Đà Nẵng phát triển kinh tế lâu nay. Trong đó, du lịch được coi là ngành công nghiệp không khói thế mạnh nhất. Song, nhiều người gắn bó, nghiên cứu về TP này đều thừa nhận, ngành dịch vụ du lịch vốn đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng đang có dấu hiệu phát triển kém hiệu quả, “xuống sức”.
Đặc biệt, thời gian qua, Đà Nẵng đang tập trung phát triển quá nhiều về bất động sản du lịch, địa ốc, khách sạn, resort và các khu nghỉ dưỡng dọc bờ biển. Theo thống kê hiện nay, Đà Nẵng có khoảng 400 cơ sở lưu trú, trong đó có khoảng 10 khách sạn, khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng 5 sao chạy dọc ven biển, 9 khách sạn 4 sao và 50 khách sạn 3 sao. Tuy nhiên, chính sản phẩm du lịch sơ sài, chưa hấp dẫn đang khiến cho một bộ phận lớn các khách sạn từ 4 sao trở xuống đang làm ăn “trầy trật”, kém hiệu quả.
Phân tích sâu hơn về tình trạng này, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vietcircle nhận định: Đà Nẵng định hình là TP du lịch gắn với du lịch biển cao cấp, cao cấp hơn 1 số trung tâm du lịch biển của Việt Nam, gắn với thị trường khách MICE. Những đối tượng khách này thường đã được hưởng các dịch vụ đẳng cấp, chu đáo từ các khu resort, khách sạn 5 sao và ít có nhu cầu ra khỏi “tường rào” khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên với đối tượng khách thông thường, khách ở khách sạn 3 - 4 sao trở xuống thì cần có hoạt động vui chơi giải trí, níu chân khách, đặc biệt là hoạt động về đêm. Điều này thì Đà Nẵng đang rất yếu. Bên cạnh đó, vị trí của Đà Nẵng hiện khiến địa phương này bất lợi. Khi không liên kết và không tạo được điểm nhấn hấp dẫn du khách, du khách thay vì ở lại ăn chơi mua sắm sẽ mang hầu bao đến Hội An chi tiêu.
“Như vậy, Đà Nẵng không chỉ bỏ phí một nguồn doanh thu lớn mà còn đang vô tình đẩy những nhà hàng, khách sạn hạng trung bình, thấp vào thế khó. Đóng cửa kinh tế ban đêm sẽ khiến nền kinh tế chung của Đà Nẵng ảnh hưởng hơn nhiều so với các TP du lịch khác. Trong chuỗi giá trị du lịch, dịch vụ ăn chơi, mua sắm chiếm tới khoảng 80% tổng chi tiêu của du khách và chính là phân khúc để địa phương “hốt bạc”. Nếu đẩy được dịch vụ vui chơi giải ban đêm, Đà Nẵng sẽ giữ chân khách được lâu hơn, thu được nhiều ngoại tệ từ du lịch hơn và nuôi sống các khách sạn hạng nhỏ” - ông Huê lưu ý.
Bình luận (0)