Ngày 7.7, tại H.Phú Quốc (Kiên Giang), Ủy ban Quốc phòng và An ninh (Quốc hội khóa 14) tổ chức Hội nghị tọa đàm về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận về thực trạng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới.
Ngoài ra, các đại biểu còn góp ý về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và khái niệm “biên phòng”, nhiệm vụ biên phòng, lực lượng, biện pháp và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn… của lực lượng bộ đội biên phòng.
Buổi tọa đàm còn đề cập đến công tác bảo đảm chế độ chính sách của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng.
|
Trao đổi với báo chí, thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, cho biết thực tiễn hiện nay đang đặt ra những nhiệm vụ hết sức quan trọng, những vấn đề an ninh phi truyền thống cũng đang diễn biến phức tạp, nên lực lượng biên phòng là một lực lượng vô cùng quan trọng. Do đó, việc nâng Pháp lệnh Biên phòng lên thành Luật Biên phòng là hết sức cần thiết.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức còn cho rằng nâng Pháp lệnh Biên phòng lên thành Luật Biên phòng để bảo đảm cơ sở và hành lang pháp lý, đảm bảo cho việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng và toàn thể hệ thống chính trị.
“Đối với dự thảo luật biên phòng hiện nay còn nhiều vấn đề tranh luận. Theo quan điểm của chúng tôi, còn những vấn đề như thẩm quyền và nhiệm vụ của lực lượng biên phòng, làm thế nào để lực lượng biên phòng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ trên cơ sở hành lang pháp lý, không bị trùng lặp với nhiệm vụ chung được quy định trong luật biên giới quốc gia và các lực lượng khác”, thiếu tướng Đức nói thêm.
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật biên phòng có điểm rất quan trọng, đó là chính sách đối với hậu phương hiện nay còn nhiều khoảng trống mà theo lý giải của thiếu tướng Nguyễn Minh Đức là lực lượng Biên phòng hiện nay luôn thực thi những nhiệm vụ vô cùng khó khăn nơi tuyến đầu trong hoàn cảnh phải xa quê hương, xa gia đình…vì thế cần phải có quy định cụ thể hơn để đảm bảo chế độ chính sách để họ yên tâm công tác.
Thiếu tướng Đức còn cho rằng cần phải tham khảo Luật biên phòng của nhiều nước, xem xét đến việc giúp cho cán bộ chiến sĩ hài hòa giữa nhiệm vụ quốc gia và nhiệm vụ gia đình, để họ hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ. Ngoài ra cần có chế độ lương bổng công bằng xứng đáng với nhiệm vụ của các cán bộ chiến sĩ biên phòng thực hiện nhiệm vụ nơi nguy hiểm, khó khăn.
Theo thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường vụ Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, lực lượng biên phòng ngoài nhiệm vụ bảo vệ “vòng ngoài”, bảo đảm an toàn cho “vòng trong”, còn thực hiện nhiệm vụ giữ mối quan hệ đối ngoại với các nước có chung biên giới.
“Qua 2 lần đóng góp cho dự thảo Luật biên phòng vẫn có 2 quan điểm khác nhau về cách tiếp cận. Hai quan điểm này xuất phát từ phạm vi điều chỉnh và để giải quyết vấn đề trên, chúng ta làm luật thì chúng ta cần bám vào quy định của pháp luật về làm luật, đó là luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, vấn đề quan trọng là không được chồng chéo, có tính khả thi”, thiếu tướng Bộ nói.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nêu ra các lý do cần phải ban hành Luật biên phòng; trong đó có lý do trong quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng biên phòng có liên quan đến việc hạn chế quyền công dân nên không thể dừng lại ở Pháp lệnh mà phải nâng lên Luật.
Bình luận (0)