“Chỉ cần một người chịu nghe, mình thấy sướng rồi”
Cũng như nhiều buổi tối trong tuần, Bùi Hoàng Long, sinh viên năm cuối Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, xách nhạc cụ đến quán cà phê để bắt đầu chơi nhạc. Đồ nghề của nhóm Long đơn giản gồm đàn ghi ta và trống điện tử. Nhóm gồm 4 thành viên, hiện làm việc và học tập ở nhiều ngành nghề khác nhau. Qua quen biết và cùng đam mê, 4 thành viên tụ lại, cùng đến các quán cà phê hằng đêm để hát.
Như thường lệ vào mỗi tối cuối tuần nhóm nhạc của Long có mặt tại một quán cà phê ở Q.7. Nhóm có lịch trình diễn ở đây 1 hoặc 2 ngày trong tuần, thời gian kéo dài từ 19 giờ 30 - 22 giờ 30. Mỗi thành viên đảm nhận từng vai trò chơi nhạc cụ thể. Các bài hát trình diễn thuộc loại nhạc trẻ trung. Sân khấu ở quán cà phê khá đơn giản. Chỉ có những chiếc ghế, micro, bộ loa được mang ra xếp ngang. Khán giả tìm đến quán mục đích nghe nhạc hoặc đơn giản là uống cà phê.
Không gian quán khá rộng, nhưng chỉ có vài người đến uống cà phê và ngồi nghe hát. Tuy vậy, Trương Phước Lộc (27 tuổi) cùng các thành viên trong nhóm vẫn say sưa trình diễn từng bài hát một cách tròn trịa. Lộc tâm sự đi hát thích nhất khi có nhiều khán giả theo dõi, được vỗ tay tán thưởng. Nhưng đông khách hay vắng khách thì tất cả cũng vì đam mê mà hát.
“Chỉ cần một người chịu nghe, mình cũng thấy sướng rồi. Bản năng của một người trình diễn phải cố gắng lấy âm nhạc để thu hút người khác. Mình mang đến cho khách một giá trị âm nhạc thực thụ thì mới thu hút họ”, Lộc nói.
Bùi Hoàng Long cho biết: “Coi vậy chứ đi chơi nhạc ở đây cho vui, mỗi người được khoảng 200.000 - 300.000 đồng/đêm. Đủ tiền ăn, uống, xăng xe đi lại. Thực ra mấy năm gần đây có rất nhiều bạn trẻ đi hát quán cà phê. Tiền thù lao không nhiều nhưng được thỏa đam mê”.
Có tiền mới nuôi được đam mê
Theo các bạn trẻ trên, việc đi hát ở quán cà phê phần lớn là vì niềm yêu thích âm nhạc từ nhỏ. Nhưng muốn vẫy vùng ở các sân khấu lớn là điều quá khó. Cho nên chọn hát ở quán cà phê như một sự thể hiện thỏa mãn cái tôi trong âm nhạc. Bên cạnh đó, để lo “cơm áo gạo tiền” cho cuộc sống hằng ngày thì phải có một công việc chính khác để duy trì.
Từng có 5 năm đi hát ở quán cà phê, Trương Phước Lộc cho rằng không phải ai đi hát cũng là dân học nhạc chuyên nghiệp. Thời gian đầu, Lộc làm quản lý một quán cà phê có hát hò rồi cảm thấy thích lúc nào không hay. Dần dần ở nhà Lộc tự mày mò rồi học chơi nhạc cụ qua mạng khi còn là sinh viên một trường du lịch. Lộc nói: “Đi hát vì đam mê thì không có tiền, ngược lại phải có tiền mới nuôi được đam mê. Do đó, tôi phải làm thêm việc khác buổi sáng để có thể tự nuôi sống bản thân. Có tuần không hát ở quán nào thì tiền đâu mà sống được”.
Tương tự một tuần Long nhận lịch diễn ở 3 quán cà phê, có khi ở Q.7, Q.Thủ Đức, Q.2. Đi diễn nhiều nhưng chọn nghề này để kiếm tiền thì Long cho rằng không đủ sống. Buổi sáng Long vẫn làm việc bằng nghề chính là marketing. Nhờ âm nhạc, nó cũng mở ra cho Long thêm nhiều mối quan hệ trong công việc, xây dựng nền móng tiếp theo cho nghề nghiệp chính Long đang theo đuổi.
Cô sinh viên năm nhất Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM Đỗ Thị Hồng Gấm (19 tuổi) mới theo nghề hát khoảng 1 năm. Mỗi đêm Gấm hát hơn 10 bài. Nhưng đi mỗi quán lại cần mỗi phong cách hát khác nhau. Gấm chia sẻ, đi hát ở quán chỉ để kiếm thêm thu nhập, đủ tiền trả một vài thứ cần thiết. Việc chính vẫn là đi học. Gấm coi hát như một việc làm thêm của mình. Bởi “nghề” hát quán cà phê thường bấp bênh, không cố định thời gian cụ thể và mức thù lao bèo bọt.
“Được đi hát là tôi vui lắm, đi hát mà cái tầm của mình thì sao đòi hỏi được. Tiền công 50.000 đồng tôi cũng vui nữa. Đi hát ở một quán cà phê nhiều khách thì được 200.000 đồng, còn ít khách có khi tôi nói cô chủ không lấy tiền. Khi hát xong thì về nhà luôn”, Gấm kể.
Bình luận (0)