Nếu như các cầu thủ nam được hưởng tiền chuyển nhượng đã trở thành câu chuyện rất bình thường thì đây là lần đầu tiên, các nữ cầu thủ sau khi ký hợp đồng được được hưởng phí hỗ trợ, hay còn gọi là “tiền lót tay”.
Nguyễn Thị Mỹ Anh - người hùng World Cup của bóng đá nữ Việt Nam, được Thái Nguyên đề nghị phí hỗ trợ ký hợp đồng là 500 triệu cho 2 năm hợp đồng, tổng thu nhập hàng tháng khoảng 30 triệu đồng/tháng. Một cầu thủ khác là Lê Hoài Lương cũng được đề nghị phí hỗ trợ ký hợp đồng là 400 triệu đồng cho 2 năm hợp đồng, và tổng thu nhập là 30 triệu đồng/tháng.
Mỹ Anh ký hợp đồng với đơn vị chủ quản mới |
HOÀNG QUÂN |
Sự nghiệp Mỹ Anh bước sang trang mới. |
HOÀNG QUÂN |
Việc lần đầu tiên có chi phí hỗ trợ ký hợp đồng với bóng đá nữ không chỉ mang ý nghĩa cải thiện đời sống các cầu thủ. Quan trọng hơn, đây còn được xem như cú hích quan trọng, hướng tới sự chuyên nghiệp hoá của bóng đá nữ nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Giá trị của cầu thủ nữ đã được định giá như những ngôi sao bóng đá nam khác. Nhưng điều quan trọng hơn là họ được ghi nhận giá trị.
Mỹ Anh mang áo số 25 ở CLB nữ Thái Nguyên |
HOÀNG QUÂN |
Trước đó, cuối năm 2019, dư luận cả nước đã từng xôn xao trước thông tin đội bóng đá nữ Thái Nguyên đứng sát bên bờ vực giải thể. Việc thiếu kinh phí hoạt động đã khiến đội bóng đến từ địa phương từng là cái nôi của bóng đá nữ đi vào ngõ cụt. Khi đó, mỗi cầu thủ nữ Thái Nguyên chỉ nhận được khoản tiền công 60.000 đồng/ngày và 100.000 đồng tiền ăn/ngày. Hàng tháng tính 22 ngày chấm công, lương cầu thủ nữ nhận được khoảng 1,3 triệu đồng. Không ít chị em đã buộc phải chia tay giấc mơ và niềm đam mê với trái bóng tròn để đi làm công nhân nhằm trang trải mưu sinh. Chuyện sau mùa giải, cầu thủ nữ Thái Nguyên lại… xin nghỉ để đi làm thời vụ vài ba tháng rồi trở lại đội cũng không hiếm gặp.
Chính trong hoàn cảnh ấy, Tập đoàn T&T Group đã quyết định tài trợ toàn diện cho đội bóng nữ Thái Nguyên theo thoả thuận được ký kết vào vào cuối tháng 11.2019. Cũng từ cột mốc này, bóng đá nữ Thái Nguyên chính thức “chuyển mình”, từng bước thoát khỏi cảnh “sáng làm công nhân, chiều ra sân đá bóng”. Đời sống các vận động viên dần được nâng cao, điều kiện cơ sở vật chất được sửa sang hiện đại, tiện nghi hơn. Mức thu nhập vốn trước đây chỉ có 1,3 triệu đồng đã được cải thiện lên mức khoảng 10 triệu đồng/cầu thủ. Lần đầu tiên, các cô gái đá bóng của xứ gang thép được nhận tiền thưởng 50 triệu đồng cho 1 trận thắng và 20 triệu đồng cho một trận hòa.
Trong cuộc gặp gỡ đội tuyển nữ Việt Nam đầu năm 2022 sau khi thầy trò HLV Mai Đức Chung xuất sắc giành tấm vé dự World Cup 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kêu gọi người dân, các doanh nghiệp hãy quan tâm hơn nữa để phát triển bóng đá nữ Việt Nam.
Những bản hợp đồng như của cầu thủ nữ Mỹ Anh, Hoài Lương chính là một trong những cách để các doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá để tạo giá trị bền vững thay vì chỉ góp mặt ở một mùa giải rồi rời đi như một nhà tài trợ vì trách nhiệm.
Bình luận (0)