Thời đại của những bức tường

26/02/2022 06:10 GMT+7

Lịch sử nhân loại là lịch sử của việc xây lên, kéo đổ và dựng lại những bức tường. Bức tường - biểu trưng của ranh giới và sự chia rẽ không ngừng; biểu hiện của mặt này là sự khẳng định chủ quyền, mặt kia là nỗi sợ hãi, bất an luôn đeo bám các quốc gia và dân tộc ngay cả trong những hoàn cảnh hòa bình, như hàm ý câu tục ngữ “Hàng rào tốt tạo ra láng giềng tốt”.

Cuốn Chia rẽ - Tại sao chúng ta đang sống trong thời đại của những bức tường (ảnh) của Tim Marshall (Trần Trọng Hải Minh dịch, Nhã Nam và NXB Dân Trí, 2021) là một cuộc khảo sát lại lịch sử thế giới, khảo sát lại các điển nóng trên địa cầu lần theo các bức tường đã và đang được dựng lên.

Bức tường được hiểu với hình thái địa lý, nhưng cũng có thể là một ranh giới bản sắc mà một “cộng đồng tưởng tượng” (imagined community) đã xác lập, cũng có thể là những chính sách xác lập phên giậu ở quy mô khu vực, quốc gia với thế giới bên ngoài.

Cuốn sách dẫn ngay vào câu chuyện Vạn lý trường thành của Trung Quốc. Bức trường thành được xem như một công trình của sự thống nhất và phòng thủ quân sự đánh dấu từ thời nhà Tần, nhưng sâu xa, đó lại là một hàng rào khẳng định “bản sắc Hán”, có ý nghĩa “định nghĩa Trung Quốc từ bên ngoài cũng như từ bên trong” theo cách diễn giải của Tim Marshall. Nhưng thành trì chiến lược kiên cố ấy lại là thứ tạo ra tư duy chia cắt người Hán với thế giới bên ngoài. Từ Vạn lý trường thành, tác giả đi đến những liên tưởng thú vị trong thời hiện đại: một “Vạn lý hỏa thành” (tường lửa) trên không gian internet mà chính phủ Trung Quốc đang áp dụng.

“Mỗi bức tường kể một câu chuyện riêng nó”, tác giả viết. Những lằn ranh trên cát ở Trung Đông hay bức tường Ấn Độ xây nên bao quanh quốc gia láng giềng Bangladesh dẫn đến những khủng hoảng nhân đạo, những bức tường mới ngăn làn sóng nhập cư, tị nạn và tạo ra chia rẽ trong khối châu Âu sau thời chia cắt của bức tường Berlin, bức tường “của cát, hổ thẹn và im lặng” như tường thành Morocco ở châu Phi chia cắt một thế giới nghèo đói và tàn tạ... đều là những cuộc khảo sát thực tế, cắt nghĩa sinh động và bất ngờ giúp ta hiểu những chuyển biến thuận chiều lẫn nghịch chiều của thế giới đương đại.

Đặc biệt, có thể gặp trong Chia rẽ và cả cuốn sách nổi tiếng của cùng tác giả có tựa Prisoners of Geography (Những tù nhân của địa lý, Phan Linh Lan dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) câu chuyện “bức tường” đang nóng bỏng thời sự: những lằn ranh mà Nga tạo ra trên châu lục sau khi sáp nhập Crimea. Những chia cắt gia tăng khi Ukraine dựng các pháo đài dọc theo biên giới miền Đông của họ để chống sức ép của Nga và các khu vực đòi tự trị do Nga hậu thuẫn. Trong khi Estonia, Latvia và Lithuania xây hàng rào dọc biên giới của mình sau khi ngả về phương Tây... Cuộc cờ tạo ra những lằn ranh mà mấu chốt kịch tính nằm ở chỗ Ukraine. Ukraine trở thành thành viên NATO hay Liên minh Châu Âu (EU) thì sẽ là mồi lửa cho một cuộc chiến tranh, bởi như thế, Nga mất quyền lực kiểm soát đồng bằng Bắc Âu và đe dọa quyền tiếp cận của Nga vào khu vực cảng biển Đen.

“Tấm màn sắt” giữa Nga và châu Âu đã thực sự rung lên ở Ukraine, điều này đã được tác giả phân tích kỹ qua những trang sách địa chính trị đầy kịch tính.

Những khối liên minh vùng, quân sự, địa lý và kinh tế được tạo ra trên bản đồ thời toàn cầu hóa. Nhưng chính trị bản sắc và chủ nghĩa dân tộc lại nổi lên, liệu sẽ tạo ra những bức tường mới hay xoay hướng về phía đoàn kết và thống nhất? Câu hỏi cuối sách vẫn còn treo lơ lửng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.