25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ: Việt Nam và Mỹ là bạn bè chân thành

Vũ Hân
Vũ Hân
11/07/2020 06:34 GMT+7

“Chúng ta đã cùng nhau đạt được nhiều thành tựu, mà thành tựu lớn nhất là chúng ta đã có thể gọi nhau là bạn bè, đối tác một cách chân thành”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói.

Nâng quan hệ hai nước trong năm nay

Theo đánh giá của ông, sau 25 năm, cái nhìn của Mỹ về Việt Nam đã thay đổi ra sao?
Tôi chia sẻ ví dụ mà tôi cho là phù hợp nhất. Tháng 2 năm ngoái, trong rất nhiều sự lựa chọn để tổ chức thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, thì chúng tôi đã tìm đến với Việt Nam để đề nghị giúp đỡ.
 

Ảnh: ĐSQ Mỹ

Một người bạn Việt Nam của tôi có nói rằng về mặt chính thức, mối quan hệ của chúng ta là đối tác toàn diện, nhưng về bản chất, thì đó là mối quan hệ chiến lược. Tôi rất thích câu trả lời đó
Đại sứ Daniel Kritenbrink
Chúng tôi làm như vậy vì chúng tôi tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có năng lực để chuẩn bị cho sự kiện lớn như vậy chỉ trong một thời gian ngắn; và vì chúng tôi cho rằng, Việt Nam là một ví dụ mạnh mẽ, một tấm gương mà rất nhiều quốc gia có thể nhìn vào.
Việt Nam từng có mối quan hệ kỳ lạ với Mỹ, từng theo đuổi nền kinh tế tập trung, nhưng 25 năm sau, Việt Nam đã là bạn bè, đối tác của Mỹ, trở thành một quốc gia có trách nhiệm ngày càng lớn trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đang đổi mới kinh tế mang lại những kết quả rất ấn tượng.
Việt Nam và Mỹ là bạn bè chân thành

Tổng thống Mỹ Bill Clinton được chào đón nồng nhiệt khi sang thăm Việt Nam năm 2000

Ảnh: Việt Dũng

Liệu sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau sau 25 năm đã đủ để đánh một dấu mốc khác trong quan hệ giữa hai nước?
Nếu bạn hỏi liệu năm nay chúng ta có nâng quan hệ hợp tác giữa hai nước lên một tầm cao mới không, thì câu trả lời chắc chắn là có. Nhưng nếu bạn hỏi liệu chúng ta có chính thức định danh nó bằng một cái tên mới hay không, thì tôi sẽ nói rằng điều đó còn chưa rõ.
Tuy vậy, một người bạn Việt Nam của tôi có nói rằng về mặt chính thức, mối quan hệ của chúng ta là đối tác toàn diện, nhưng về bản chất, thì đó là mối quan hệ chiến lược. Tôi rất thích câu trả lời đó. Mặc dù tên gọi sẽ có ý nghĩa biểu tượng quan trọng, tôi nghĩ điều ý nghĩa hơn là chúng ta tập trung vào hiệu quả thực chất của hợp tác song phương.
Do đó, chúng tôi quan tâm hơn đến việc xây dựng lòng tin giữa Mỹ và Việt Nam; vào việc xây dựng mối quan hệ kinh tế, thương mại công bằng hơn, tự do hơn, có đi có lại. Chúng tôi quan tâm đến việc tăng cường hợp tác giữa quân đội hai nước và tăng cường hợp tác trong các vấn đề an ninh ưu tiên như Biển Đông, lưu vực sông Mê Kông hay bán đảo Triều Tiên, hơn là tìm kiếm một cái tên.
Tôi tin là mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ là tốt nhất, mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, và sự hợp tác của chúng ta sẽ ngày càng tăng hơn nữa, bất kể chúng ta gọi mối quan hệ đó là gì.
Tôi rất lạc quan vào thành tựu hợp tác giữa chúng ta 25 năm sau.
Việt Nam và Mỹ là bạn bè chân thành

Khởi động dự án Xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa 20.4.2019

Ảnh: Khả Hòa

Mối quan hệ đang tốt nhất từ trước đến nay

Khi công bố biểu tượng 25 năm quan hệ ngoại giao vào cuối năm 2019, Ngoại trưởng Pompeo đã nói rằng quân đội hai nước sẽ tăng cường hợp tác. Vậy ông có thể chia sẻ thêm những triển vọng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ?

Từ 0 đến 77 tỉ USD

“25 năm trước, hai nước chúng ta hầu như không có quan hệ thương mại, thì ngày nay, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 77 tỉ USD. Quan hệ quốc phòng cũng không ngừng phát triển, phản ánh lợi ích an ninh tương đồng của hai nước trong khu vực. Mối quan hệ giữa quân đội hai nước đóng góp trực tiếp cho một môi trường an ninh ổn định, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, thúc đẩy an ninh năng lượng và đảm bảo sự thịnh vượng chung trong kinh tế - thương mại”.
Đại sứ Daniel Kritenbrink
Như tôi đã nói, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang là tốt nhất từ trước đến nay. Điều này cũng đúng với hợp tác về an ninh và quan hệ giữa quân đội hai nước. Chúng ta có lợi ích chung trong việc quân đội hai nước hiểu rõ về nhau hơn, để tăng cường hợp tác, tăng cường lợi ích an ninh chung và để hỗ trợ sự đóng góp quan trọng của Việt Nam vào an ninh toàn cầu.
Đó là lý do vì sao các bạn thấy Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Việt Nam 3 lần chỉ trong 3 năm trở lại đây. Vì sao chúng ta có rất nhiều đối thoại, kể cả đối thoại chính thức song phương và cả những cuộc gặp không chính thức ở Hà Nội, Washington D.C, Honolulu và một số nơi khác.
Việc Mỹ giúp tăng cường năng lực của quân đội và cảnh sát biển Việt Nam mang lại lợi ích chung cho hai quốc gia. Đó là lý do vì sao từ 2012, Mỹ đã dành hàng trăm triệu USD hỗ trợ Việt Nam trong tăng cường năng lực quốc phòng, đặc biệt là năng lực hàng hải. Chúng tôi tin rằng mỗi quốc gia hiểu hơn ai hết điều gì đang xảy ra trong lãnh thổ của mình, nên việc họ có năng lực tốt hơn để bảo vệ lợi ích của mình, cũng chính là đóng góp vào sự ổn định, an ninh chung.
Hiện có 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ, và tôi hy vọng sẽ có càng nhiều quân nhân Việt Nam đào tạo, huấn luyện, diễn tập cùng quân nhân Mỹ cũng theo học tại các học viện quân sự của Mỹ. Tôi cho rằng càng tương tác với nhau nhiều, càng hiểu nhau thì chúng ta càng tin tưởng và yêu mến nhau hơn. Chúng tôi trông đợi sẽ mở rộng hơn nữa hoạt động hợp tác về đào tạo quốc phòng trong tương lai, nhưng chúng tôi sẽ chỉ làm với tốc độ mà cả hai bên đều cảm thấy thoải mái.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trong chuyến thăm Việt Nam 

Ảnh: Độc Lập

Tiếp tục hợp tác trên biển

Ông có cho rằng việc nước Mỹ đang phải đối phó với việc đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng có gây ảnh hưởng tiêu cực đến hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong vấn đề trên biển?
Chúng tôi nghĩ ứng phó với Covid-19 của Việt Nam là tốt nhất thế giới và hai nước đã hợp tác rất tốt trong vấn đề này. Chúng tôi tự hào là trong 22 năm qua, Mỹ đã hỗ trợ hơn 700 triệu USD để xây dựng năng lực y tế cho Việt Nam và sự hợp tác đó đang tiếp tục được mở rộng trong bối cảnh dịch bệnh. Tôi cũng rất xúc động và biết ơn sự hỗ trợ Việt Nam đã dành cho Mỹ. Tôi nghĩ rằng chúng tôi không có người bạn nào tốt hơn Việt Nam. Khi chúng tôi gặp khó khăn trong đối phó với Covid-19, Chính phủ và hàng nghìn bạn bè người Việt đã tặng hàng triệu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế và công dân Mỹ.
Tôi lấy làm tiếc là Trung Quốc đã lợi dụng dịch Covid-19 để tăng cường các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông. Nhưng đại dịch này không có ảnh hưởng gì đến hợp tác của Mỹ và Việt Nam trong các vấn đề hàng hải. Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam và các đối tác ở ASEAN để thúc đẩy các lợi ích chung, cả trên khía cạnh ngoại giao lẫn nâng cao năng lực hàng hải để đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, bất chấp Covid-19.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama

Ảnh: Ngọc Thắng

Phản đối các hành động cưỡng ép

Nhiều năm qua, lần đầu tiên thế giới chứng kiến việc có 2 tàu sân bay Mỹ tập trận tại Biển Đông. Liệu động thái này có liên quan các bất ổn gần đây, hay chỉ là một sự ngẫu nhiên?
Mỹ không ứng phó với một hoạt động cụ thể nào diễn ra trên Biển Đông. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng trên Biển Đông, các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải hành xử theo luật pháp quốc tế, có các yêu sách chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế và tuân thủ luật lệ. Các quốc gia lớn hơn không thể bắt nạt hay đe dọa các quốc gia nhỏ hơn. Chúng tôi tin vào các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi tin tưởng vào quyền tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông. Chúng tôi phản đối các hoạt động cưỡng ép các quốc gia khác tại khu vực này. Chúng tôi phản đối các hành động của Trung Quốc trong việc cản trở các quốc gia khai thác dầu khí trên Biển Đông, trong đó có các hoạt động dầu khí lâu năm của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng

Ảnh: Chinhphu.vn

Đặc biệt, chúng tôi phản đối hành động cưỡng ép của Trung Quốc, cản trở các quốc gia ASEAN tiếp cận nguồn tài nguyên năng lượng trị giá 2.500 tỉ USD trên biển. Chúng tôi cho rằng việc Trung Quốc liên tục có các hành động cản trở việc khai thác dầu khí của các quốc gia khác đe dọa an ninh năng lượng và ảnh hưởng tiêu cực thị trường năng lượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chúng tôi lấy làm tiếc là trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã thực hiện liên tiếp nhiều hoạt động tác động tiêu cực đến hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
Mỹ kiên quyết phản đối việc Trung Quốc hay bất kỳ một nước nào sử dụng các biện pháp ép buộc để tăng cường yêu sách chủ quyền. Trung Quốc cần dừng các hoạt động mang tính khiêu khích, làm ảnh hưởng đến sự ổn định trong khu vực.
Chính sách của Mỹ được thiết kế để ủng hộ các nguyên tắc đảm bảo tất cả các quốc gia, bao gồm cả các quốc gia có yêu sách biển, đều có lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển. Chúng tôi sẽ làm điều đó bằng 3 hướng chính.
Thứ nhất là tăng cường hoạt động ngoại giao với các đối tác trong khu vực, trong đó có các quốc gia ASEAN. Thứ hai là hỗ trợ tăng cường năng lực hàng hải của các quốc gia đối tác trong ASEAN. Thứ ba là tiếp tục phát triển năng lực của Mỹ, bao gồm cả năng lực quân sự; tiếp tục thực hiện các quyền của chúng tôi theo luật pháp quốc tế, như quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Đây cũng là các quyền tất cả các quốc gia khác trên thế giới đều có thể thực hiện.
Đó là lý do mà các tàu của Mỹ hoạt động thường xuyên trên Biển Đông, quân đội Mỹ có mặt trên Biển Đông thời gian vừa qua. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục các hoạt động này ở bất cứ nơi đâu mà luật pháp quốc tế cho phép.

Các dấu mốc 25 năm quan hệ Việt - Mỹ

Đồ họa: Hồng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.