Bình Định: Làng biển rơi nước mắt đón 3 ngư dân trở về từ cõi chết

03/11/2020 22:03 GMT+7

Ngày 3.11, 3 ngư dân Võ Văn Hoài, Lê Minh Don và Huỳnh Xuân Phi, thuyền viên trên tàu cá BĐ 97469 TS bị chìm khi đi tránh bão số 9, đã về đến nhà. Người dân làng biển rơi nước mắt khi đón 3 người con về.

Từ chiều 3.11, rất nhiều người đến nhà để chờ đón 3 ngư dân Võ Văn Hoài (35 tuổi), Lê Minh Don (20 tuổi) và Huỳnh Xuân Phi (35 tuổi, cùng ở xã Hoài Hải, TX.Hoài Nhơn, Bình Định) về nhà. Đây là những ngư dân đã may mắn sống sót một cách kỳ diệu trong cơn bão số 9 vừa qua.

Những ngư dân từ cõi chết trở về đau đớn kể lại giây phút từng người “buông tay”…

Ăn phao xốp, uống nước mưa để cầm hơi

Sáng cùng ngày, 2 tàu kiểm ngư số hiệu KN 490 và KN 473 đã đưa 6 ngư dân trên 2 tàu cá BĐ 97469 TS và BĐ 98658 TS về đến Cam Ranh (Khánh Hòa) để bàn giao cho UBND TX.Hoài Nhơn (Bình Định). Ngay sau đó, những ngư dân này được đưa về với gia đình.
Trong đó, tàu kiểm ngư KN 490 chở 3 ngư dân đi trên tàu cá BĐ 97469 TS, gồm: Võ Văn Hoài, Lê Minh Don và Huỳnh Xuân Phi.
Trước đó, chiều 27.10, tàu cá BĐ 97469 TS do ông Võ Ngọc Đô (41 tuổi, ở xã Hoài Hải) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng (trên tàu có 14 ngư dân) bị chìm khi đang di chuyển tránh trú bão số 9. Chiều 29.10, tàu M/V Fortune Iris (Hong Kong) cứu được các anh Hoài, Don, Phi rồi bàn giao cho tàu kiểm ngư KN 490. Sau đó, 3 ngư dân này xung phong ở lại để tiếp tục tìm kiếm 11 ngư dân còn lại trên tàu cá BĐ 97469 TS bị mất tích.

Ngư dân Lê Minh Don kể lại sự việc

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Còn tàu KN 473 đưa 3 ngư dân: Đinh Hồng Giáo (37 tuổi), Trần Văn Anh (29 tuổi), Lê Bạn (37 tuổi, ở P.Hoài Thanh, TX.Hoài Nhơn) đi trên tàu cá BĐ 98658 TS của ông Nguyễn Văn Toàn (ở P.Bồng Sơn, TX.Hoài Nhơn). Chiều 27.10, hay tin tàu cá BĐ 96388 TS (trên tàu có 12 ngư dân) bị chìm, tàu cá của ông Toàn (trên tàu có 14 người) chạy đến để tìm kiếm 12 ngư dân bị nạn. Tuy nhiên, do gặp sóng to, gió lớn nên tàu cá của ông Toàn không di chuyển được, buộc phải thả neo tại chỗ. Ngày 29.10, tàu kiểm ngư KN 473 đã cứu được 14 ngư dân trên tàu cá của ông Toàn. Sau đó, 11 ngư dân tàu cá của ông Toàn vào đất liền, các anh Giáo, Anh, Bạn xung phong ở lại để tìm kiếm 12 ngư dân trên tàu cá BĐ 96388 TS.
Theo lời kể của anh Lê Minh Don, khi nhận được tin bão số 9, tàu BĐ 97469 TS chạy hướng xuống phía tây nam để thoát bão nhưng do sóng to gió lớn, tàu BĐ 97469 TS không chạy được, các ngư dân bung dù để giữ tàu. Sau đó, do sóng gió đánh mạnh, tàu BĐ 97469 TS bị bung ván rồi chìm trong tích tắc. 14 ngư dân trên tàu vội nhảy ào xuống biển để thoát thân nhưng chỉ có anh Huỳnh Xuân Phi kịp mặc áo phao.
2 ngư dân Bùi Tấn Phương, Võ Văn Toàn bị sóng nhấn chìm ngay khi vừa nhảy xuống biển. Nhóm các anh Don, Phi và Hoài cùng Trương Văn Sinh, Nguyễn Văn Hoài, Huỳnh Long Hoài, Lâm Hoàng Tín và Nguyễn Văn Tẹo bám được vào một tấm ván dài khoảng 5 m, rộng 0,6 m bứt ra từ thân tàu. Nhóm ngư dân này vớt được bình gas và tấm phao xốp (từ tàu cá trôi ra) rồi buộc vào ván để khỏi bị chìm. Một nhóm ngư dân khác gồm 4 người là Võ Ngọc Đô, Phan Văn Tuấn, Phan Quốc Vy và Lê Chí đu bám trên một nắp hầm cá. 

Ngư dân Lê Minh Don

Ảnh: Hoàng Trọng

Theo anh Don, do sóng gió quá lớn, 2 nhóm ngư dân bị dạt ra xa nhau và dần dần không còn nhìn thấy nhau nữa. Lúc đó, sóng mạnh liên tục phủ lên đầu, đánh mạnh vào 8 ngư dân bu vào miếng ván nên nhiều người bị thương lúc nào không hay.
“Sau thời gian chịu đói, chịu khát và sóng gió quá mạnh nên anh em đuối sức dần rồi từng người một thả tay khỏi miếng ván. Lúc đó mình suy nghĩ nhiều chuyện nhưng chẳng chuyện gì cho chín chắn, chẳng chuyện gì ra chuyện gì cả. Nghĩ khó vượt qua nhưng mọi người cứ động viên nhau cố gắng hết sức. Có lúc đói quá, mình ăn phao xốp để cầm bụng. May mà có mưa nên có người cũng uống được nước mưa, người yếu quá không uống được nước mưa thì uống nước biển. Đến sáng 29.10, Huỳnh Long Hoài nói không chịu được nữa, tao phải về trước với mẹ cha thôi, rồi buông bay, chìm dần… Nếu còn sức, Hoài ráng thêm vài giờ thì được cứu rồi”, anh Don khóc kể lại.

Nhiều người tập trung trước nhà để chờ ngư dân Huỳnh Xuân Phi trở về

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Con anh Huỳnh Xuân Phi kể, mỗi lần thấy có tàu cá hay tàu hàng đi qua, các ngư dân la hét, vẫy tay, giơ cao áo phao để kêu. Tuy nhiên, vì sóng gió mịt mù, tiếng kêu cứu nhỏ nhoi giữa biển trời rộng lớn không ai nghe thấy. Mãi đến khoảng 17 giờ ngày 29.10, 3 ngư dân thấy một tàu hàng lớn (tàu M/V Fortune Iris) đang đến gần nên thay phiên nhau dùng áo phao để vẫy. "May mắn họ đã thấy chúng tôi. Khoảng 30 phút sau chúng tôi được đưa lên tàu. Lên tàu thì lịm đi vì kiệt sức quá rồi. Nếu tàu hàng này không phát hiện thì tầm 1 giờ sau chúng tôi cũng buông tay”, anh Phi kể lại.

Sống thêm một lần nữa

Khi xe vừa dừng trước nhà ngư dân Lê Minh Don, hàng trăm người dân ùa đến, dìu anh Don và anh Phi vào nhà. Sau những ngày lênh đênh trên biển, anh Phi gần như kiệt sức, vừa vào đến nhà liền nằm trên võng, nước mắt dàn dụa.
Chị Huỳnh Thị Tiết (34 tuổi, vợ anh Phi) ôm chồng vào lòng khóc nức nở. Còn ông Huỳnh Xuân Phương (62 tuổi, cha anh Phi), thần trí vốn không bình thường nhưng khi thấy anh Phi trở về cũng không cầm được nước mắt. Ông xoa đầu con trai nói những lời an ủi: “Về là mừng rồi con, từ nay đừng đi biển nữa”.
Hàng chục người có mặt tại nhà anh Phi ai cũng trào nước mắt, có người khóc thành tiếng rồi bỏ chạy ra ngoài bãi biển trước nhà.

Ông Huỳnh Xuân Phương xoa đầu, vỗ về con trai Huỳnh Xuân Phi

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Suốt buổi chiều chị Tiết vừa tiếp láng giềng đến thăm hỏi vừa lo chuẩn bị cho mâm cơm sum họp gia đình, nấu những món ăn mà chồng chị thích nhất. Thế nhưng, khi anh Phi về, mâm cơm chị Tiết chu đáo chuẩn bị cho chồng phải để qua 1 bên vì anh Phi quá yếu, ăn không nổi. Chị Tiết dùng thìa đút nước yến cho anh Phi hồi sức. Hàng xóm láng giềng biết anh Phi bị bệnh tim nên cũng khuyên nhau rời khỏi nhà để tránh làm anh xúc động.
Theo chị Tiết, đây là lần thứ 3 anh Phi gặp nạn trên biển. Lần đầu tiên cách đây đã hơn 10 năm, anh Phi vì bức xúc chủ tàu nên ôm đồ xuống thúng chai rồi chèo vào bờ, bất chấp hiểm nguy. Lần thứ 2 cách đây vài năm, anh Phi đi bạn (làm thuê cho chủ tàu cá) thì gặp áp thấp nhiệt đới, tàu cá bị tấp vào gành đá, may mà tàu cứu hộ đến kịp thời. “Lần này về không cho ảnh đi biển nữa, có đói có khổ cũng ở nhà, vợ chồng, con cái có nhau. Chuyến này, anh ấy như vừa từ cõi chết trở về để sống thêm một lần nữa”, chị Tiết nói.

Vợ ngư dân Huỳnh Xuân Phi bật khóc rồi sà vào lòng chồng

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Tại nhà ngư dân Lê Minh Don cũng có hàng chục người đến chờ đón. Khi con trai vừa vào nhà, bà Võ Thị Phúc (mẹ anh Don) chen vào giữa đám đông ôm lấy con trai rồi nức nở. Dìu con trai vào nằm trên chiếc nệm trải sẵn, bà Phúc vạch từng vết thương trên tay, chân của anh Don rồi khóc càng to.
Ông nội của anh Don là ông Lê Minh Hoàng cũng ôm vai con trai mình Lê Văn Tiếp (cha của anh Don) khóc. Vài ngày trước, khi nghe tin chính quyền vào Cam Ranh để đón các ngư dân, ông Hoàng hối thúc ông Tiếp xin theo đoàn để đón anh Don về. Đến khi nhìn thấy các anh Hoài, Phi và Don, ông Tiếp ôm cả 3 rồi bật khóc. Anh Phi ở gần nhà, có họ hàng với nhà anh Don, còn anh em chủ tàu Võ Ngọc Đô và Võ Văn Hoài là cậu ruột của anh Don.
“Hay tin con trai gặp nạn mà lòng đau ruột xót. 2 ngày 2 đêm lênh đênh trên biển đầy bão tố vậy thì ai mà nghĩ còn sống cho được. Cứ nằm nghĩ đến là đứt ruột đứt gan nhưng không làm gì được, chỉ biết chờ tin. May mà con tôi đã về được đến nhà, chỉ thương cậu 5 của nó (anh Võ Ngọc Đô - PV) không biết bây giờ ra sao”, ông Tiếp nói.

Mẹ ngư dân Lê Minh Don kiểm tra vết thương trên người con trai rồi khóc nức nở

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Nhiều người đến động viên ngư dân Lê Minh Don

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Theo ông Hoàng, từ tối 28.10 đến nay, làng biển xã Hoài Hải buồn vui lẫn lộn vì có 3 ngư dân sống sót như một phép màu, là chuyện “xưa nay chưa từng có” nhưng lại có quá nhiều ngư dân khác mất tích. “Đánh bắt hải sản là nghề chính của người dân các làng ven biển nhưng nghề này quá nguy hiểm. Cháu tôi về thì mừng quá rồi, giờ chỉ mong nhà nước có thêm nhiều chính sách để hỗ trợ các ngư dân yên tâm bám biển, trước mắt là hỗ trợ cho 23 ngư dân Hoài Nhơn mất tích”, ông Hoàng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.