Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Xem xét tính an toàn khi dùng Zalo làm dịch vụ công trực tuyến'

Chí Hiếu
Chí Hiếu
29/08/2019 14:42 GMT+7

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lưu ý một số địa phương khi chọn mạng Zalo để triển khai dịch vụ công trực tuyến, và cho biết sẽ đề nghị Bộ TT-TT kiểm tra tính bảo mật, an toàn của mạng này.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sẽ đề nghị Bộ TT-TT kiểm tra, đánh giá tính bảo mật, an toàn của mạng xã hội Zalo, khi thời gian qua một số tỉnh dùng mạng này để thực hiện một số công việc khi triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Sáng 29.8, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính với 8 địa phương, gồm: TP Hà Nội, TP Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, và Hải Dương.
Một trong những nội dung được đề cập nhiều tại hội nghị là tính thiếu đồng nhất trong việc lựa chọn nền tảng công nghệ để triển khai các dịch vụ công trực tuyến, khiến cho tính đồng bộ, chia sẻ bị hạn chế, thậm chí là nguy cơ chưa đảm an an ninh, an toàn thông tin.
Cụ thể, nhắc đến việc Quảng Trị, Bắc Giang ứng dụng mạng xã hội Zalo để triển khai một số dịch vụ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, lưu ý các địa phương cần đặc biệt quan tâm vấn đề đảm bảo an toàn thông tin.
“Việc đánh giá này là chuyên môn của Bộ TT-TT, nên tới đây chúng tôi sẽ đề nghị Bộ này có đánh giá về tính an toàn, bảo mật. Nếu để các địa phương dùng nhiều nền tảng, ứng dụng khác nhau mà mình không có đánh giá thì không ổn. Vấn đề an ninh, bảo mật an toàn thông tin là câu chuyện phải được đặt lên hàng đầu”, ông Dũng lưu ý.

Người dân và doanh nghiệp không được hưởng kết quả từ cải cách

Trước đó, báo cáo về nội dung này, bà Nguyễn Thị Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết khi triển khai chế độ "một cửa", Bắc Giang đã dùng ứng dụng Zalo để công khai thủ tục hành chính và hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân. “Người dân rất hào hứng thực hiện. Qua ứng dụng đó, người dân thực hiện tốt hơn”, bà Hà nói.
Trong khi đó, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), cho hay vẫn còn nhiều hạn chế ở địa phương trong triển khai chính quyền điện tử. Ví dụ như tỉnh Hải Dương, tuy báo cáo đã cung cấp 1.706 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 118 dịch vụ mức độ 4, nhưng qua đánh giá, các dịch vụ này trên cổng dịch vụ công của tỉnh không đáp ứng yêu cầu triển khai, như hồ sơ vẫn yêu cầu bản sao có chứng thực. Hay tại nhiều tỉnh, số hồ sơ trực tuyến, nhất là cấp độ 4, phát sinh còn rất thấp, thậm chí không có hồ sơ phát sinh, như tại Bắc Ninh.
Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực đã có văn bản của trung ương quy định thủ tục mới và đã được bộ, ngành công bố, nhưng ở cấp tỉnh, việc công bố lại chưa kịp thời. “Ví dụ, năm 2018, các bộ công bố việc cắt giảm hàng nghìn điều kiện kinh doanh, nhưng rất tiếc nhiều địa phương lại không cập nhật, người dân và doanh nghiệp không được hưởng kết quả từ cải cách”, ông Phan nói.
Báo cáo của các địa phương cũng cho thấy một số những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính. Chẳng hạn như việc chậm ban hành một số Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức… Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.