Sáng 13.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) khai mạc phiên họp thứ 46, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật Người lao động (LĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Trình bày báo cáo về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại kỳ họp 9 vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc về việc quản lý LĐ khu vực biên giới khi đi LĐ ở nước tiếp giáp vào dự thảo luật để có căn cứ cho Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, ủy ban này đã có kiến nghị cần quản lý nhà nước đối với đối tượng LĐ tại khu vực biên giới, song đây là vấn đề phức tạp, đan xen giữa các loại hình LĐ qua biên giới với các nước láng giềng rất đa dạng gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ theo từng địa bàn. Sau khi cân nhắc, Chính phủ quyết định không đưa vào dự thảo luật khi trình QH. Tuy nhiên, thường trực ủy ban cho rằng, đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng và quy định trong các văn bản phù hợp. “Đề nghị Chính phủ, ban soạn thảo bổ sung, giải trình ý kiến đại biểu QH về nội dung này”, bà Thúy Anh nêu.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, LĐ ở khu vực biên giới không đáp ứng các tiêu chí trong dự án luật này nên không phải đối tượng được điều chỉnh bởi luật này. Đối tượng này có rất nhiều đặc thù. “Việc họ đi lại qua biên giới; sáng đi LĐ bên Trung Quốc chẳng hạn, chiều tối về nhà ngủ là bình thường. Song, Chính phủ cần có nghiên cứu quy định riêng, có thể ban hành nghị định để quản lý đối tượng này”, ông Tùng nêu.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề quản lý LĐ khu vực biên giới đã được Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao bàn rất nhiều lần. LĐ vùng biên hiện nay không chỉ ở biên giới phía bắc mà cả biên giới Việt Nam với Lào, Campuchia; riêng khu vực phía bắc biên giới giáp Trung Quốc ước tính 124.000 LĐ.
“Việc qua lại diễn ra thường xuyên, cũng có trường hợp sáng đi tối về, có khi đi vài tháng, vài năm rồi về. Về bản chất, đây là di cư người lao động tự do, còn lao động biên giới chỉ là khái niệm quen dùng, nên không thể quy định trong luật này được”, ông Dung nêu và cho biết thêm Bộ LĐ-TB-XH đang bàn với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH và Bộ Tư pháp ban hành nghị định quản lý đối tượng này.
Bình luận (0)