Chính quyền lo hậu sự chu đáo cho người qua đời vì Covid-19: Việc làm nhiều ý nghĩa và nhân văn!

11/08/2021 06:32 GMT+7

Rất nhiều bạn đọc đã bày tỏ lòng tri ân và ủng hộ chính quyền TP.HCM trong việc tổ chức lo hậu sự chu đáo cho những đồng bào không may qua đời vì Covid-19 trong đợt dịch khủng khiếp lần này.

Như Thanh Niên đã đưa tin, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, cho biết một thành viên mất đi là chuyện đau buồn đối với mọi gia đình, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Với tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận”, TP.HCM cố gắng lo chuyện hậu sự chu đáo nhất đối với người qua đời vì Covid-19, từ việc khâm liệm, hỏa táng và các nghi thức tâm linh theo tôn giáo mà người dân theo trước khi qua đời. TP.HCM cũng thống nhất chủ trương giao Bộ Tư lệnh TP.HCM và Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện, TP.Thủ Đức phối hợp bàn giao tro cốt đến tận gia đình, đảm bảo trang trọng, ấm cúng.
Lãnh đạo TP.HCM khẳng định các trường hợp qua đời do Covid-19 đều thực hiện phần hậu sự theo đúng quy định. Đối với các trường hợp qua đời khác mà gia đình khó khăn, TP vận động từ nhiều nguồn khác nhau để tổ chức, không để gia đình nào vì khó khăn mà không lo được chuyện hậu sự cho người thân.

Những chuyến xe chở tro cốt bệnh nhân Covid-19 tử vong về với gia đình

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, cho biết TP sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí mai táng từ áo quan, tẩm liệm, vận chuyển, hỏa táng… với tổng kinh phí 17 triệu đồng đối với trường hợp tử vong do mắc Covid-19. Các ca dương tính Covid-19 phải điều trị trong bệnh viện, nếu không qua khỏi, bệnh viện báo cho nhà đòn làm các thủ tục và chi trả cho nhà đòn. Nếu ca tử vong tại nhà thì chính quyền địa phương tổ chức xử lý, sau này ngân sách cấp về cho địa phương.

Nghĩa tử là nghĩa tận

Chia sẻ về những việc làm của TP trong thời dịch, bạn đọc (BĐ) Cát Tiên viết: “Ngoài việc hỗ trợ cho người nghèo bị ảnh hưởng do dịch bệnh và các đội ngũ y bác sĩ, các tình nguyện viên… hết lòng chăm sóc bệnh nhân Covid-19, chính quyền TP.HCM còn tổ chức lo hậu sự chu đáo cho những đồng bào không may qua đời vì Covid-19, thật cảm động! Nghĩa tử là nghĩa tận, xin cảm tạ tấm lòng của TP đối với người dân. Mong TP ta mau chóng đẩy lùi dịch bệnh, để mọi người cùng sống hạnh phúc ở TP đầy nghĩa tình này”.
Đây cũng là chia sẻ của nhiều BĐ Thanh Niên. BĐ Thanh Chinh Nguyen cho biết: “Nhân văn và vô cùng ý nghĩa. Mong cuộc sống trở lại bình thường sớm nhất”. BĐ Son Tran cũng bày tỏ: “Cám ơn lãnh đạo TP.HCM, rất chu đáo cho cả những người không may đã mất”. Còn BĐ Trần Việt thì viết: “Thật tuyệt vời. Một nghĩa cử cao đẹp, một phần làm ấm lòng gia đình có người đã khuất”.

Cùng chăm lo cho dân

Trong khi đó, BĐ Huệ Hương bày tỏ mong muốn: “Thấy TP.HCM chăm lo chu đáo việc hậu sự cho người mất vì Covid-19; quân đội thì phối hợp bàn giao tro cốt đến tận gia đình, đảm bảo trang trọng, ấm cúng; thân nhân có nguyện vọng thì chùa Long Hoa sẽ nhận tro cốt người qua đời cho tạm thờ tại chùa... mà thật ấm lòng! Nghĩa tử là nghĩa tận mà! TP.HCM đã làm rất tốt. Mong rằng các tỉnh, thành khác đều chăm lo chu đáo như thế. Mong lắm!”. Cùng ý kiến, BĐ Hồng Phát cũng chia sẻ: “Tôi cũng mong vậy. Chúng ta cùng đồng lòng tất sẽ sớm vượt qua dịch bệnh”.
Nói về việc tạm gửi tro cốt ở chùa, BĐ Kien Nguyen cho rằng: “Đây là việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn”. “Cảm ơn Giáo hội Phật giáo VN TP.HCM. Mong dịch sớm qua đi để gia đình đón nhận người thân của mình”, Kiên Nguyen viết.

Sáng 11.8: TP.HCM thêm 2.128 ca Covid-19, vượt 132.000 bệnh nhân

Đúng là TP.HCM nghĩa tình, nhân văn, hiện đại. Điều này không chỉ làm ấm áp gia đình người mất, an lòng người ra đi, mà còn tiếp sức cho người ở lại trong cuộc chiến chống giặc Covid-19. Chắc chắn TP sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh!
Vân Anh
Một chính sách vô cùng nhân văn của TP. Mong TP cũng cần quản lý chặt chẽ các trung tâm dịch vụ mai táng, hỏa táng để làm đúng theo quy định.
NPHONG
TP.HCM chăm lo chu đáo việc hậu sự cho những người không may như vậy là rất tốt. Tôi luôn cầu mong cho số người mất vì Covid-19 ngày càng ít và giảm về 0.
Trieu Nguyen
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.