Dịch viêm phổi 'lạ' có thể xâm nhập Việt Nam ngay trong kỳ nghỉ Tết Canh Tý

Liên Châu
Liên Châu
23/01/2020 10:32 GMT+7

Nhận định dịch viêm phổi “lạ” hoàn toàn có thể xâm nhập vào nước ta ngay trong kỳ nghỉ tết Canh Tý, Bộ Y tế đã khẩn trương lên kế hoạch ứng phó.

Cảnh báo “lọt” ca bệnh do triệu chứng không rõ ràng
Theo Bộ Y tế, chùm ca bệnh viêm phổi “lạ” xuất hiện hồi tháng 12.2019 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Sau khi cơ quan y tế của nước này xác định nguyên nhân gây bệnh do vi rút Corona (nCoV), đến ngày 23.1 đã có 541 trường hợp mắc, 17 ca tử vong. Đã xảy ra nhiều trường hợp mắc tại Bắc Kinh, Hồ Bắc, Thượng Hải, Trùng Khánh, Quảng Đông, Chiết Giang, Tứ Xuyên, Vân Nam...; bệnh cũng đã khiến 15 nhân viên y tế nhiễm bệnh. Một số nước như: Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… cũng đã ghi nhận có ca  bệnh xâm nhập.
Viêm phổi “lạ” (viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A, hiện đã được đánh giá có thể lây hạn chế từ người sang người. Người mắc viêm đường hô hấp cấp tính có triệu chứng: sốt, ho, khó thở, có trường hợp viêm phổi nặng, có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý mạn tính, bệnh nền.

Cần chủ động phòng chống lây nhiễm bệnh viêm phổi "lạ"

ẢNH TUẤN DŨNG

Tuy nhiên, một số người nhiễm vi rút nCoV có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ không rõ triệu chứng nên gây khó khăn cho việc phát hiện.
Sẵn sàng cho cách ly, điều trị 
Theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế  về giám sát và phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV), tại thời điểm chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Việt Nam, nên hệ thống y tế cần tăng cường giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ đầu tiên, chẩn đoán nhanh, khoanh vùng và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, không để lây lan.
Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế),  trong tình huống xuất hiện trường hợp bệnh ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam, yêu cầu trước hết với cơ quan y tế và cộng đồng là phát hiện sớm các trường hợp bệnh có liên quan đến trường hợp bệnh xác định đã xâm nhập để cách ly, theo dõi, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan. Cần lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ và theo dõi tình trạng sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh trong vòng 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.

Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ rất gần với tình huống dịch viêm phổi "lạ" xâm nhập

ẢNH TUẤN DŨNG

"Với diễn biến nghiêm trọng hơn, khi dịch lây lan trong cộng đồng, chúng ta sẽ phải phát hiện sớm các trường hợp bệnh mắc mới, thiết lập khu vực hạn chế (vùng dịch), xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng. Tại các địa phương chưa ghi nhận trường hợp bệnh sẽ lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ", ông Tấn cho biết.
Ở các ổ dịch, cần giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp bệnh phát hiện đầu tiên; lấy mẫu xét nghiệm những bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính nặng nhập viện. Tất cả các trường hợp tử vong nghi do mắc nCoV đều phải được điều tra, báo cáo và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
Với người chăm sóc bệnh nhân, phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang y tế, kính đeo mắt, găng tay, mũ áo trong quá trình tiếp xúc gần với người bệnh; rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân và những người khác.
Tất cả những người tiếp xúc gần phải được theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với người bệnh lần cuối. Nếu có xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở ... cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
 
Cuối giờ sáng nay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp làm việc, kiểm tra tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 ( xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) về công tác sẵn sàng ứng phó, tiếp nhận điều trị trong tình huống có ca bệnh nhiễm, nghi nhiễm vi rút nCoV.
Theo kinh nghiệm của các bác sĩ từng tham gia điều trị các bệnh nhân trong các vụ dịch Sars, cúm gia cầm H5N1 có độc lực mạnh, viêm đường hô hấp cấp do vi rút thường có diễn biến nhanh, dễ trở nặng, đặc biệt với bệnh nhân có bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các bệnh nhân được kiểm soát bội nhiễm, điều trị triệu chứng giảm thấp nhất nguy cơ tử vong.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.