Đồng Nai: Lời hứa không để dân đói trong lúc giãn cách đã được thực hiện

Đức Nguyễn
Đức Nguyễn
07/09/2021 18:57 GMT+7

Qua 2 tuần thực hiện lời cam kết 'không để dân đói trong thời gian giãn cách xã hội ' (từ ngày 23.8 đến 7.9) của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, phần lớn người dân khó khăn của tỉnh này đã được cứu đói...

Các cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 hàng ngày (từ 23.8 đến nay, kể cả ngày lễ, thứ 7 và chủ nhật), Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu phải kết nối trực tuyến với 11 huyện thị, thành phố trong tỉnh. 

Có tình trạng người từ TP.HCM muốn về Đồng Nai tiêm vắc xin Moderna

Cơ sở kêu khó khăn, bí thư nói yên tâm, nguồn lực trên tỉnh vẫn còn

Tại cuộc họp, một số địa phương kêu khó khăn và thiếu nguồn lực, nơi kêu thiếu nhân lực y tế, nơi thiếu trang thiết bị điều trị, nơi thiếu gạo, thiếu tiền… Nghe xong, người đứng đầu Ban chỉ đạo chống dịch Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh trấn an, động viên cơ sở yên tâm, địa phương nào thiếu nguồn lực tỉnh sẽ chi viện, hỗ trợ ngay.
“Các đồng chí yên tâm, không lo thiếu nguồn lực. Nguồn lực trong xã hội còn nhiều, nguồn lực của tỉnh vẫn còn, người tốt trong xã hội không thiếu nếu biết cách vận động. Tôi yêu cầu Ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục vận động, đón nhận các nguồn lực hỗ trợ để lo cho dân”, ông Lĩnh nói và cho biết và sau mỗi cuộc họp giao ban buổi sáng, ông lại vận dụng các mối quan hệ, vận động nơi này nơi kia và có mặt để chứng kiến, tiếp nhận các nguồn hỗ trợ từ xã hội hóa để cùng các cấp ngành lo an sinh cho dân.

Bí thư Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu cán bộ cơ sở phải nhanh hơn, quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

ĐỨC NGUYỄN

Nhiều người dân Đồng Nai vẫn nhớ đến lời hứa của ông Nguyễn Hồng Lĩnh trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch ngày 23.8 (thời điểm ông mới về nhận chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai được 18 ngày).
Ông Lĩnh nói: “Các cấp chính quyền không được để dân đói trong thời gian giãn cách xã hội. Nếu địa phương nào để người dân đói thì người đứng đầu của địa phương đó sẽ bị cách chức và bản thân Bí thư Tỉnh ủy cũng sẽ từ chức”.
Qua theo dõi trong gần 2 tuần thực hiện lời cam kết này (từ 23.8 - 7.9), đến thời điểm hiện tại, có thể nói hầu hết người dân nghèo ở Đồng Nai đã được cứu đói kịp thời.

Người dân không chỉ được cứu đói kịp thời mà còn được ưu tiên tiêm vắc xin. Trong ảnh, người dân TP.Biên Hòa tiêm vắc xin Sinopharm ngày 6.9

LÊ BÌNH

5 “mặt trận” cùng vào cuộc lo an sinh cho dân

Tại Đồng Nai, có ít nhất 5 “mặt trận” được huy động vào cuộc lo công tác an sinh xã hội.
Mặt trận thứ nhất thuộc ngành LĐ-TB-XH lo công tác an sinh cho công nhân, người lao động bị mất việc, ngừng việc, lao động tự do theo Nghị quyết 68.
Mặt trận thứ 2 từ Ủy ban MTTQ VN tỉnh lo vận động các nguồn lực xã hội hóa.
Mặt trận thứ 3 từ các đoàn thể (Liên đoàn Lao động, Tỉnh đoàn, Hội Phụ nữ…) lo nhu yếu phẩm, tình nguyện viên.
Mặt trận thứ 4 gồm các sở, ngành (Nông nghiệp – Phát triển nông thôn lo rau củ quả, lương thực, thực phẩm) và Công an tỉnh triển khai “Gian hàng 0 đồng” trao mỗi ngày 500 phần quà nhu yếu phẩm (mỗi phần trị giá 500.000 đồng) cho bà con nghèo, kéo dài liên tục đến hết tháng 9.
Mặt trận cuối cùng lo công tác an sinh là nguồn hỗ trợ trực tiếp từ các doanh nghiệp, các mạnh thường quân và các tổ chức, cá nhân thiện nguyện xã hội trên địa bàn…

Nữ cán bộ Công an tỉnh Đồng Nai vận chuyển nhu yếu phẩm từ "Gian hàng 0 đồng" đi phát cho dân nghèo trong tỉnh

LÊ BÌNH

Ngoài chính sách hỗ trợ của T.Ư, tỉnh Đồng Nai dự kiến thông qua HĐND khoản ngân sách bổ sung 263 tỉ đồng chi hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn. Và ngay sau chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy ngày 24.8 về thiết lập đường dây nóng y tế và an sinh xã hội, 2 ngày sau (26.8), đồng loạt 170/170 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện thị, thành phố trong tỉnh kích hoạt ngay hệ thống đường dây nóng. Mỗi xã phường lập 5 đường dây nóng an sinh, 5 đường dây nóng y tế. Tương tự, cấp huyện thị cũng thành lập 10 đường dây nóng như vậy. Cấp tỉnh có tổng đài 1022 va đường dây nóng an sinh, y tế của các sở ngành, đoàn thể. Trung bình mỗi ngày đường dây nóng 1022 tiếp nhận khoảng 800 - 900 cuộc gọi và tất cả cuộc gọi đều được xử lý kịp thời.
Chính vì đột phá vào mũi nhọn an sinh xã hội, nên ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến chống dịch, người dân Đồng Nai trên dưới đồng thuận, tin tưởng vào chính quyền trong phòng, chống dịch. Tình hình an ninh trật tự cũng nhờ đó được đảm bảo.

Những lao động không thuộc diện được hỗ trợ từ Nghị quyết 68 nếu gặp khó khăn, cứ gọi lên tổng đài 1022 Đồng Nai đều được hỗ trợ. Trong ảnh là nữ nhân viên gác chắn đường tàu ở TP.Biên Hòa làm việc trong những đêm giãn cách xã hội. Ảnh chụp lúc 0 giờ ngày 6.9

ĐỨC NGUYỄN

Đồng Nai hiện là địa phương trong top 5 tỉnh, thành hàng đầu có đóng góp lớn cho nguồn lực cho quốc gia. Toàn tỉnh có hơn 1,2 triệu công nhân lao động, trong đó có 600.000 công nhân làm việc trong các khu công nghiệp.
Đồng Nai cũng là 1 trong 8 tỉnh, thành thuộc nhóm 1 đươc Chính phủ đánh giá kiểm soát tốt dịch bệnh. Hiện toàn tỉnh ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có khoảng 1/3 (trên 10.000 ca) được chữa khỏi và chỉ có gần 300 ca tử vong.

Bí thư Đồng Nai nói về "công dân vắc xin", yêu cầu tiêm 100.000 liều/ngày

Theo báo cáo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng ngày 6.9, 10/11 huyện, thị đã chi trả 100% tiền hỗ trợ cho người lao động không giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và đối tượng đặc thù (121.655 người) bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ với số tiền 182,482 tỉ đồng (chỉ còn TP.Biên Hòa mới đạt 90% do điều chỉnh và cập nhật thêm danh sách). Hơn 300 tấn gạo trên tổng số 1.500 tấn gạo hỗ trợ của Chính phủ nhận được đã cấp phát cho trên 200.000 người dân gặp khó khăn (bình quân mỗi người 7,5 kg gạo). Khoảng 197 tỉ đồng bao gồm tiền mặt, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế… ủng hộ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân thông qua Ủy ban MTTQ VN tỉnh đã được chuyển về cơ sở cấp phát cho khoảng 500.000 người dân khó khăn, công nhân trong các khu nhà trọ và hỗ trợ cho các các cơ sở điều trị, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.