Đừng nghĩ 'hỗ trợ' là doanh nghiệp phải làm đơn

05/11/2020 06:10 GMT+7

Trong phiên thảo luận về KT-XH ngày 4.11 của Quốc hội, nhiều đại biểu đã thảo luận các vấn đề liên quan hỗ trợ doanh nghiệp .

Doanh nghiệp cần được “nuôi dưỡng”

Điều được các chuyên gia khuyến nghị nhiều nhất hiện nay là phải giữ cho được lực lượng doanh nghiệp (DN), bởi nếu họ “ngã xuống” vì khó khăn trong giai đoạn này, cái giá để phục hồi sẽ vô cùng đắt đỏ. Việc trong tầm tay là thực hiện cho hiệu quả các gói hỗ trợ đã được thiết kế, không để chính sách như “quả chín cành cao”, nhìn thì thấy nhưng với không được, như thời gian qua. Hiện trạng cấp bách, nhưng giải pháp lại quá từ từ, chính là nỗi lo của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Rất nhiều vấn đề cấp thiết cần được đầu tư đúng mức

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, chia sẻ tại kỳ họp này, ông đã trải qua những cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt nhất trong gần 10 năm làm ĐBQH của mình, khi trực tiếp chỉ đạo cứu nạn tại đợt lũ khủng khiếp vừa qua tại Quảng Trị. Tuy nhân dân vùng gặp thiên tai bước đầu đã vượt qua khó khăn, nhưng để ổn định cuộc sống lâu dài thì không chỉ dựa vào nguồn lực của địa phương và không thể giải quyết được một sớm một chiều. Vì vậy, ĐB Đồng cho rằng rất nhiều vấn đề cấp thiết cần phải được quan tâm, đầu tư đúng mức, trong đó có việc di dân ở những vùng có nguy cơ. ĐB Đồng nêu việc tại xã Hướng Sơn (H.Hướng Hóa, Quảng Trị), sau khi xảy ra hiện tượng sạt lở núi đến nay vẫn chưa khắc phục được, người dân đã phát hiện trên núi có nhiều vết có nguy cơ sạt lở rất cao. Nếu tiếp tục mưa lớn trong cơn bão số 10, chắc chắn sẽ có một số thôn bị xóa sổ. Hiện tại, địa phương đã di dời người dân đến nơi an toàn, nhưng để ổn định đời sống lâu dài, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để tỉnh khảo sát, xây dựng dự án di dời dân tập trung tái định cư. Theo tính toán của Quảng Trị, số hộ cần di dời đến năm 2025 là 1.530 hộ, bình quân khoảng 280 hộ/năm.
Quảng Trị cũng đề nghị bổ sung người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ lịch sử vừa qua vào đối tượng được hỗ trợ, bởi mức độ khó khăn của họ còn rất nặng nề hơn cả những trường hợp bị dịch Covid-19. Từ những khó khăn của Quảng Trị, nhìn rộng ra cả nước, tại kỳ họp này, ĐB Hà Sỹ Đồng đề nghị dự toán năm 2021 cần dành một khoản đầu tư thích đáng cho dự báo, cảnh báo, để phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai hiệu quả, kịp thời; nghiên cứu các địa hình, địa chất, xác định vùng nguy hiểm để giảm thiểu các tác động đến người dân.
ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng dù VN vẫn giữ được tăng trưởng dương 2%, nhưng phục hồi sản xuất kinh doanh hậu Covid-19 là không dễ dàng. Với DN, sự thấu hiểu và nuôi dưỡng là thực sự cần thiết.
“Chính phủ đã có những gói hỗ trợ ngay khi dịch bệnh bùng phát, nhưng hiệu quả trên thực tế lại không được như kỳ vọng. Một nghịch lý là có đến 78.300 DN phải rút lui khỏi thị trường, chỉ có khoảng 20% DN tiếp cận được các gói hỗ trợ. Do vậy, điều cần làm là nhanh chóng rà soát, cắt giảm các thủ tục, nới lỏng các điều kiện, cân chỉnh thời gian cho phù hợp và triển khai các gói hỗ trợ lần 2, không chỉ cần đủ lớn, đủ mạnh mà còn phải nhanh để phát huy hiệu quả”, ĐB So nói.
Ông So cũng chỉ ra việc trong khi hàng triệu người thất nghiệp thì đối với gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng để trả lương cho người lao động, chỉ có 1 DN đủ điều kiện vay, và cho rằng cần sớm khắc phục vướng mắc này. Theo ĐB này, trong lúc DN phải đối mặt với 2 vấn đề lớn là đứt gãy chuỗi cung ứng và dòng tiền, thì cần giảm các chi phí, giãn tối đa các khoản nghĩa vụ, tập trung vào chính sách giúp các DN tiết giảm dòng tiền như kéo dài thời gian giảm thuế thu nhập, miễn giảm phí công đoàn đến hết năm 2021, giảm thuế VAT xuống 5%... Điều này cũng giúp giảm tải cho các gói hỗ trợ.
Bên cạnh đó, theo ông So, cần gia tăng sức cạnh tranh của DN thông qua tháo gỡ rào cản về thể chế, chính sách. Đây cũng là điều kiện tiên quyết góp phần thu hút vốn FDI. Thứ ba, theo ĐB So, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mạnh dạn hỗ trợ những người lao động học các khóa đào tạo kỹ năng chuyển đổi nghề nghiệp và cấu trúc lại hệ thống đào tạo chuyên nghiệp, bám sát nhu cầu thực tế và đặt hàng của DN, giúp người lao động còn được “cần câu”.

“Chúng ta nên tìm đến họ”

ĐB Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH-CN Bình Định, cũng chỉ ra bất cập: “Khi ban hành gói hỗ trợ, ta đưa ra rất nhiều tiêu chuẩn nên DN không mặn mà. Họ thà tập trung suy nghĩ vào sản xuất kinh doanh thì lợi hơn là tốn sức trong một “rừng” thủ tục mà người ta không muốn “bơi” trong đó. Trước đây chúng ta tư duy là đưa ra gói hỗ trợ thì người dân, DN làm đơn nhận. Ta phải thay đổi. Thay vì bắt người dân, DN tìm chúng ta, thì chúng ta nên tìm đến họ”.
Theo ĐB này, việc chậm trễ có phần do nhiều người “rất sợ trách nhiệm” khi chi tiêu tiền của nhà nước. Do đó, việc hỗ trợ nên giao lại cho các hiệp hội như Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, Hiệp hội DN nhỏ và vừa. Đối với người dân, việc hỗ trợ cũng nên chuyển cho các tổ chức chính trị - xã hội như Hội phụ nữ, Hội nông dân để họ xét hỗ trợ thì tốt hơn là chính quyền.
Cũng phân tích về những bất cập từ việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng với các đối tượng chịu ảnh hưởng sâu do tác động của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt các DN, người lao động trực tiếp, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cảnh báo: “Nếu không có bước đột phá trong cải cách hành chính, chính sách hỗ trợ DN, sang năm 2021, không những không giúp DN giảm được khó khăn mà còn kìm hãm sự phục hồi, phát triển của DN, gây khó khăn cho thực hiện kế hoạch phát triển 5 năm, vì đây là đối tượng và động lực chính trong kế hoạch phát triển KT-XH của đất nước”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.