Gần 10 tỉ USD đầu tư vào Kiên Giang

29/07/2019 17:44 GMT+7

Chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Kiên Giang hôm nay 29.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực kêu gọi đầu tư của Kiên Giang, với nguồn vốn thu hút dịp này lên đến gần 10 tỉ USD.

Dòng vốn mới đầy ấn tượng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tỉnh Kiên Giang đã có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, chặt chẽ về thủ tục mời gọi, cấp phép đầu tư. Nhờ đó, thu hút được nguồn lực tài chính từ các doanh nghiệp với số vốn rất lớn, lên đến 10 gần 10 tỉ USD; trong đó khoảng 2 tỉ USD của 20 dự án được cấp phép đầu tư, và khoảng 8 tỉ USD của 35 dự án được ký cam kết đầu tư. Trong đó, có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như: Liên Thái Bình Dương (IPPG), Vingroup, Sun Group, Vietjet… Các dự án lớn không chỉ tập trung đầu tư vào Phú Quốc, mà các nhà đầu tư đã coi TP.Rạch Giá và TP.Hà Tiên là nơi có nhiều tiềm năng để đầu tư.
Nhấn mạnh đến những tiềm năng, lợi thế hiếm có của Kiên Giang với hệ sinh sinh thái phong phú bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long; với bờ biển dài gần 200 km, đặc biệt có 145 hòn đảo, trong đó có 5 quần đảo, 2 huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh gái cao nỗ lực của Kiên Giang đã dần hình thành được ngành kinh tế hướng biển giàu có, đa dạng, bao gồm cả du lịch, thuỷ sản và logistics…
Chứng kiến trao giấy chứng nhận đầu tư và ký kết các thỏa thuận, ghi nhớ đầu tư vào Kiên Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là “dòng vốn mới” đầy ấn tượng. Trước hết là nguồn vốn được đầu tư vào nhiều lĩnh vực, từ giáo dục - đào tạo, đến nông nghiệp chất lượng cao, du lịch, bất động sản, công nghiệp chế biến…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết đầu tư vào Kiên Giang

ĐÌNH TUYỂN

Không được bê tông hóa Phú Quốc

Với các tiềm năng lợi thế của địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Kiên Giang cần phát triển dựa trên 3 trụ cột, gồm: nông nghiệp chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu; thủy sản sạch gắn với ngành công nghiệp chế biến được định vị ở phân khúc cao; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Cùng với đó, kinh tế biển sẽ giữ vai trò động lực tăng trưởng chính cùng với kinh tế cửa khẩu và sự phát triển bứt phá của Phú Quốc.
Đặc biệt với đảo ngọc Phú Quốc, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cần có tầm nhìn để biến đảo ngọc thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí độc đáo mang đẳng cấp quốc tế. Tập trung cho Phú Quốc không phải để cạnh tranh với các địa phương của Việt Nam trong thu hút nguồn lực và cơ hội phát triển, mà để Phú Quốc cạnh tranh hiệu quả và sòng phẳng với các quốc gia khác trong khu vực.
“Phát triển Phú Quốc cần lưu ý đến tầm nhìn và chất lượng quy hoạch, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai, bảo đảm chất lượng môi trường và quan tâm đến lợi ích của người dân, nhất là sinh kế. Thu hút những nhà đầu tư lớn, giàu kinh nghiệm, có thực lực về tài chính, có lợi ích lâu dài ở Phú Quốc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Không đầu tư ở Phú Quốc một cách chụp giật và không nên tập trung quá nhiều cho du lịch và bất động sản, vốn đã phát triển rất nhanh vừa qua. Đặc biệt phải thực hiện tốt quy hoạch, không được bê tông hóa Phú Quốc, phá vỡ môi trường sinh thái của Phú Quốc”, Thủ tướng lưu ý thêm, đồng thời nêu rõ, với định hướng phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, thì chất lượng môi trường chính là tài nguyên vô giá, kiên quyết không phá vỡ môi trường, cảnh quan tự nhiên vì tầm nhìn ngắn hạn.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc nhở các nhà đầu tư về việc nói phải đi đôi với việc làm, phải làm đến nơi đến chốn; cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững ở địa phương để đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và cộng đồng dân cư sở tại.
Trưa cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo của bộ, ngành Trung ương, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã dự lễ khởi động dự án lấn biển mới Khu đô thị Phú Cường Hoàng Gia nằm trên vành đai ven biển Tây của TP.Rạch Giá với quy mô gần 69 ha, tổng vốn đầu tư 8.000 tỉ đồng.

Với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nhà đầu tư cam kết đầu tư vào Kiên Giang nhân hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 29.7.2019

ĐÌNH TUYỂN

Tiềm năng phát triển còn lớn

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết, tuy đã đạt được những kết quả tích cực, song nhìn lại sự phát triển của Kiên Giang trong thời gian qua chưa thật sự tương xứng, còn nhiều tiềm năng chưa được khơi dậy, đó là tiềm năng về phát triển nông - lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản ven bờ ở vùng Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất và U Minh Thượng; tiềm năng phát triển kinh tế biển, đặc biệt là theo hướng công nghiệp để khai thác lợi thế từ vùng biển rộng lớn; tiềm năng về phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến gắn với nguồn nguyên liệu tại chỗ, trong điều kiện hạ tầng đã đáp ứng việc triển khai ngay các nhà máy, xí nghiệp có quy mô lớn; tiềm năng phát triển du lịch sinh thái…
Bên cạnh đảo ngọc Phú Quốc, Kiên Giang vẫn còn 3 vùng du lịch trọng điểm, nhiều tiềm năng như: Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải, U Minh Thượng với Vườn Quốc gia U Minh Thượng…
“Chúng tôi nhận thức rằng, để Kiên Giang trở thành “một tỉnh phát triển năng động, đạt trình độ khá trong cả nước”, hướng đến mục tiêu “là tỉnh giàu, phát triển bền vững”, thì nhất thiết phải khơi dậy và khai thác hiệu quả, đồng đều hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh nêu trên, dựa vào hai nguồn lực chính, trong đó nguồn lực bên trong là cơ bản lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”, ông Phạm Vũ Hồng nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.