Ngày 27.4, trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết Sở đã có báo cáo cụ thể với Bộ Y tế về việc mua sắm thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Ông Hùng tiếp tục khẳng định thông tin Sở Y tế Quảng Trị đã cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Trị) mua 1 hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR với giá 1,45 tỉ đồng và 1 máy tách chiết mẫu tự động với giá 650 triệu đồng.
Ông Hùng cũng xác nhận mặc dù mua máy với hình thức “chỉ định thầu” nhưng CDC Quảng Trị vẫn tổ chức xem xét các hồ sơ, đàm phán được với nhà thầu để giảm được 200 triệu đồng (hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR được nhà thầu chào giá là 1,65 tỉ đồng).
Về hệ thống xét nghiệm Covid-19 mà Quảng Trị đã mua, ông Hùng thẳng thắn cho rằng loại máy mà CDC Quảng Trị mua có xuất xứ từ Mỹ, thực hiện xét nghiệm được khoảng 200 mẫu/ngày chứ không thể thực hiện được khoảng 400 mẫu/ngày như các máy có cấu hình cao hơn (giá đắt hơn - PV).
Cũng theo ông Hùng, thời điểm Quảng Trị mua máy là vào cuối tháng 3, máy xét nghiệm Covid-19 không còn khan hàng như thời gian trước.
“Chúng tôi cũng muốn mua máy cấu hình cao, xét nghiệm được nhiều hơn, nhưng chúng tôi phải liệu cơm gắp mắm, chọn loại máy cấu hình thấp hơn, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng xét nghiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương”, ông Hùng nói.
|
Cũng theo ông Hùng, sau khi câu chuyện xảy ra ở CDC Hà Nội, ông đã rất tâm tư. “Thông qua câu chuyện này, cá nhân tôi cho rằng bác sĩ chỉ nên làm chuyên môn, không nên tham gia trực tiếp vào các hoạt động mua bán, đầu tư, xây dựng... Việc mua bán thiết bị, máy móc cần phải có 1 hội đồng với nhiều đơn vị liên quan, mà ở đó ý kiến của các y bác sĩ chỉ là một phần trên góc độ chuyên môn. Bởi đây là câu chuyện về thị trường, về giá cả, mà đôi khi là cả… mưu mẹo trong kinh doanh mà đôi khi những người thầy thuốc như chúng tôi không được trang bị kiến thức, cũng không có kinh nghiệm... Cố ý thì không nói nhưng nhiều khi vì không biết mà vi phạm pháp luật”, ông Hùng nói.
Bình luận (0)