Giao Chính phủ quyền hạn chế phương tiện, cấm người dân ra khỏi nhà để chống dịch

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/07/2021 16:45 GMT+7

Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV của Quốc hội giao cho Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm trong việc áp dụng một số biện pháp đặc biệt, có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để chống dịch Covid-19 .

Chiều 28.7, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị quyết chung cả kỳ họp lần này là Quốc hội bổ sung nội dung về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó trao thêm quyền cho Chính phủ để tăng cường chống dịch Covid-19.

Quy định chính thức về "hàng hóa thiết yếu" được lưu thông trong dịch Covid-19

Áp dụng biện pháp trong tình trạng khẩn cấp để chống dịch

Cụ thể, Quốc hội quyết nghị giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.
Quốc hội cũng đồng ý cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh và có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.
Quốc hội cũng đồng ý đề xuất của Chính phủ cho phép thực hiện chuyển nguồn 1.237 tỉ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc xin phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cho phép Chính phủ ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong trường hợp cấp thiết, ngân sách T.Ư hỗ trợ cho ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.
Nghị quyết cũng nêu rõ, ngoài các nội dung nêu trên, trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.

TP.HCM có thể giãn cách xã hội thêm 1 - 2 tuần từ ngày 1.8 vì Covid-19 phức tạp

Sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động; nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng dịch Covid-19; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “Quỹ vắc xin”; truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng và phòng, chống dịch, sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, chủ động đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch, kiểm soát chặt chẽ thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật và xử lý nghiêm vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định của pháp luật.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ khẩn trương rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh và các quy định khác có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung.
Các biện pháp nêu trên được Quốc hội đồng ý cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện cho tới hết 31.12.2022.
Căn cứ tình hình thực tế và nếu thấy cần thiết thì Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp này tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10.2022).

Cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác

Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương chủ động điều hành ngân sách nhà nước năm 2021 phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đã đề ra trong chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh đó, thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, kinh phí hoạt động ngoại giao của Bộ Ngoại giao).
Đồng thời, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021. Thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, triển khai các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, nhất là trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.