Nhớ về ông là nhớ một nhà giáo, nhà khoa học danh tiếng, một chính khách có nhiều công lao. Nhưng trên hết là một Vũ Đình Cự cốt cách thanh cao, cá tính đặc biệt.
Dấu ấn gia đình
Sinh năm 1936 trong một gia đình nông dân khá giả (thành phần gia đình ghi trong lý lịch của ông là địa chủ kháng chiến) ở xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, Thái Bình, Vũ Đình Cự thuộc thế hệ những trí thức đầu tiên được đào tạo và trưởng thành trong chế độ mới.
Thủa nhỏ, nhờ gia đình có điều kiện nên ông được ăn học cẩn thận. Những năm kháng chiến chống Pháp, với tinh thần hướng về kháng chiến, các cụ thân sinh Vũ Đình Cự đã bán ruộng đất, tư trang, gom góp tiền bạc để cho anh em ông vào vùng tự do Thanh Hóa học trung học và sau đó vào trường dự bị đại học của giáo sư Trần Văn Giàu. Có thể nói, bên cạnh trí thông minh thiên bẩm thì tinh thần hiếu học của bố mẹ đã ảnh hưởng có ảnh hưởng quyết định hình thành nên nhà khoa học Vũ Đình Cự với tinh thần say mê và nhiệt huyết nghiên cứu, học hỏi không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời sau này.
Học xong trường dự bị đại học ở Thanh Hóa, Vũ Đình Cự trở về quê hương Thái Bình. Kháng chiến chống Pháp kết thúc, quê hương trở lại thanh bình nhưng cuộc đời Vũ Đình Cự liên tiếp gặp những biến cố đau buồn.
Đầu tiên là cái chết của cụ thân sinh Vũ Văn Nhạ (đầu năm 1953), gia đình lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu vì tuy tiếng là khá giả nhưng ruộng đất đã bán hết, lại đông con. Mẹ ông, cụ Đào Thị Phương phải vất vả, tần tảo nuôi 8 người con, 4 trai,4 gái. Tiếp đến là cuộc cải cách ruộng đất khốc liệt mà Thái Bình là 1 trong những địa phương làm căng nhất. Gia đình bị quy địa chủ, ngôi nhà lớn 7 gian bị tịch thu để giao cho người khác, mẹ ông bị bắt giam nhiều tháng, may mà lúc được thả, cụ vẫn còn lành lặn trở về.
Hoàn cảnh gia đình liên tiếp gặp những đau thương như vậy nhưng Vũ Đình Cự vẫn quyết tâm học hành để không phụ sự mong đợi của bố mẹ, gia đình. Ông nộp đơn vào Trường Đại học Sư phạm khoa học, trở thành sinh viên khóa 1 của Trường. Năm 1956, tốt nghiệp Trường Sư phạm, ông được phân công về Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và trở thành một trong những cán bộ giảng dạy đầu tiên đặt nền móng xây dựng Trường ĐH Bách khoa thành một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn nhất miền Bắc và cả nước sau này, đặc biệt là trong bộ môn vật lý.
Có thể nói, nghề nhà giáo đã gắn bó với Vũ Đình Cự lâu nhất và cũng để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong cả cuộc đời công tác của ông và cả gia đình ông.
Cả 3 anh em trai trong gia đình Vũ Đình Cự đều theo nghề nhà giáo. Anh trai ông, nhà giáo Vũ Huy Hồi (đã mất) là hiệu trưởng lâu năm của Trưởng THPT chuyên Lê Qúy Đôn của tỉnh Thái Bình trước khi nghỉ hưu. Em trai ông, PGS, TS Vũ Ngọc Cừ (đã mất) là cán bộ giảng dạy Trường ĐH Giao thông Vận tải.
|
Những người thầy và những người bạn
Có hai người thầy, hai người thủ trưởng mà sinh thời Vũ Đình Cự luôn dành tình cảm yêu quý và kính trọng vì tài năng và đức độ. Đó là GS Tạ Quang Bửu, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sau này Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học CN và Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).
GS Tạ Quang Bửu là người có ảnh hưởng hết sức quan trọng đến sự nghiệp khoa học của Vũ Đình Cự. Đầu tiên, là việc cử Vũ Đình Cự đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô để sau 7 năm ông trở về với tấm “bằng đỏ” Tiến sỹ khoa học chuyên ngành Vật lý chất rắn của trường ĐHQG Matxcơva mang tên Lômônôxốp danh tiếng. Tiếp đó GS Tạ Quang Bửu đã giao cho Vũ Đình Cự nhiệm vụ biệt phái sang Bộ Giao thông Vận tải với trọng trách thành lập tổ đặc nhiệm GK1 (viết tắt của từ Giao thông – Bách khoa) để nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cao để rà phá bom, mìn, thủy lôi hiệu quả, bảo đảm tránh thương vong cho các lực lượng làm nhiệm vụ, góp phần đập tan âm mưu phong tỏa miền Bắc bằng bom, thủy lôi từ trường của Mỹ năm 1972, 1973. Với công trình này, Vũ Đình Cự và các đồng nghiệp ở Trường ĐH Bách khoa HN và Bộ GTVT đã vinh dự cùng các lực lượng công binh, hải quân, hàng hải được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN đợt đầu năm 1990.
|
Năm 1977, sự nghiệp khoa học của Vũ Đình Cự chuyển sang bước ngoặt mới. Ông được điều sang làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam). Dưới sự dẫn dắt của GS Trần Đại Nghĩa, Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam, cùng với thế hệ những nhà khoa học đầu ngành được bổ nhiệm làm lãnh đạo của Viện Khoa học Việt Nam lúc đó: Phan Đình Diệu, Đào Vọng Đức, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của Viện Khoa học Việt Nam.
Con người Vũ Đình Cự
Tôi còn nhớ, khoảng năm 1995, khi đó tôi là biên tập viên Tạp chí Cộng sản, đọc một số bài báo của ông thấy có nhiều vấn đề hay, liên quan đến lĩnh vực tôi đang theo dõi là khoa học và giáo dục, tôi liền gọi điện xin gặp để mời ông cộng tác với Tạp chí. Đầu dây bên kia là một giọng nói vang, khỏe và rất cởi mở, mời tôi đến phòng làm việc của ông ở Văn phòng Quốc hội. Gặp ông, ấn tượng đầu tiên của tôi là đằng sau phong thái lịch lãm của một nhà trí thức với cặp kính cận dày cộp là một con người vui vẻ, cởi mở, dễ gần, khác hẳn với những lời đồn đại về phong cách cô độc của ông.
|
Sau cuộc gặp đó, ông có những bài báo công phu và uyên bác cho Tạp chí Cộng sản về các vấn đề khoa học công nghệ, công nghệ cao và kinh tế tri thức, gây tiếng vang lớn. Ông Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Tổng biên tập Tạp chí rất quan tâm và đánh giá cao những bài viết của ông, thường dặn tôi cố gắng giữ mối quan hệ để mời ông thường xuyên cộng tác với Tạp chí.
Đầu năm 2000, theo gợi ý của ông Cự, tôi chuyển sang công tác tại Văn phòng Quốc hội, làm thư ký riêng cho ông. Thời gian làm việc bên ông không nhiều (3 năm) nhưng đối với tôi, đó là khoảng thời gian thực sự có ý nghĩa bởi tôi được mở rộng tầm mắt và học được ở ông rất nhiều điều. Những chuyến tháp tùng ông đi giám sát tại các ngành, các địa phương hay đi công tác nước ngoài, lắng nghe các phát biểu của ông, cách ông chỉ đạo viết báo cáo giám sát, cách ông tiếp xúc, trao đổi với các đối tác quốc tế, thực sự đối với tôi là những bài học quý giá. Tôi học được ở ông trước hết là tinh thần trách nhiệm, tính nghiêm túc, cẩn trọng trong công việc, đã định làm việc gì thì phải làm đến nơi đến chốn, mọi điều được viết ra, nói ra đều phải được suy nghĩ cần thận, chu đáo, chuẩn bị tư liệu đầy đủ theo kiểu “biết mười nói một”. Điều đó, thời gian đầu quả thật không dễ đối với một người làm báo vốn có tính amateur như tôi.
Xuất thân là một nhà giáo, nhà khoa học, sau đó trở thành chính khách, nhưng dù ở cương vị nào thì cốt cách sâu thẳm trong con người Vũ Đình Cự vẫn là cốt cách của một nhà giáo. Điều đó thể hiện ở sự mô phạm, mực thước, phong cách nghiêm túc trong công việc, trong giao tiếp, sự quý trọng danh dự, uy tín đến mức hơi thái quá, có vẻ không hợp lắm với một người làm chính trị. Trọng danh dự, rất chú ý giữ gìn thanh danh nhưng ông lại rất ghét hư danh, không cố để khoác cho mình những chức danh này nọ mà theo ông là không thực chất. Thời còn công tác, có vài lần các báo ghi chức danh của ông là viện sỹ, ông yêu cầu tôi gọi điện cho báo đề đính chính, vì bản thân ông chưa bao giờ tìm cách có được danh hiệu viện sỹ từ một viện nghiên cứu nào đó ở nước ngoài (dù lúc đó đang là “mốt”).
|
Hầu hết những người quen biết Vũ Đình Cự đều biết ông chọn cuộc sống độc thân. Sau khi ông mất, trong những ngày giỗ của ông được tổ chức ở quê, tôi đã gặp những người phụ nữ ngày trước đã từng nặng lòng với ông. Họ tâm sự dù nhiều năm đã trôi qua nhưng tình cảm của họ đối với ông vẫn sâu nặng, không thể quên được. Gần ông, tôi hiểu ông là người có thiên hướng sống cô đơn, thanh bạch, giản dị, thậm chí hơi thoát tục. Niềm vui, niềm say mê lớn nhất của ông là công việc, là đọc sách, vào Internet tìm tư liệu, nghiên cứu, viết sách, viết báo. Còn những nhu cầu vật chất trần tục, đối với ông, lại không đáng để quan tâm. Có lần, ông kể chuyện vui với tôi, trong thời gian ông làm Viện trưởng Viện Công nghệ quốc gia, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đặt vấn đề hợp tác làm ăn. Có một đoàn doanh nghiệp Mỹ sang làm việc với ông, đến lúc ăn trưa, trưởng đoàn hỏi ông: “Mr. Cự, ông có thích nhiều tiền không ?”, ông trả lời: “Nếu kiếm nhiều tiền cho đất nước tôi thì tôi rất thích nhưng cho cá nhân tôi thì không cần. Đối với tôi, nhiều tiền chỉ phức tạp”. Đối tác người Mỹ cười: “Nếu thế thì tôi rất khó hợp tác với ngài”.
Có một đức tính rất đáng quý ở Vũ Đình Cự là ông sống khắc kỷ, khắt khe với bản thân mình nhưng không khắt khe với người khác, đặc biệt là những người làm việc gần ông. Ngược lại, ông luôn có sự quan tâm chu đáo, ân cần. Ông sẵn lòng giúp đỡ nếu có ai đó nhờ ông giúp tác động việc nọ việc kia (tất nhiên là chính đáng). Cứ Tết đến, ông đều có quà cho những người giúp việc: thư ký, lái xe, bác sỹ. Đối với chúng tôi, đó là những món quà không lớn nhưng vô cùng quý giá vì nó thể hiện tình cảm, sự quan tâm ân cần của ông.
Tôi còn nhớ gần Tết năm 2002, ông bảo tôi chuẩn cho ông xuống thăm một trại trẻ mồ côi ở Hà Nội, đồng thời, liên hệ mua mấy bộ máy tính để tặng các cháu. Và đó là những chiếc máy tính được mua bằng tiền riêng của ông (tôi còn nhớ gần 50 triệu đồng). Các cháu ở trại trẻ mồ côi ở Tây Mỗ thuộc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội đã nhận được món quà đầy ý nghĩa từ vị Phó Chủ tịch Quốc hội.
Sau khi nghỉ hưu được mấy năm, gặp tôi ông khoe: Tớ vừa dành dụm được 300 triệu từ tiền viết sách, làm đề tài khoa học tặng cho làng tớ xây một nhà văn hóa to đẹp. Tiền xây nhà hết 200 triệu, còn 100 triệu để trang bị nội thất và duy trì, quản lý sau này.
Con người Vũ Đình Cự là vậy, không giữ cho riêng mình một cái gì. Cuộc đời ông là một cuộc đời cống hiến không mệt mỏi cho đất nước, cho sự nghiệp mà ông đam mê, theo đuổi.
Bình luận (0)