“Xin” tuyển thêm lao động ngoại tỉnh
Do lao động ngoại tỉnh về quê tránh dịch chưa thể quay lại làm việc nên thời điểm này, Bắc Giang đang thiếu hụt lao động rất lớn. Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Bắc Giang, cho hay nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn tỉnh hiện khoảng trên 41.000 người, chủ yếu là các DN trong các khu, cụm công nghiệp.
Một số DN có nhu cầu tuyển dụng với số lượng lao động lớn như Công ty TNHH Luxshare tuyển 22.695 người, Công ty TNHH Newwing Interconect Technology khoảng 10.000 người, Công ty TNHH Công nghệ Lens VN 1.000 người, Công ty TNHH Hosiden VN cần 2.000 người, Công ty TNHH Crystal Martin cần 5.000 người, Công ty CP May Bắc Giang LGG cần 2.000 người... Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp mới chỉ tuyển được 23.216 người.
Ông Nguyễn Văn Huế cho hay: “Do nhu cầu cấp bách của các đơn hàng, để tránh rơi vào tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp đã nhờ trung tâm kết nối tuyển lao động. Tuy nhiên, nguồn lao động trong tỉnh không đủ đáp ứng nhu cầu trong thời gian ngắn, nên tỉnh Bắc Giang đã đồng ý cho doanh nghiệp này tuyển lao động ngoại tỉnh đang cư trú tại vùng an toàn (vùng xanh) vào địa bàn tỉnh Bắc Giang làm việc.
Ngày 20.9, Trung tâm DVVL Bắc Giang đã tổ chức hội nghị việc làm trực tuyến kết nối với các địa phương trên cả nước để tuyển dụng lao động: Lào Cai, Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn và Quảng Bình để tuyển dụng lao động sau dịch.
Sau khi kết nối với các địa phương trên, đến nay đã có khoảng 720 người lao động đăng ký làm việc tại Công ty TNHH Newwing Interconect Technology, và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới, với mức lương cao hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn. Yêu cầu người lao động chỉ cần xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ, đồng thời thực hiện cách ly 7 ngày tại doanh nghiệp, song theo ông Huế, khó khăn nhất hiện nay là mỗi tỉnh có quy định về phòng chống dịch riêng, nên nhiều lao động vẫn chưa thể đến Bắc Giang làm việc.
Dự kiến, ngày 25.9, Trung tâm DVVL Bắc Giang tiếp tục kết nối với các tỉnh: Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Kạn để tiếp tục phỏng vấn trực tuyến với người lao động có nhu cầu về Bắc Giang làm việc.
Tại Bắc Ninh, tuy không thiếu hụt trầm trọng, nhưng số lượng tuyển dụng lao động cũng tới hàng nghìn người. Bà Phạm Thị Ngọc Lan, Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết trong tháng 9, trung tâm nhận được đơn cần tuyển 1.630 lao động trở về từ Hàn Quốc và Nhật Bản làm việc tại các doanh nghiệp ở Bắc Ninh.
Trong đó, Công ty TNHH Canon tuyển 500 người, Công ty TNHH Intops VN tuyển 500 người… “Yêu cầu của các DN là tuyển lao động từ 18 - 40 tuổi, tốt nghiệp THCS trở lên, có sức khỏe tốt, chăm chỉ chịu khó, làm việc 8h/ngày và tăng ca. Mức lương theo từng vị trí và kinh nghiệm, từ 7 - 12 triệu đồng. Người lao động có thể đăng ký trực tiếp tại trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước: www.colab.gov.vn, tại mục “Đăng ký tìm việc trong nước”, bà Lan cho hay.
Do thiếu hụt lao động, trong thời gian này, một số công ty chấp nhận ứng viên chưa có kinh nghiệm sẽ được đào tạo và bố trí ký túc xá cho người lao động. Các DN liên hệ phỏng vấn qua điện thoại hoặc qua phần mềm zoom meeting. Theo bà Lan, người lao động cần chủ động chuẩn bị đầy đủ thông tin cá nhân, các bằng cấp, chứng chỉ (nếu có).
Ngành nào cần nhiều lao động?
Với nhiều dấu hiệu khả quan về tốc độ tiêm chủng, tình hình kiểm soát dịch bệnh, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội, nhận định thị trường lao động tại Hà Nội sẽ có tốc độ hồi phục nhanh trong thời gian từ nay đến cuối năm.
“Nhu cầu hàng hoá sẽ trở nên ngày càng cấp bách để chuẩn bị dịp lễ Noel, tết và điều này sẽ khiến cho áp lực khôi phục sản xuất kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp sẽ ngày càng tăng cao trong những tháng tới. Trong đó, ngành dịch vụ dự kiến sẽ có nhu cầu tuyển dụng tăng cao do nhu cầu mua sắm những mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới, đặc biệt là những doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và bán lẻ điện tử, điện lạnh, viễn thông”, ông Thành thông tin.
Ngoài ngành dịch vụ, theo kết quả thu thập thông tin việc làm của Trung tâm DVVL Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng sẽ có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm ở ngành công nghiệp, gia công, lắp ráp hàng hóa, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, công nghệ thông tin... Mức lương ngành này chủ yếu từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, 7 - 10 triệu đồng/tháng.
“Nhu cầu tuyển dụng lao động và tỷ lệ tham gia thị trường lao động sẽ có xu hướng tăng tỷ lệ thuận theo tình hình khôi phục của nền kinh tế. Nhiều người lao động có thể đi làm trở lại và tham gia vào chuỗi sản xuất thay vì bị ngừng việc hoặc phải làm việc tại nhà, làm việc từ xa,” ông Vũ Quang Thành nói.
Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), dự kiến số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60 - 70% sẽ tạo nên một nghịch lý lớn về cung, cầu lao động. Các thành phố lớn, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, chế xuất sẽ có nguy cơ thiếu hụt lao động để phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát, trong khi một số vùng nông thôn có lực lượng lao động lớn sẽ dư thừa nhân lực.
Trước nguy cơ nơi thừa, nơi thiếu lao động, Cục Việc làm đã yêu cầu các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các giao dịch về lao động, việc làm trực tuyến. Việc này không chỉ trong phạm vi tỉnh, thành mà có sự kết nối giữa các địa phương với nhau, đặc biệt là các địa phương có nhiều lao động trở về tránh dịch.
Bình luận (0)