Khơi thông vận chuyển giải cứu nông sản Hải Dương

23/02/2021 04:56 GMT+7

Là vựa nông sản lớn ở miền Bắc, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, người nông dân và cả thương lái ở tỉnh Hải Dương đang gặp khó khăn khi rau, quả, vật nuôi không thể tiêu thụ vì khó khăn trong khâu vận chuyển.

Mấy ngày nay, ông Nguyễn Văn Huynh, một đầu mối thu mua bắp cải lớn ở H.Gia Lộc (Hải Dương), mất ngủ vì 4.000 tấn bắp cải đã mua. Dịch Covid-19 bùng phát, bắp cải không chuyển đi bán được, ông có thể thiệt hại khoảng 700 triệu đồng.
Ông Huynh cho biết: “Ra đồng thu bắp cải, nhiều người mắt đỏ hoe chạy ra nhờ tôi mua giúp. Cánh đồng toàn bắp cải tươi ngon chất đống, xót xa quá”. Chính vì vậy, ông Huynh sẽ cố mua thêm 5.000 tấn nữa cho bà con với giá 1.000 - 1.500 đồng/kg. “Giờ mua cho bà con để giải cứu thôi chứ còn tính lời lãi gì nữa”, ông Huynh chia sẻ.
Tại H.Kim Thành, dọc đường liên xã, su hào, bắp cải, rau gia vị được đóng bao xếp chất đống không có ai đến mua. Ông Nguyễn Đăng Báo (58 tuổi, ngụ thôn Đại Đồng, xã Đồng Cẩm, H.Kim Thành) buồn bã nói: “Năm ngoái, cùng thời điểm này, tôi bán 2 sào su hào thu về 30 triệu đồng. Năm nay vứt đi hết. Cả thôn có 10 mẫu su hào (2.500 tấn) phải bỏ đi. Trộn thành phân bón cho đất thôi. Tiếc đứt ruột gan mà phải bỏ đi để chuẩn bị ruộng cho vụ mới”.

Nông dân “buồn muốn khóc” nhìn hàng triệu con gà đồi Chí Linh ế ẩm vì Covid-19

Theo ghi nhận của Thanh Niên, từ nhiều ngày qua, các cá nhân, tổ chức tình nguyện và đặc biệt là lực lượng đoàn viên, thanh niên đã ra quân mạnh mẽ giúp người dân thu hoạch nông sản, vận chuyển đến các khu cách ly, tiêu thụ. Anh Nghiêm Xuân Tuấn, Phó bí thư Tỉnh đoàn Hải Dương, cho biết: “Từ ngày 17 - 22.2, chúng tôi đã thu gom được khoảng 60 tấn nông sản để đưa vào khu cách ly hoặc tiêu thụ ở nơi khác”.
Lê Tân
Theo ông Báo, bây giờ có ai mua rẻ bao nhiêu cũng bán để gỡ được tiền giống, phân bón. “Người nông dân thực ra cũng quen với cảnh mất mùa, được mùa nhưng chưa bao giờ đồng ruộng thê thảm như thế này”, ông nói.
Người nuôi gia cầm tại Hải Dương cũng đứng ngồi không yên. Có trại gà 12.000 con, ông Phạm Đức Cơ (thôn Tân Tiến, xã Hoàng Tiến, TP.Chí Linh, Hải Dương) cho biết mỗi lứa gà chỉ nuôi 100 - 105 ngày là xuất bán, nhưng do dịch, lứa gà của ông đã tồn một tháng và chịu nhiều thiệt hại do giá tại đây chỉ 42.000 - 43.000 đồng/kg so với giá 50.000 - 52.000 đồng/kg tại Quảng Ninh, nhưng muốn bán cũng không được. Theo ông Cơ, cứ 1.000 con gà quá lứa mỗi ngày tốn 1,2 - 1,3 triệu đồng tiền thức ăn, tính ra mỗi ngày ông lỗ 13 - 15 triệu đồng riêng tiền thức ăn.
Theo thống kê của TP.Chí Linh, tiêu thụ chậm nhất là cá và gà đồi. “Chúng tôi có hơn nửa triệu con gà. Việc bán gà lông rất khó nên đã tập trung vào giết mổ để chuyển đi Hà Nội, nhưng hai ngày qua mới vừa làm vừa ngó, chỉ được mỗi ngày một chuyến vài trăm con”, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó chủ tịch UBND TP.Chí Linh, nói.

Người dân xã Đồng Cẩm (H.Kim Thành, Hải Dương) đóng nông sản chất đầy đường liên xã đợi người đến giải cứu

Ảnh: L.Tân

Tin tổng hợp dịch Covid-19 ngày 22.2: Hải Phòng lại 'nóng' vì các ca bệnh mới

Cần được “thông chốt”

Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực phẩm Hải Dương, cho biết: “Việc thu mua, vận chuyển nông sản phải tuân thủ quy định chống dịch. Xe vận chuyển nông sản được phun khử khuẩn. Thực tế, những người ra ngoài thu hoạch, vận chuyển nông sản đều không phải bệnh nhân hay diện F1, F2”. Trong khi đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hải Dương cũng cho biết sẽ đảm bảo việc phòng chống dịch với hàng hóa từ tỉnh này. Tuy nhiên, trên thực tế, nông sản của nông dân Hải Dương vẫn đang gặp khó về đầu ra và sụt giá.
Bà Lương Thị Kiểm chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng nhận hàng trăm tin nhắn, cuộc gọi nhờ thu mua nông sản. Bà con không ai trách móc gì nhưng họ thiệt hại nên cứ tìm đến mình. Chúng tôi tổng hợp rồi thông tin đến các đơn vị thu mua, tổ chức tình nguyện đến mua cho người dân”. Bà Kiểm đã lập nhóm Zalo với các doanh nghiệp (DN), tổ chức thu mua nông sản.

Người Hà Nội “giải cứu” nông sản Hải Dương

Người dân Hà Nội mua nông sản giúp bà con nông dân Hải Dương

Ảnh: Trần Cường

Tại Hà Nội đã xuất hiện nhiều điểm bán nông sản hỗ trợ tiêu thụ rau củ quả cho nông dân Hải Dương. Trên đường Giải Phóng (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), giữa trưa nắng người dân vẫn ùn ùn kéo về để mua nông sản Hải Dương. Theo chị Ngô Thanh Thủy (42 tuổi, trú Q.Hoàng Mai), chị bắt đầu gom nông sản cho bà con ở Hải Dương về bán hộ từ hôm 20.2. Ngày đầu, chị bán hơn 10 tấn trong buổi sáng, đến hết ngày 22.2 đã bán gần 100 tấn, nhiều người mua nhiều chia cho hàng xóm, thậm chí có người mua về để bán lại. Tại điểm “giải cứu” số 157 Lạc Nghiệp (P.Thanh Nhàn, Q.Hai Bà Trưng) cũng tấp nập người đến mua. Chị Nguyễn Diệu Linh (29 tuổi, quê TP.Vinh, Nghệ An) cho biết thấy khu vực có điểm bán nông sản từ Hải Dương, chị đã ra mua và gọi bạn bè cùng qua ủng bộ bà con.
Trần Cường
Ông Nguyễn Văn Huỳnh cho biết trong khi cơ quan quản lý lo việc vận chuyển thì nông dân lo ngại cả giá bán. “Muốn đưa hàng lên Hà Nội thì phải qua Hưng Yên và Bắc Ninh. Tỉnh đã làm việc, có văn bản gửi các địa phương nhưng vẫn rất khó qua các chốt kiểm soát dọc đường. Chúng tôi đang tập trung bằng cách xét nghiệm Covid-19 cho đội ngũ lái xe nhằm giải quyết khâu lưu thông”, ông Huỳnh nói.
Theo bà Lương Thị Kiểm, khó khăn nhất là khâu vận chuyển. Đồng quan điểm với bà Kiểm, ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng NN-PTNT H.Cẩm Giàng, cho rằng: “Xe thu mua nông sản phải được “thông chốt” từ trong đến ngoài tỉnh. Hiện còn 808 ha cà rốt đến thời kỳ thu hoạch với tổng sản lượng trên 48.000 tấn nhưng mỗi ngày chỉ đi được mấy trăm tấn nên không biết bao giờ mới hết”. Cũng theo ông Thiện, 80% sản lượng cà rốt ở H.Cẩm Giàng sẽ xuất khẩu. “Nếu thông thương được thì sẽ giải cứu được hết”, ông Thiện nói.

Nỗi lòng nông dân Chí Linh ế 2.000 gốc đào vì Covid-19

Thành lập đội lái xe, bốc dỡ chuyên trách

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), cho rằng Hải Dương có thể áp dụng kinh nghiệm giải tỏa hàng hóa dồn ứ xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đã triển khai thành công trong năm 2020. Hải Dương cần phối hợp, thống nhất với các địa phương để lập các đội xe trung chuyển, lực lượng bốc dỡ chuyên trách. Theo ông Toản, Bộ NN-PTNT đã đề nghị 2 địa phương Hải Dương và Hải Phòng phối hợp để lưu thông hàng hóa phục vụ xuất khẩu qua Cảng Hải Phòng.
UBND tỉnh Hải Dương đã có công văn đề nghị UBND TP.Hải Phòng cho các DN trung chuyển hàng hóa. Theo đó, xe chở hàng của Hải Dương với lái xe có giấy xác nhận kết quả âm tính sẽ tập kết tại chốt kiểm dịch giáp ranh giữa Hải Dương với Hải Phòng và để lại xe. Lái xe từ phía Hải Phòng đến điều khiển phương tiện vào địa bàn TP.Hải Phòng. Đối với hàng hóa vận chuyển bằng xe đầu kéo có thể thực hiện bằng việc đổi đầu kéo và lái xe của Hải Dương bằng đầu kéo và lái xe của Hải Phòng. Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, cho biết: “Hải Phòng cũng đã yêu cầu có 2 điều kiện để xe hàng xuất nhập vào là có giấy xét nghiệm âm tính và có giấy tờ chứng minh đơn hàng. Nếu các DN thực hiện đầy đủ cho lái xe và hàng thì vào bình thường”.
Ngày 22.2, đại diện Bộ Công thương cho hay Bộ đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong đó, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo và huy động các đơn vị có năng lực xét nghiệm Covid-19 hỗ trợ các tỉnh có dịch Covid-19 bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ lái xe, áp tải hàng trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài.

Khẩn: Hải Dương tìm người từng đến 8 địa điểm liên quan Covid-19

Các hệ thống siêu thị vào cuộc

Theo Bộ Công thương, ngay sau khi Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội (từ 16.2), Bộ đã làm việc với các hệ thống phân phối như Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (chuỗi siêu thị BRG Mart), chuỗi siêu thị MM Mega Market… về việc mua nông sản từ Hải Dương. Đến nay, Central Group đã thu mua rau, củ, quả của Hải Dương khoảng 100 tấn/tuần, dự kiến tăng lên 200 tấn/tuần; MM Mega Market Việt Nam đã đặt mua 24,3 tấn rau quả/ngày (gồm su hào, cải bắp, ổi) và sẽ tiếp tục tăng sản lượng để đưa về miền Trung và miền Nam; hệ thống Vinmart cũng đã liên hệ và đặt hàng một số loại nông sản an toàn. Chia sẻ với Thanh Niên, đại diện hệ thống Vinmart/Vinmart+ thuộc Tập đoàn Masan khẳng định DN này đang bán không lợi nhuận một số loại như cà chua, su hào, cà rốt, bắp cải, ổi… với sản lượng tiêu thụ khoảng 70 tấn/tuần để hỗ trợ nông dân Hải Dương.
Trả lời Thanh Niên sáng 22.2, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết với rau củ quả thì Hà Nội đã hỗ trợ tiêu thụ được số lượng đáng kể. “Rau quả đáp ứng các tiêu chuẩn như VietGap đang được các siêu thị lớn ở Hà Nội thu mua và bán như giá mua để hỗ trợ nông dân. Báo cáo của các hệ thống lớn như Co.op, BigC, Hapro… đều cho thấy mỗi tuần hàng vào khoảng 100 tấn”, bà Lan nói. Với gà, bà Lan cho hay do người dân ngại mua gà lông nên Sở đang vận động các đầu mối giết mổ vào cuộc. “Điều các DN băn khoăn là Hải Dương phải cam kết, chịu trách nhiệm đây là hàng hóa an toàn, người và phương tiện tham gia vận chuyển được kiểm dịch, khử khuẩn đầy đủ”, bà Lan nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.