Kiểm soát dòng người về từ tâm dịch

30/07/2021 07:08 GMT+7

Chủ trương các tỉnh đón những người khó khăn từ TP.HCM, Bình Dương... về địa phương thể hiện tính nhân văn, đồng thời chia sẻ áp lực đang đè nặng nơi tâm dịch phức tạp.

Tuy nhiên, việc đón người về cần tổ chức toàn diện và kiểm soát tốt hơn để tránh các nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Chủ động đón về để kiểm soát

Thực tế những ngày qua, nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân tỉnh mình, chia lửa cho vùng dịch, đặc biệt là TP.HCM và Bình Dương, nhiều địa phương đã có kế hoạch, chủ động đón người dân tỉnh mình về quê. Việc chủ động đón về dựa trên cơ sở nhu cầu người dân, sự chuẩn bị cơ sở vật chất của địa phương đảm bảo phòng, chống dịch…

Lâm Đồng không tiếp nhận người từ vùng dịch về mà không đăng ký trước 

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng, từ 12 giờ hôm qua (29.7), đối với các trường hợp tự ý về địa phương bằng phương tiện cá nhân hoặc các phương tiện khác (không liên hệ, đăng ký với chính quyền địa phương để tổ chức đón theo quy định), yêu cầu các huyện, TP trên địa bàn tỉnh này tuyệt đối không tiếp nhận để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đề nghị các huyện, TP nắm thông tin số lượng người dân Lâm Đồng từ các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có nguyện vọng trở về địa phương trong thời gian này, để chủ động xây dựng kế hoạch theo hướng ưu tiên các đối tượng: người già yếu, tàn tật, phụ nữ mang thai, trẻ em, người ốm đau và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (các đối tượng này phải có xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ trước khi về địa phương).
Trước đó, TP.Đà Lạt, một số huyện và TP.Bảo Lộc trong tỉnh Lâm Đồng đón tiếp công dân từ TP.HCM và các tỉnh có dịch Covid-19 về cách ly tập trung 21 ngày để phòng dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng. Đến ngày 29.7, trên địa bàn TP.Bảo Lộc đã ghi nhận 2 trường hợp từ TP.HCM về dương tính với Covid-19 khi đang cách ly tập trung ở khách sạn.
Lâm Viên
Tính đến thời điểm này, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức 3 chuyến bay đưa 573 người Bình Định ở TP.HCM đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 về quê. Dự kiến chuyến bay thứ 4 vào chiều nay (30.7) tiếp tục đưa 190 người ở TP.HCM về Bình Định. Khi về đến Bình Định, các công dân này phải cách ly tập trung ít nhất 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày đầu, ngày thứ 4 và ngày thứ 7. Sau khi hoàn thành cách ly tập trung, các công dân tiếp tục cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7 (kể từ ngày cách ly tại nhà/nơi lưu trú).

Chạy xe máy 1.500 km, chấp nhận rủi ro để về Nghệ An trốn Covid-19

Tỉnh Phú Yên cũng đã tổ chức 2 đợt đón hơn 750 người dân từ TP.HCM về địa phương bằng ô tô. Sở Y tế Phú Yên tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trực tiếp từng xe khi về đến TP.Tuy Hòa. Trường hợp có mẫu xét nghiệm nghi ngờ thì tạm bố trí công dân về khu cách ly y tế tập trung của Trung đoàn Bộ binh 888 chờ kết quả. Sau khi có kết quả xét nghiệm, các trường hợp F0 được đưa đi điều trị theo quy định. Đối với các trường hợp F1, Sở Y tế thông báo cho các địa phương bố trí phương tiện đưa công dân về khu cách ly y tế tập trung của địa phương. Theo ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, mỗi tuần có 2 chuyến đón công dân tỉnh mình về quê vào thứ ba và thứ bảy, mỗi chuyến 30 chiếc xe để đảm bảo đón người dân về nhiều hơn.
Ở khu vực ĐBSCL, chiều 29.7 ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ, cho biết các sở, ban ngành của TP đang thống nhất kế hoạch đón người dân từ TP.HCM và Bình Dương về quê và sẽ sớm triển khai trong vài ngày tới. UBND TP.Cần Thơ sẽ bố trí xe đến địa điểm tập kết do UBND TP.HCM và UBND tỉnh Bình Dương chỉ định để đón công dân và đưa về khu cách ly tập trung tại Cần Thơ. Khả năng Cần Thơ có thể bố trí đáp ứng khoảng 1.000 công dân từ 2 địa phương trên trở về quê (TP.HCM 400 người, Bình Dương 600 người).
Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, cũng cho biết việc đón người dân của tỉnh từ vùng dịch về đang được gấp rút triển khai. Trước mắt, tỉnh sẽ đón những trường hợp thực sự khó khăn. Theo ông Thánh, đã có trên 3.000 người gặp khó khăn đăng ký trực tiếp Ban liên lạc đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau để về, đa số nằm trong những tỉnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Một số tỉnh phía bắc, trong đó có Hà Nam, cũng có kế hoạch dùng tàu hỏa đón khoảng 1.000 người từ TP.HCM và các vùng dịch về quê. Trong đó ưu tiên người bị bệnh hiểm nghèo, người ốm đau dài ngày, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai và đang nuôi con nhỏ, lao động thất nghiệp... Tỉnh sẽ chịu chi phí xét nghiệm khi công dân về Hà Nam và hỗ trợ tiền ăn cho những người khó khăn trong thời gian cách ly.
Kiểm soát dòng người về từ tâm dịch

Người dân tỉnh Thừa Thiên-Huế vật vã chờ xe nhiều tiếng đồng hồ để đi cách ly tập trung

ẢNH: HUY ĐẠT

Nhiều nguy cơ từ dòng người về tự phát

Lo sợ lây nhiễm chéo khi người từ TP.HCM về quê ùn ứ chờ đi cách ly

Dù hầu hết địa phương chủ động lên kế hoạch để đón người dân về, nhưng thực tế một số người dân vì quá nôn nóng đã không đăng ký với địa phương nơi mình trở về mà sử dụng phương tiện giao thông cá nhân (nhiều nhất là xe máy), vượt hàng ngàn cây số để về quê. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho địa phương, đồng thời tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Như tại Thừa Thiên-Huế, những ngày qua hàng nghìn người dân tỉnh này từ phía nam về quê tránh dịch Covid-19 gây nên tình trạng ùn ứ, nhiều người nằm la liệt nhiều giờ đồng hồ ở chốt kiểm soát dịch, chờ xe chở đi cách ly tập trung. Hay đoàn người quê tỉnh Quảng Trị khi qua đèo Hải Vân đến địa phận TT.Lăng Cô (H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) cũng rơi vào cảnh vật vạ chờ lực lượng chức năng dẫn qua khỏi khu vực tỉnh Thừa Thiên-Huế nhằm tránh tình trạng người dân dừng lại ven đường, nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Thừa Thiên-Huế sẽ tạm ngưng đón công dân trở về địa phương

Ngày 29.7, tỉnh Thừa Thiên-Huế thông báo tạm ngưng đón công dân trở về địa phương, sau 3 đợt tổ chức đón (đợt 1 đón 239 người bằng máy bay, đợt 2 ngày 29.7 đón 376 người bằng tàu hỏa) và dự kiến sẽ tổ chức thêm chuyến bay dịch vụ cho khoảng 250 người về vào ngày 1.8. Sau đó, tỉnh sẽ dừng chương trình đón công dân trở về, vì điều kiện cách ly quá tải. Liên tục trong nhiều ngày qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế luôn chịu áp lực bởi lượng người từ TP.HCM và các tỉnh vùng dịch phía nam trở về bằng xe máy và các phương tiện tự phát. Riêng ngày 29.7, tổng số người qua chốt kiểm tra là 5.527. Bình quân mỗi ngày, tỉnh này tổ chức tiếp nhận và cách ly tập trung từ 1.000 - 1.200 người, có ngày lên đến 1.400 người. Địa phương đã trưng dụng cơ sở vật chất tại trường ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại ngữ và Khoa giáo dục thể chất… (mỗi cơ sở quy mô 1.000 giường) để làm khu cách ly. Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết tổng quy mô các khu cách ly toàn tỉnh đã huy động và kích hoạt đạt hơn 10.000 chỗ, hiện đã tiếp nhận cách ly hơn 8.000 người, và dự kiến trong vài ngày tới sẽ hết công suất.     
Bùi Ngọc Long
Chiều qua (29.7), lực lượng CSGT Công an Đồng Nai cũng đã phải dẫn đưa đoàn khoảng 700 người lao động đang sinh sống làm việc tại xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) về Đắk Lắk bằng xe máy. Vào sáng sớm cùng ngày, hàng trăm người lao động đã kéo đến chốt kiểm soát, yêu cầu được về quê. Lực lượng chức năng đã vận động, thuyết phục nhưng những người này không chịu quay trở về phòng trọ, tập trung chờ đợi đến trưa.
Trước tình hình này, UBND H.Vĩnh Cửu đã xin ý kiến lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và sau đó được chấp thuận cho số người này về quê, dưới sự giám sát và hỗ trợ của lực lượng chức năng. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Phương, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu, cho biết trước đó Đồng Nai và Đắk Lắk đã có trao đổi kế hoạch đón người lao động về quê. Cụ thể, từ 30.7 - 5.8, Đắk Lắk sẽ cho xe khách xuống Thạnh Phú đón người dân, còn xe máy được đưa lên xe tải chở về theo cùng. Tuy nhiên, trong khi chờ đến thời gian như kế hoạch dự kiến thì xảy ra sự việc này.
Kiểm soát dòng người về từ tâm dịch

Lực lượng Công an Đồng Nai phải tổ chức dẫn đưa đoàn 700 người lao động về Đắk Lắk bằng xe máy

ẢNH: LÊ LÂM

Tại Nghệ An, sáng qua ở 2 chốt kiểm soát dịch Covid-19 hai đầu cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 (TP.Vinh), nhiều nhóm người chạy xe máy từ Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai về quê, mỗi nhóm 5 - 10 xe. Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND H.Kỳ Sơn, cho biết đã có hơn 300 người từ các tỉnh phía nam về quê bằng xe máy. Những ngày tới có thể lên đến 2.000 người. H.Kỳ Sơn đã sử dụng các trường làm điểm cách ly tập trung và kích hoạt toàn bộ hệ thống chính trị từ cấp bản, xóm trở lên để phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng ông Minh thừa nhận, số người trở về quá đông sẽ tạo áp lực lớn cho việc phòng, chống dịch. Huyện khuyến cáo người dân không nên tự trở về bằng xe máy vì nguy hiểm và nguy cơ mang dịch về quê. Trong khi đó, Nghệ An có gần 23.000 người trở về quê chưa hết thời gian cách ly 14 ngày.
Còn tại Thanh Hóa, khoảng 31.204 người ở phía nam có nhu cầu trở về. Những ngày qua, nhiều người đã tự đi bằng xe máy hoặc ô tô riêng từ TP.HCM và các tỉnh phía nam về quê và đã phát hiện một số trường hợp nhiễm Covid-19 từ dòng người này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.