Sáng 5.9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đoàn công tác của thành phố làm việc với Quận ủy Q.7 để lắng nghe những mặt làm được và phương hướng, kịch bản cho những ngày tới, các đề xuất, kiến nghị cần thành phố tháo gỡ.
TP.HCM dự kiến sẽ chọn Q.7 làm thí điểm trong tiến trình đưa thành phố trở về cuộc sống bình thường mới.
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND Q.7 cho biết công tác phòng chống dịch trên địa bàn vận hành theo cơ chế ban chỉ huy thống nhất, Bí thư Quận ủy chỉ đạo toàn diện, thống nhất với sự tham gia của cả hệ thống chính trị; công tác triển khai nhịp nhàng, đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm…
Q.7 kiểm soát dịch bệnh theo 3 tiêu chí: quản lý F0 trên địa bàn, tỷ lệ tiêm vắc xin và đánh giá vùng nguy cơ. Ông Tuấn Anh cho biết tỷ lệ tử vong những ngày gần đây giảm, hơn 99% người dân đã được tiêm mũi 1, khoảng 9,5% người dân đã tiêm mũi 2, hơn 4.000 người nước ngoài được tiêm.
|
Về đánh giá vùng nguy cơ, đánh giá 3 lần để xác định vùng nguy cơ. Đến nay, toàn quận có 747 tổ dân phố; trong đó có 191 tổ dân phố vùng đỏ (chiếm 25,5%), 47 tổ dân phố vùng cam (chiếm 6,3%), 100 tổ dân phố vùng vàng (chiếm 13,4%) và 409 tổ dân phố vùng xanh (chiếm 54,5%). Hiện vùng xanh và vùng vàng không còn F0, quận không có điểm phong tỏa, vùng xanh tăng lên 68%.
Nhân rộng hộ kinh doanh "xanh"
Hiện Q.7 đã lập trung tâm nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn bình thường mới. Trong phương án khôi phục kinh tế, Chủ tịch UBND Q.7 cho biết dự kiến từ 20.9 sẽ hoạt động trở lại đối với mặt hàng kinh doanh thiết yếu và kinh doanh đường phố, điều kiện để mở cửa là tiêm vắc xin 2 mũi, hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ, tuân thủ 5K. Trong thời gian đầu, Q.7 hạn chế thời gian hoạt động từ 6 – 18 giờ hằng ngày, khuyến khích bán hàng online.
“Hộ kinh doanh đạt tiêu chí thì gắn bảng hộ kinh doanh “xanh” hoặc hộ kinh doanh an toàn”, ông Tuấn Anh nói và cho biết việc mở cửa trở lại sẽ thực hiện từng bước, từng ngành nghề theo lộ trình. Tương tự, chợ truyền thống khi hoạt động trở lại cũng phải có phương án cụ thể, đảm bảo phân luồng, có thể hoạt động theo ngày chẵn, ngày lẻ…
|
Về một số đề xuất, ông Tuấn Anh cho biết đặc thù của quận là có Khu chế xuất Tân Thuận với khoảng 45.000 người lao động lưu trú tại 3 phường: Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây và Bình Thuận. Do đó, Q.7 đề xuất TP.HCM thống nhất chủ trương cho các doanh nghiệp tạm sử dụng (1 – 2 năm, kể từ thời điểm bàn giao đất) các khu đất công do nhà nước quản lý hiện chưa triển khai để đầu tư xây dựng các khu lưu trú tạm cho công nhân (quy mô 1 tầng, kết cấu tạm và mật độ xây dựng 60%).
Q.7 cũng đề xuất thành phố xem xét miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong năm 2021 và quý 1/2022 để giúp doanh nghiệp và hộ kinh doanh phục hồi sản xuất kinh doanh. Thành phố tiếp tục hỗ trợ các gói an sinh cho công nhân và người lao động; hỗ trợ các bộ kit test nhanh (3 ngày/lần) cho hộ kinh doanh khi khôi phục hoạt động trong 1 tháng đầu.
Về vắc xin, Q.7 đề nghị bổ sung kịp thời để tiêm cho người nước ngoài, công nhân, người tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và những trường hợp đã đủ thời gian khoảng cách giữa 2 mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế với số lượng hơn 178.000 liều.
Đồng thời, bổ sung thuốc điều trị, chăm sóc chu đáo cho bệnh nhân F0; nhân lực có chuyên môn về y tế, máy móc, vật tư, trang thiết bị để vận hành có hiệu quả bệnh viện dã chiến điều trị covid-19 số 1 giai đoạn 2 dự kiến 600 giường.
Bình luận (0)