Làm sao thu đủ 7,8 triệu tỉ đồng để chi?

06/11/2020 04:29 GMT+7

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) bày tỏ “rất lo lắng” về kế hoạch đầu tư công năm 2021 - 2025, với con số quá lớn là 2,75 triệu tỉ đồng, vì không biết kiếm đâu ra nguồn lực khi hứa hẹn thu sẽ khó khăn.

Thảo luận về kinh tế, xã hội ngày 5.11, đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng về kế hoạch đầu tư công năm 2021 - 2025 với con số quá lớn là 2,75 triệu tỉ đồng, vì không biết kiếm đâu ra nguồn lực khi khả năng thu sẽ khó khăn.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân TP.HCM phát biểu về vấn đề đầu tư công tại quốc hội ngày 5.11.2020

Đặt mục tiêu tăng trưởng 6% để có động lực phấn đấu

Đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) bày tỏ lo lắng là kế hoạch KT-XH giai đoạn tới có thể được xây dựng quá lạc quan, trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm trên thế giới. ĐB Ngân khuyến nghị nên xây dựng nhiều kịch bản kinh tế, trong đó có kịch bản còn Covid-19 và vắc xin chưa có thì Việt Nam có thể sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 4 - 4,5%, như Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo.
Chúng ta phải ưu tiên cho các dự án không phải là cần thiết mà cấp thiết và phải nuôi dưỡng nguồn thu
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)
ĐB Ngân cũng bày tỏ “rất lo lắng” về kế hoạch đầu tư công năm 2021 - 2025, với con số quá lớn là 2,75 triệu tỉ đồng, vì không biết kiếm đâu ra nguồn lực khi hứa hẹn thu sẽ khó khăn. Dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, ĐB TP.HCM cho biết để có được từng đó tiền cho đầu tư công, thì tổng thu ngân sách của 5 năm tới phải đạt trên 7,8 triệu tỉ đồng và đây là điều “rất khó”, vì 5 năm qua kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt mà chỉ thu được có 6,7 triệu tỉ, trong khi 5 năm tới đầy thách thức, đầy rủi ro.
“Tôi cho rằng Chính phủ cũng như Quốc hội cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc giảm chi thường xuyên (dự kiến là 6 triệu tỉ trong 5 năm tới). Chúng ta đã có Nghị quyết 18 của T.Ư về vấn đề tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị để tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhưng khoản chi thường xuyên trong thời gian vừa qua giảm rất ít, cho nên, phải tiết kiệm nhiều hơn. Đúng là có tiền thì nên đầu tư, nhưng trong điều kiện hạn hẹp hiện nay, chúng ta phải hết sức thận trọng, nếu không là vỡ nợ. Cho nên, chúng ta phải ưu tiên cho các dự án không phải là cần thiết mà cấp thiết và phải nuôi dưỡng nguồn thu”, ĐB Ngân nói.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận năm 2021 dự báo vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, còn nhiều rủi ro, bất định. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng có không ít cơ hội và tiềm năng có thể nắm bắt để vươn lên mạnh mẽ, như các hiệp định thương mại tự do, cơ hội thu hút FDI từ việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, chuyển đổi số, thương mại điện tử, nguồn nhân lực dồi dào... “Nếu tận dụng triệt để các cơ hội này và khắc phục được những khó khăn nội tại của nền kinh tế thì khả năng đạt được mức tăng trưởng cao vào năm 2021 cũng như giai đoạn 2021 - 2025 là có cơ sở”, ông Dũng nhận định, đồng thời cho rằng năm 2020 dự kiến tăng trưởng 2 - 3% thì mục tiêu tăng trưởng năm 2021 cao hơn là phù hợp. “Việc đặt mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 khoảng 6% cũng nhằm tạo động lực để quyết tâm phấn đấu cao, vừa để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021 - 2025”, ông Dũng nói và cho biết mục tiêu tăng trưởng 6% của năm 2021 cũng được tính dựa trên GDP đã đánh giá lại của năm 2020.

Covid-19 đã “đốt” bao nhiêu tỉ đồng?

Phân tích về tác động của Covid-19, ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết Việt Nam đầu tiên dự kiến GDP năm 2020 sẽ là 6,8 triệu tỉ, bây giờ nếu thực hiện tốt nhất thì đạt khoảng 6,3 triệu tỉ, tức là chúng ta đã mất đi 500.000 tỉ.
Ngân sách thất thu khoảng 189.000 tỉ đồng nữa. Tổng cộng đã mất gần 700.000 tỉ. Còn theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, đến nay Việt Nam đã chi khoảng 19.000 tỉ đồng cho các công tác phòng, chống và hỗ trợ người dân do đại dịch Covid-19. 

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM): Covid-19 đã khiến Việt Nam thiệt hại 500.000 tỉ đồng

Sẽ phải vay 1,9 triệu tỉ đồng bù đắp bội chi

Trong khi đó, về ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết do dự báo khó khăn nên dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 chỉ 1,34 triệu tỉ (giảm gần 170.000 tỉ so với dự toán năm 2020); tỷ lệ huy động vào NSNN là 15,5% GDP; trong đó, từ thuế phí là 13% GDP điều chỉnh (tương ứng 19,7% và 16,6% GDP chưa điều chỉnh).
Khoản thu ngân sách 7,8 triệu tỉ đồng căn cứ trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 6,5 - 7% (theo dự thảo Báo cáo chiến lược phát triển KT-XH 2021 - 2030 trình Đại hội XIII của Đảng). Lúc đó, tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân khoảng 15 - 16% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13 - 14%.
Ông Dũng thừa nhận kế hoạch thu này “được dự kiến trên tinh thần phấn đấu rất tích cực” trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, nên để đáp ứng yêu cầu chi và giảm dần bội chi, ông Dũng kiến nghị phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu NSNN gắn với cải cách lại NSNN theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; đảm bảo tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế trực thu và thuế gián thu ở mức hợp lý; khai thác tốt thuế tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách an sinh xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế - đảm bảo tính trung lập của thuế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư phát triển.
Cũng theo ông Dũng, tổng mức vay của NSNN giai đoạn 2021 - 2025 là 3,18 triệu tỉ đồng; trong đó vay bù đắp bội chi là 1,9 triệu tỉ đồng, vay trả nợ gốc đến hạn là 1,27 triệu tỉ đồng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có năm có thể vượt 25% tổng thu NSNN và là rủi ro trong việc huy động vốn hằng năm để bù đắp bội chi, trả nợ gốc của Chính phủ.

Lọc dầu Nghi Sơn sẽ phải bù thuế nhiều nghìn tỉ đồng

ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết ủy ban này đã giám sát việc thực hiện dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cho thấy những con số bù thuế khổng lồ của “cơ chế GGU” mà “Chính phủ tiền nhiệm ký cam kết bảo lãnh. “Với cơ chế GGU - gọi là ưu đãi thuế nhập khẩu 3% (đối với sản phẩm hóa dầu) - 5% (với LPG) - 7% (đối với sản phẩm lọc dầu) cho dự án, theo tính toán, sau khi bù trừ số tiền thuế, phí, tiền thuê đất… thu được từ dự án, thì số tiền phải bỏ ra trả thêm cho nhà đầu tư trong 10 năm, bắt đầu từ ngày nhà máy vận hành thương mại, là 36.730 tỉ đồng, nếu giá dầu là 50 USD/thùng; là 47.870 tỉ đồng nếu 60 USD/thùng; 64.580 tỉ đồng, nếu giá dầu 75 USD/thùng; và 88.100 tỉ đồng, nếu giá dầu là 100 USD/thùng”, ĐB Chiểu cho biết.
Ngoài ra, theo ĐB, GGU còn có 3 nội dung ưu đãi trái với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết, sẽ gây thiệt hại với ngân sách thậm chí hàng chục nghìn tỉ đồng và đề nghị làm rõ trách nhiệm của “một số người trong chính phủ tiền nhiệm”. 

ĐBQH Trần Quang Chiểu (Nam Định) nói về đại dự án lọc dầu Nghi Sơn trước quốc hội sáng 5.11.2020

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.