Lo nhiều điều về kinh doanh nước sạch

21/11/2019 05:46 GMT+7

ĐB Trương Trọng Nghĩa giải thích ông không phản đối tư nhân tham gia kinh doanh nước sạch hay cấm chuyển nhượng vốn, song nhận thấy nước sạch, nhất là ở các đô thị lớn, phải là vấn đề an ninh.

Lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn nước sạch, tình trạng thâu tóm của nước ngoài..., thảo luận dự án luật Đầu tư sửa đổi tại diễn đàn Quốc hội ngày 20.11, nhiều đại biểu đã đề nghị đưa kinh doanh nước sạch vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ngay trong luật.

Đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện

Tăng tuổi hưu, nghỉ thêm 1 ngày dịp Quốc khánh từ 2021

Sáng 20.11, với 435/453 ĐB có mặt tán thành (chiếm 90,06% ĐB), QH đã thông qua bộ luật Lao động sửa đổi. Theo đó, luật bổ sung quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện LĐ bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với LĐ nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với LĐ nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện LĐ bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với LĐ nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với LĐ nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với LĐ nam và 4 tháng đối với LĐ nữ. Bên cạnh đó, bộ luật LĐ sửa đổi vừa thông qua cũng bổ sung thêm 1 ngày nghỉ có hưởng lương cho NLĐ vào dịp Quốc khánh 2.9. Theo đó, vào dịp Quốc khánh, NLĐ sẽ được nghỉ 2 ngày. Ngoài ngày 2.9, Chính phủ sẽ quy định thêm 1 ngày nghỉ trước, hoặc sau tùy theo điều kiện thực tế từng năm.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết, ông tra danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong dự thảo luật thì không thấy kinh doanh nước sạch, nên đề nghị cơ quan soạn thảo phải đưa kinh doanh nước sạch vào danh mục này. Theo đại biểu (ĐB) Nghĩa, kinh doanh nước sạch, nhất là ở các đô thị lớn, là vấn đề an ninh, hệ trọng do đó cần phải đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện. “Một trong những điều kiện đó là không cho chuyển nhượng cổ phần ra bên ngoài VN”, vị ĐB Đoàn TP.HCM đề nghị.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ VN, dẫn lại vụ việc đổ dầu thải vào nguồn nước của Công ty CP nước sạch sông Đà đã ảnh hưởng tới hàng triệu người dân Hà Nội, chưa kể phải tốn chi phí sục rửa đường ống, bể chứa nước. Bà Thu đề nghị các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh nước sạch cần rà soát chặt chẽ và phải được ghi vào luật. “Kinh doanh nước sạch phải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nếu không sẽ gây khó khăn cho quản lý nhà nước, rủi ro sức khỏe người tiêu dùng nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp ngành nước đang cổ phần hóa và quy định ràng buộc trách nhiệm địa phương đối với các đơn vị cấp nước chưa chặt chẽ như hiện nay”, bà Thu phân tích.
ĐB Hồ Thanh Bình (An Giang) cũng đề nghị nên đưa kinh doanh nước sạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì liên quan “an ninh nguồn nước”. Song, ĐB Bình lưu ý không nên phân biệt đối tượng đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh nước sạch. ĐB này cho rằng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này sẽ tạo sự cạnh tranh, góp phần thúc đẩy sự phát triển tư duy về tôn trọng khách hàng, tôn trọng luật trong cung cấp nước sạch.
Phát biểu lần hai, ĐB Trương Trọng Nghĩa giải thích ông không phản đối tư nhân tham gia kinh doanh nước sạch hay cấm chuyển nhượng vốn, song nhận thấy nước sạch, nhất là ở các đô thị lớn, phải là vấn đề an ninh. Cùng quan điểm, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đề nghị cần có thủ tục để kiểm soát việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, tránh tình trạng “tay không bắt giặc” hay các “dự án lòng vòng”. Dẫn thông tin các nhà đầu tư người Thái vừa tham gia Hội đồng quản trị, vừa tham gia Ban Kiểm soát Nhà máy nước sông Đuống, ông Nhưỡng đề nghị cần xem nhà đầu tư có chỉ kiếm lợi nhuận rồi đẩy rủi ro cho người khác, nhất là người dân, hay không?

Quản hay cấm kinh doanh đòi nợ thuê ?

Mở mắt ra có 5 triệu doanh nghiệp  ?

Thảo luận chiều 20.11 về luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi, các ĐB tranh luận đa chiều về việc đưa hay không đưa 5 triệu hộ kinh doanh vào luật. Trước đó, Chính phủ trình dự thảo luật theo hướng sẽ đưa 5 triệu hộ kinh doanh (trước hết là 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký) vào phạm vi điều chỉnh của luật DN ngoài 700.000 DN hiện hành. ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, ủng hộ chủ trương này vì như thế sẽ bao trùm hết để “không ai bị bỏ lại phía sau”. “Tuyệt đối không có chuyện qua một đêm ngủ dậy thì ông chủ quán phở hôm qua trở thành giám đốc DN phở hôm nay. Nhưng khi vị thế pháp lý quyền và nghĩa vụ cơ bản của hộ kinh doanh ghi nhận trong luật sẽ giúp họ yên tâm làm ăn, làm ăn bài bản và minh bạch hơn”, ông Lộc nói.

Tranh luận lại, ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) nói thẳng, các nội dung mà ĐB Lộc nói như đưa vào hộ kinh doanh phát triển nhanh, mạnh và vững chắc, nhà nước quản lý tốt hơn, thuế thu nhiều hơn. “Nếu các điều này đưa vào luật, xin thưa với QH có chăng hôm sau mở mắt ra thì 700.000 hộ biến thành được 5 triệu DN”, ĐB Chiểu nêu. Phần lớn các ý kiến còn lại đề nghị nếu đưa hộ kinh doanh vào thì phải viết lại hoặc có một nghị định sau tổng kết nâng thành luật.
Một vấn đề khác gây tranh luận là đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ của Chính phủ tại dự thảo luật. Đại tá Phạm Huyền Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, phản ánh thực tế nhiều đối tượng lợi dụng dịch vụ kinh doanh đòi nợ để biến tướng thành các băng nhóm cho vay nặng lãi, hoạt động "tín dụng đen", gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. “Một số đối tượng đòi nợ thuê đã bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí có vụ dẫn đến chết người. Phổ biến là hành vi đe dọa, khủng bố người thân, con cái, cha mẹ của con nợ”, ông Ngọc nêu và khẳng định không phải “quản không được thì cấm” mà nên cấm vì dịch vụ này gây nhiều hệ lụy xã hội. “Nếu luật Đầu tư sửa đổi lần này đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế được hoạt động tín dụng đen vì việc đòi nợ thuê đã bị cấm, mọi hành vi đòi nợ thuê đều vi phạm pháp luật và bị xử lý”, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), dù có cấm kinh doanh đòi nợ chưa chắc hạn chế được các hành vi đòi nợ biến tướng của các băng nhóm cho vay nặng lãi.
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê vì “có cấm cũng không được”. Theo ông Đồng, người ta dễ dàng lách quy định cấm dịch vụ đòi nợ bằng cách làm giấy tờ ủy quyền đại diện tham gia giao dịch và hưởng thù lao đại diện. Điều này hoàn toàn hợp pháp. Thứ nữa, nếu đã là hoạt động bất hợp pháp thì có cấm cũng vô nghĩa. “Khi các doanh nghiệp làm ăn hợp pháp bị cấm thì các băng nhóm này sẽ dễ dàng mở rộng thị trường”, ĐB Đồng phân tích và đề nghị giải pháp tốt hơn trong vấn đề này là giao Bộ Công an, Bộ Tư pháp xây dựng các quy định và thực hiện nghiêm quy định về lĩnh vực này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.