Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.
Khó kiểm soát tình trạng ô nhiễm nguồn nước
|
Tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết TP có tốc độ phát triển kinh tế và dân số tăng rất nhanh. Gần 10 năm trở lại đây, cứ 5 năm, TP tăng thêm 1 triệu dân. Những năm qua, TP đã có nhiều nỗ lực và hoàn thành chỉ tiêu 100% dân số được tiếp cận và sử dụng nước sạch. Tuy nhiên nguồn cung cấp nước sạch của TP hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân TP.
Điều đáng lo ngại, theo ông Hoan là nguồn nước thô của TP được khai thác từ hệ thống sông Đồng Nai, Sài Gòn. Tuy nhiên, do TP là địa phương nằm cuối nên khó kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường ở lưu vực các hệ thống sông nói trên, trong đó có ô nhiễm nguồn nước. Chưa kể nhiều năm qua, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động đến nguồn nước thô cung cấp cho TP, gây ra nguy cơ mất an toàn về nguồn nước nhưng đến nay TP chưa có kịch bản ứng phó cụ thể.
Điều đáng lưu ý mà ông Hoan nêu là chất lượng nước khi sản xuất, xử lý tại nhà máy đạt chất lượng rất tốt nhưng khi đi qua hệ thống mạng lưới cung cấp đưa về các hộ gia đình, doanh nghiệp thì những tiêu chí nước sạch không còn đảm bảo. “Chưa kể áp lực nước trong đường ống mỗi lúc khác nhau nên dễ tạo ra lắng cặn, biến đổi màu nguồn nước cung cấp cho người dân…”, ông Hoan nói và cho hay hội thảo sẽ tìm ra giải pháp, chính sách cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm an toàn tiến đến mục tiêu người dân TP sử dụng nguồn nước tại vòi.
|
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc đánh giá thế nào khi vừa qua Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) kiến nghị điều chỉnh theo hướng tăng giá nước sạch, ông Hoan cho hay giá nước sạch ở TP 10 năm qua không điều chỉnh và đến nay mức giá đó đã quá lạc hậu. Do đó sắp tới UBND TP sẽ xem xét điều chỉnh để làm sao cho phù hợp với điều kiện mới. “Còn tăng bao nhiêu TP sẽ tính toán”, ông Hoan nói.
Tư nhân đầu tư, giảm thất thoát nước
Tỷ lệ thất thoát nước vẫn hơn 23%Hiện tổng công suất nước toàn TP đạt 2,4 triệu m3/ngày, đảm bảo nhu cầu dùng nước của người dân TP cho sản xuất và sinh hoạt. Về tỷ lệ thất thoát nước, hiện TP đã kéo giảm tỷ lệ thất thoát năm 2015 gần 31%, năm 2016 hơn 28%, năm 2017 là 26% và hiện là hơn 23%.
|
Ông Arnold Jether A.Mortera, Giám đốc vận hành Công ty Manila Water, cho biết Manila (Philippines) và TP.HCM có điểm tương đồng về dân số. Về cách quản lý, Công ty Manila Water chia TP.Manila thành 6 khu vực kinh doanh lớn với hơn 1.800 khu vực giám sát nhỏ. Việc chia nhỏ như vậy giúp công ty theo dõi sát nhu cầu của khách hàng. Công ty cũng chống thất thoát nước bằng cách tập trung kiểm tra hệ thống ống của các khách hàng sử dụng lượng nước lớn.
“Công ty dựa vào nhu cầu của khách hàng để đưa ra kế hoạch đầu tư và kinh doanh. Giá bán của công ty phải dựa vào vốn đầu tư nhưng cũng dựa vào khả năng chi trả của người dân”, ông Arnold nói.
Còn ông Attila Sinka, Tổng thư ký Hiệp hội Nước Hungary, cho hay quá trình cổ phần hóa ngành nước ở Hungary cũng có nhược điểm nhưng đem lại nhiều thuận lợi hơn, đó là tạo ra cơ chế linh hoạt và nguồn nhân lực dồi dào trong ngành nước. “Qua hơn 3 thập niên đẩy mạnh áp dụng cơ chế hợp tác công - tư, việc cung cấp nước đạt được nhiều hiệu quả khi giảm được tỷ lệ thất thoát và hiệu quả của công ty cấp nước được cải thiện rõ rệt”, ông Attila Sinka nói.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE), cho rằng nhà nước không nên nắm 100% công ty cấp nước. Theo bà Thanh, hiện tại lĩnh vực nước sạch đã có tư nhân tham gia nhưng điều hành vẫn theo cung cách nhà nước, đặc biệt là trong điều hành giá bán nước. Việc áp dụng cơ chế nhà nước như vậy khiến ngành nước rất khó huy động vốn, nhân tài...
Bình luận (0)