Như Thanh Niên đã thông tin trong bài viết Chưa rõ “hình hài” thẻ xanh Covid, tại TP.HCM tiêu chí để công nhận một người được cấp thẻ xanh Covid liên tục được điều chỉnh. Trong bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn TP.HCM ban hành ngày 15.9, một người có thẻ xanh Covid khi hội đủ 3 điều kiện: xét nghiệm (XN) Covid-19 âm tính đối với ngành nghề phải XN định kỳ, tiêm vắc xin hoặc từng mắc Covid-19 nay đã khỏi bệnh và không tiếp xúc gần với F0 trong vòng 14 ngày…
Kể cả khi tiêu chí thẻ xanh Covid thành hình, như chia sẻ của Phó giáo sư Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), còn cần xây dựng khung pháp lý để có thể ra được chứng nhận. Như vậy, đây là băn khoăn chung của nhiều địa phương, bộ, ngành, không riêng TP.HCM.
Thống nhất tiêu chí chung, hành lang pháp lý
“Tôi chỉ đề cập đến khía cạnh nếu lấy tiêu chí (có thể là tạm thời), người có thẻ xanh Covid là người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin (đối với loại vắc xin phải tiêm 2 mũi); 1 mũi vắc xin (với loại vắc xin chỉ cần tiêm 1 mũi) và đã đủ thời gian để có thể sinh kháng thể, thì việc ghi nhận này phải được thể hiện ở một ứng dụng được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận. Về việc thể hiện mặt hình thức, đó có thể là một mã QR để một ứng dụng có chức năng quét mã QR đọc được nhằm nhận diện một người hội đủ điều kiện có thẻ xanh Covid. Nhưng nếu mở rộng diện hoặc đối tượng khác cũng được cấp thẻ xanh ngoài người đã tiêm đủ vắc xin theo quy định, vẫn có những người từng là F0 lành bệnh, có kháng thể. Đến đây, vấn đề đã phức tạp hơn. Và như vậy, phải có hẳn dữ liệu ghi nhận người từng là F0 đã lành bệnh (chứ không chỉ đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin)”, bạn đọc (BĐ) Quang Tran nêu ý kiến.
|
BĐ Thảo Phạm phân tích thêm: “Việc thống nhất một phần mềm để ghi nhận các thông tin về tiêm vắc xin, F0 khỏi bệnh cần phải thực hiện sớm. Bản thân tôi đã cài đặt trên điện thoại nhiều phần mềm liên quan đến: đặt lịch tiêm vắc xin và ghi nhận đã được tiêm vắc xin; phần mềm khai báo y tế; phần mềm khai báo lịch trình đi lại… do các bộ, ngành khác nhau xây dựng, phát triển. Đó là chưa kể các phần mềm liên quan khác do cơ quan chức năng địa phương tạo ra. Từ thực trạng này cho thấy các bộ, ngành chức năng phải thống nhất tiêu chí chung để tạo ra hành lang pháp lý. Tiêu chí chung này cũng phải nêu chi tiết, mã QR (nếu có một hình thức thể hiện nào đó do một ứng dụng tạo ra) thì được công nhận, ứng dụng nào thì không”.
Không thể thiếu sự điều phối
Theo BĐ Trường Sơn, tựu trung, liên quan đến áp dụng công nghệ - thông tin xây dựng các ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19, có thể phân thành các nhóm ứng dụng: tiêm chủng vắc xin Covid-19; khai báo y tế, ghi nhận tình trạng sức khỏe, yếu tố dịch tễ về Covid-19; kiểm soát lịch trình, quá trình di chuyển của công dân trong phạm vi nội địa và các thông tin cá nhân khác; cung cấp thông tin về Covid-19, đưa ra cảnh báo cho người sử dụng. Nhưng trước việc nở rộ các ứng dụng như hiện nay, các nhà phát triển ứng dụng cần ngồi lại để thống nhất các tiêu chí nhằm tối ưu chỉ 1 hoặc 2 ứng dụng. Dữ liệu của các ứng dụng còn lại có thể là một module hợp thành, hỗ trợ cho ứng dụng được chỉ định hoặc chọn ra. Đến đây, không thể thiếu sự điều phối, quản lý của cơ quan nhà nước. Đa số ý kiến của BĐ đều thống nhất cao chỉ sử dụng một ứng dụng và ứng dụng đó phải dễ sử dụng, quản lý, không gây phiền hà hoặc cập nhật khó khăn.
Nếu chưa ứng dụng được công nghệ - thông tin thì nên giao cho UBND phường, xã nắm bắt danh sách công dân trên địa bàn do mình quản lý. Nếu đã tiêm đủ liều vắc xin thì cấp cho công dân đó “thẻ xanh”. Để tránh việc bị làm giả, cần có một loại phôi chung với ký hiệu có thể nhận diện được bởi cán bộ có thẩm quyền.
Trần Hùng
Trước mắt, đề nghị cho người dân sử dụng thẻ xanh Covid chính là chứng nhận “đã tiêm vắc xin 2 mũi” ở một số ứng dụng hoặc giấy xác nhận đã tiêm 2 mũi. Đối với những người khác, hoặc nhân viên kinh doanh thì chứng nhận thêm xét nghiệm nhanh kháng nguyên theo quy định.
Hồng Phúc
|
Bình luận (0)