Ngăn dịch Covid-19: Thật sự lo lắng với những người vô ý thức

Kim Lan
Kim Lan
12/03/2020 06:29 GMT+7

Thông tin một số người từ vùng dịch Covid-19 nhập cảnh vào Việt Nam lại khai báo gian dối, trốn, né hoặc không tuân thủ quy định cách ly... khiến bạn đọc Báo Thanh Niên tức giận.

Như Thanh Niên đã đề cập trong bài viết Vài người gian dối, công sức cả xã hội ngăn dịch sẽ đổ bể đăng tải ngày 11.3, khi cả xã hội đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, một số người từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam lại khai báo gian dối, không tuân thủ quy định cách ly... khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thêm 3 ca mới ở Bình Thuận, Việt Nam có 38 người dương tính với Covid-19

Kêu gọi tự ý thức, chưa đủ...

Dường như những thông tin liên tục, dồn dập, từ nhiều kênh… kêu gọi nâng cao ý thức cộng đồng, ý thức của từng cá nhân, đặc biệt là ý thức của những người “về từ vùng dịch”, vẫn chưa đủ mạnh để trở thành một “pháp lệnh lương tâm”.
Sau khi Thanh Niên điểm lại nhiều vụ sót lọt khi nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng dịch, bạn đọc (BĐ) Đỗ Văn Hưởng (TP.HCM) nhận xét: “Không có ý thức thế này thì đúng là công sức của nhà nước và cộng đồng coi chừng bỏ sông bỏ bể...”. BĐ Thùy Giang (TP.HCM) cảm thấy: “Thật sự lo lắng vì những người vô ý thức” và tiếp tục kêu gọi: “Mọi người nên có ý thức với chính mình và cộng đồng. Hãy trung thực khai báo để ngăn dịch phát tán”.
BĐ Phạm Bình Minh (Quảng Ninh) nhìn câu chuyện ở một góc độ khác khi cho rằng: “Không ai mong muốn xảy ra dịch bệnh hay cố tình lây nhiễm cho cộng đồng. Nhà nước đang làm rất tốt, người trong diện bị cách ly đã chủ động cách ly, nên thêm chia sẻ, thôi chửi bới... Chúng ta còn có gia đình, người thân ở phía sau, họ cũng vậy”.
BĐ Vietroad (TP.HCM) nhận xét: “Bắt cả xã hội đều trung thực hết là một việc làm... bất khả thi. Lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân là 2 mặt đối lập luôn tồn tại song song. Thế nên xã hội mới cần có luật pháp”. Từ phân tích này, BĐ Vietroad cho rằng: “Chống dịch không chỉ trông chờ người dân tự giác và phải kiểm soát quyết liệt, bắt đầu từ những vị trí nhạy cảm nhất, như sân bay, nhà ga, cửa khẩu…”.

... phải chế tài mạnh, cả phạt tù

Tán thành, BĐ Dang (TP.HCM) nêu: “Trong xã hội, ý thức mỗi người chắc chắn khác nhau, trong phòng chống dịch, không thể chỉ kêu gọi ý thức, mà phải có chế tài đủ mạnh”.
Nhiều BĐ tán thành với đề nghị phải có chế tài mạnh, thậm chí là phạt tù đối với những hành vi vô ý thức gây tổn hại cho nỗ lực ngăn dịch Covid-19. BĐ Đặng Quý Ngọc (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị: “Phải ra hình phạt cụ thể cho từng trường hợp cụ thể, cứ vi phạm trốn khai báo, né cách ly là phạt ngay, cứ phạt nặng mức rất cụ thể vào, chắc chắn không có người dân nào phản đối đâu”.
BĐ Lê Văn Quốc (Đà Nẵng) cho rằng: “Phải ra quyết định xử phạt nghiêm minh, thậm chí là phạt tù, để răn đe những người khai gian dối”. BĐ Phan Lê (Quảng Nam) cũng đồng ý rằng cứ xử lý thật nghiêm một vài người là “tự khắc răn đe được người khác”. BĐ Hàn (Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu: “Thiết nghĩ nên đưa ra tòa xử nghiêm những người khai gian dối lộ trình di chuyển làm ảnh hưởng đến cả nước...”.
BĐ Trịnh Hà (Hà Nội) nhận định: “Chưa có thiệt hại về người là do sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của ngành y tế, sự chấp hành nghiêm túc của đại đa số nhân dân” và chính vì vậy mà càng phải cần “xử nặng hành vi giấu giếm, gian dối khai báo”.
Phải áp dụng mức phạt 5 năm tù đối với những trường hợp gian dối, không khai báo khi có đi qua vùng dịch, không chịu cách ly, làm ảnh hưởng đến sự an toàn và sức khỏe của toàn xã hội. Làm cứng rắn thì ai cũng sẽ phải tuân thủ.
Nguyễn Thị Như (Hà Nội)
Bởi thế mới cần có chế tài của luật pháp đủ mạnh, đủ sức răn đe, ngăn chặn những hành vi vô ý thức, không có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Nguyễn Văn Đạt (Tây Ninh)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.