Vài người gian dối, công sức cả xã hội ngăn dịch sẽ đổ bể

11/03/2020 04:41 GMT+7

Một số người từ vùng dịch Covid -19 nhập cảnh vào Việt Nam lại khai báo gian dối, trốn, né hoặc không tuân thủ quy định cách ly... khiến công sức cả xã hội ngăn dịch sẽ đổ bể.

Trong khi cả xã hội nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, thì một số người từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam lại khai báo gian dối, trốn, né hoặc không tuân thủ quy định cách ly... đang khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bí thư Quảng Trị: Xử lý nghiêm vụ chủ tịch công ty “đánh tráo” cách ly

Sau vụ việc bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 17 N.H.N (Hà Nội) với nhiều biểu hiện thiếu trung thực trong khai báo dịch tễ, được cho là nguyên nhân lây lan nhiều người khác trên chuyến bay VN0054, hai ngày qua dư luận đặc biệt quan tâm đến trường hợp ông L.T.H, Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư xây dựng và thương mại P.Đ (người đi trên chuyến bay VN1547 từ Hà Nội vào Thừa Thiên-Huế, có hành khách bị nhiễm Covid-19), đã không khai báo chính xác với cơ quan chức năng; thậm chí để cho nhân viên đi cách ly thay mình.
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị có mặt tại nơi lưu trú của những người trong nhóm ông L.T.H vào đêm 8.3 Ảnh: Thanh Lộc

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị có mặt tại nơi lưu trú của những người trong nhóm ông L.T.H vào đêm 8.3

Ảnh: Thanh Lộc

Khi cơ quan chức năng vào cuộc, ông này mới “ra trình diện” và đi cách ly tập trung. Trả lời Thanh Niên hôm qua (10.3), ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, tiếp tục khẳng định có việc đánh tráo người cách ly như Báo Thanh Niên đã phản ánh. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định sẽ làm rõ, xử lý nghiêm vụ việc ông L.T.H đưa nhân viên đi cách ly thay “bất kỳ người đó là ai vì đây là vụ việc nghiêm trọng”.
Trong diễn biến liên quan, chiều 10.3, bác sĩ Trương Huyền Trường, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị (nơi đặt trung tâm cách ly), cho biết trong nhiều lần tiếp xúc, ông L.T.H đã gửi lời xin lỗi đến cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị vì đã làm phiền và hứa sẽ chấp hành mọi nội quy, quy chế của khu cách ly.
Nhưng không chỉ hai trường hợp trên, thực tế trong khi cả nước đang nỗ lực gồng mình ngăn chặn dịch bệnh lây lan, vẫn còn không ít người về từ hoặc đi qua vùng có dịch “không hiểu sao” vẫn lọt qua cửa kiểm dịch về khu dân cư; được yêu cầu cách ly tại gia đình lại “trốn”, hoặc không tuân thủ...

Khai báo gian dối làm lây lan dịch bệnh bị pháp luật xử lý thế nào

Láng giềng bức xúc vì người cách ly tự ý ra ngoài

Ngày 10.3, chính quyền Q.Đống Đa (Hà Nội) phải đưa một người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 đi cách ly tập trung, sau khi đã ra quyết định cách ly tại nhà với người này. Đó là ông L.X.T (61 tuổi), người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân số 21.
Theo người dân P.Nam Đồng (Q.Đống Đa), ông L.X.T và 4 người khác trong gia đình bị cách ly tạm thời tại nơi ở đến ngày 17.3, do ông này đã tiếp xúc BN dương tính với Covid-19 từ hôm 3.3.
Trong khi đó, theo quy định, ông T. thuộc diện phải cách ly tập trung, 4 người trong gia đình thuộc diện tự cách ly tại nhà. Việc ông T. được phường ra quyết định cách ly tại nhà đã khiến nhiều hàng xóm không yên tâm.
Điều đáng nói, ngày 9.3, người dân khu phố còn thấy ông T. đi xe máy ra ngoài; các thành viên khác trong gia đình vẫn đi chợ như “chưa hề có việc cách ly”. Một số người dân đã yêu cầu ông T. không ra ngoài, đồng thời phản ánh lên chính quyền và truyền thông.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 10.3, lãnh đạo P.Nam Đồng xác nhận việc ông T. có ra ngoài, khiến hàng xóm bức xúc. Chiều 10.3, chính quyền đã đưa ông T. đi cách ly tập trung. Người trong gia đình ông T. được tuyên truyền hạn chế tiếp xúc, không ra khỏi nhà.
Không chỉ “đi ra ngoài”, trường hợp B.V.A (24 tuổi, ngụ TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) còn tự ý rời khỏi khu cách ly đi tới nơi khác. Theo thông tin ban đầu, ngày 26.2, A. từ Nhật Bản về Việt Nam và đến nhà cha mẹ chồng ở xã An Đổ, H.Bình Lục (Hà Nam).
Do nằm trong diện cách ly phòng ngừa dịch Covid-19 nên chính quyền H.Bình Lục tổ chức cách ly người này tại nhà chồng sắp cưới. Đến ngày 4.3, ngành y tế địa phương xác định sức khỏe của đương sự vẫn bình thường, không có dấu hiệu nhiễm bệnh Covid-19.
Thế nhưng, dù đang trong thời hạn cách ly y tế, ngày 5.3, A. cùng chồng sắp cưới đón xe khách ra sân bay Nội Bài (Hà Nội) để bay vào TP.HCM, sau đó tiếp tục đi xe khách về TP.Bà Rịa.
Ngay sau khi biết đương sự tự ý rời khỏi nơi cách ly, UBND H.Bình Lục đã gửi văn bản hỏa tốc, đề nghị UBND TP.Bà Rịa tiếp tục có biện pháp theo dõi và thực hiện cách ly. UBND TP.Bà Rịa đã chỉ đạo ngành y tế phối hợp với chính quyền địa phương đến kiểm tra sức khỏe và yêu cầu đương sự tiếp tục thực hiện cách ly y tế cho hết thời hạn. Theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Bà Rịa, nguyên nhân chị A. rời khỏi nơi cách ly về nhà cha mẹ ruột là để chuẩn bị cho ngày cưới.

Trung thực trong khai báo y tế có ý nghĩa thế nào trong dịch Covid-19?

Từ Ý về sân bay rồi... tới thẳng chung cư!

Chiều 10.3, đại diện Trung tâm y tế Q.Tân Phú (TP.HCM) cho biết đã đưa cặp vợ chồng sinh sống tại chung cư Khang Gia Tân Hương (P.Tân Quý) vào khu cách ly tập trung của quận, do 2 người này có đi qua vùng dịch. Cụ thể, trước khi nhập cảnh Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, hai vợ chồng này xuất phát từ TP.Milan và quá cảnh tại TP.Dubai.
Theo quy định, những người về từ vùng dịch buộc phải cách ly 14 ngày nhưng “không hiểu vì sao 2 vợ chồng này vẫn lọt qua khâu kiểm dịch của Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM để về chung cư vào tối ngày 9.3”.
Rất may, người dân chung cư phát hiện kịp thời, báo cho cơ quan chức năng đưa đi cách ly và phun thuốc khử trùng tại đây. Dù sức khỏe 2 vợ chồng bình thường nhưng người dân khá lo lắng bởi diễn biến dịch bệnh vẫn khá phức tạp và nghi ngờ khâu kiểm dịch y tế ở sân bay đã bỏ lọt người về từ quốc gia có dịch bệnh.
Cũng tại Q.Tân Phú, người dân ở chung cư Oriental (P.Tân Thành) phải trải qua một ngày bất an khi phát hiện 2 người Trung Quốc sinh sống trong chung cư. Ông Lê Văn Đức, Chủ tịch UBND P.Tân Thành, cho hay 2 người này không phải đi trực tiếp từ Trung Quốc qua Việt Nam mà đã có 14 ngày sinh sống tại Campuchia; sau đó mới về chung cư ở đến khi người dân phát hiện và thông báo cho chính quyền địa phương.
Đến ngày 9.3, nhân viên y tế phường đã kiểm tra thân nhiệt, kiểm tra hộ chiếu, visa và yêu cầu tự cách ly tại chung cư. Mỗi ngày, nhân viên y tế phường sẽ đến đo thân nhiệt 2 lần, ban quản lý chung cư hỗ trợ mua các đồ dùng cần thiết trong vòng 14 ngày. Phường cũng thông báo nếu có triệu chứng gì bất thường thì 2 người này phải thông báo ngay cho trạm y tế để có phương án xử lý kịp thời.

Không chỉ trông chờ sự tự giác!

Ông Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm ứng phó sự kiện công cộng khẩn cấp, cho rằng cách ly y tế trước hết đòi hỏi tự nguyện của mỗi cá nhân vì sức khỏe bản thân họ và người thân, người sống gần; nhưng chính quyền địa phương cần tổ chức thực hiện giám sát chặt chẽ.
Người dân ngõ 132 An Đà (P.Đằng Giang, Q.Ngô Quyền, Hải Phòng) chấp hành đo thân nhiệt tại chốt kiểm soát Ảnh: Lê Tân

Người dân ngõ 132 An Đà (P.Đằng Giang, Q.Ngô Quyền, Hải Phòng) chấp hành đo thân nhiệt tại chốt kiểm soát

Ảnh: Lê Tân

Theo ông Phu, các hành vi vi phạm được phát hiện đều đã có quy định tại Nghị định 176/2013/NNĐ-CP nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; mức phạt có thể từ 2 - 10 triệu đồng. Vấn đề xử lý nghiêm hay không thuộc trách nhiệm của địa phương.
Liên quan đến những trường hợp “cách ly không nghiêm túc” trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các xã, phường phải thông báo cho hàng xóm của những người bị cách ly để ngoài chính quyền phường, tổ dân phố thì chính người dân cũng giám sát lẫn nhau.
Hiện 100% những người thuộc diện cách ly của Hà Nội mới qua 7 - 8 ngày (từ 2 - 9.3), nên đây chính là giai đoạn mà nếu họ có nhiễm vi rút thì rất dễ phát bệnh và lây lan cho người khác, do đó, chính quyền phường được yêu cầu “tuyệt đối không được nể nang”, phải giải thích được với người bị cách ly về nguy cơ cho chính họ và nguy cơ cho cộng đồng.
Ông Chung cũng chỉ đạo “mai, ngày kia chúng ta phải đăng ký giám sát theo GPS, qua điện thoại thông minh” như cách Singapore đã làm. Giám sát bằng công nghệ cũng là cách mà Trung Quốc đã làm, bởi với số lượng người ngày càng tăng lên, giám sát thủ công xem ra sẽ quá tải và có nhiều lỗ hổng.

Xử nghiêm những trường hợp khai báo không trung thực hoặc không khai báo

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 ngày 9.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc nhận diện, khoanh vùng, cách ly, chữa bệnh, bảo đảm vững tâm lý, hành động hợp lý, đúng mức là nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay.
Thủ tướng yêu cầu phải xử lý nghiêm những trường hợp khai báo không trung thực hoặc không khai báo theo pháp luật và giao Bộ Tư pháp, Bộ Y tế xem xét những trường hợp cụ thể để xử lý nhằm răn đe chung những cá nhân vi phạm, không trung thực khai báo khi đã biết mình có bệnh. Các lực lượng chức năng như hải quan, biên phòng, an ninh các cửa khẩu, sân bay phải kiểm soát hoạt động nhập cảnh kỹ hơn, không để “lọt lưới” những người nhiễm bệnh hay nguy cơ nhiễm bệnh cao...
Chí Hiếu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.