Người dân TP.HCM đồng tình chủ trương giãn cách để dập dịch

08/07/2021 06:23 GMT+7

Thời gian qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã chủ động phong tỏa, cách ly y tế để dập dịch. Dù việc này ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh ... nhưng người dân đồng tình ủng hộ để chống dịch.

Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo UBND Q.7 cho biết, kể từ 18 giờ hôm nay (8.7) sẽ phong tỏa, cách ly y tế theo Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn bộ địa bàn P.Tân Thuận Đông; 4 khu phố: 1, 2 , 3, 4 của P.Tân Thuận Tây và 4 khu phố: 1, 2, 3, 3A của P.Bình Thuận cho đến khi có thông báo mới.
UBND Q.7 khuyến khích, người dân có nhu cầu mua nhu yếu phẩm nên đặt hàng thông qua điện thoại hoặc ứng dụng theo danh mục các đơn vị cung ứng hàng hóa trực tuyến. “Quận sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân đảm bảo các nhu cầu thiết yếu, sinh hoạt trong thời gian phong tỏa”, lãnh đạo UBND Q.7 khẳng định.

6 điểm cần lưu ý khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 phòng Covid-19

Ngày 7.7, PV Thanh Niên ghi nhận tại các khu vực ở Q.7 sẽ bị phong tỏa vào 18 giờ ngày 8.7, người dân dù bị ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh… nhưng vẫn đồng tình phong tỏa để chống dịch. Ông H.V.D (60 tuổi, ngụ KP.3A, P.Bình Thuận, bán rau trước nhà) chia sẻ: “Ngày mai áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn, tôi sẽ dọn dẹp hàng để chấp hành quy định giãn cách xã hội. Tôi thấy không có gì phải lo lắng bởi vì dịch Covid-19 tồn tại lâu ngày nên tôi ủng hộ quyết định của TP. Bây giờ dù có khó khăn nhưng cũng đành chịu, chứ nhiều người khác khốn khó hơn mình. Chính quyền yêu cầu ở nhà chống dịch thì mình nghiêm túc chấp hành để sớm đẩy lùi dịch bệnh”.

Cuộc sống bên trong khu phong tỏa

Là địa phương áp dụng biện pháp phong tỏa được 2 ngày, cuộc sống người dân P.Tân Phú (TP.Thủ Đức) gặp một số xáo trộn bước đầu nhưng sau đó đã chung tay, phối hợp với chính quyền. Từ 0 giờ ngày 5.7, hơn 34.000 người dân ở P.Tân Phú bắt đầu cuộc sống mới. Chiều 7.7, tại chốt kiểm soát trên đường Nam Cao, có 4 - 7 người đang trực chốt. Người dân đến giao nhận nhu yếu phẩm, vật dụng cá nhân được yêu cầu rửa tay khử khuẩn, giữ khoảng cách và không tập trung đông. Lực lượng chức năng liên tục thông báo bằng loa vận động người dân trong khu phong tỏa đi lấy mẫu xét nghiệm trong ngày để đảm bảo công tác tầm soát Covid-19. Các trường hợp ra ngoài với lý do riêng cần phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 hoặc phụ huynh cùng thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT được tạo điều kiện ra ngoài. Hiện chợ truyền thống và chợ tự phát ở phường đã dừng hoạt động, người dân có thể đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi mua nhu yếu phẩm, lương thực.

Người Sài Gòn 'đội mưa' chen chân đi siêu thị cuối ngày, mua gần 3 triệu tiền mì gói

Tối 6.7, UBND TP.Thủ Đức đã thông báo tạm dừng hoạt động tập kết giao hàng, mua bán trực tiếp tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (chợ đầu mối Thủ Đức) từ 8 giờ ngày 7.7 và chậm nhất 20 giờ ngày 7.7 phải vận chuyển hàng hóa ra khỏi chợ. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khoảng 22 giờ ngày 6.7 và rạng sáng 7.7, tại khu vực chợ xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài gần 3 km từ cầu vượt ngã tư Bình Phước (P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức) đến cầu vượt Gò Dưa (P.Tam Bình, TP.Thủ Đức). Các lực lượng chức năng đã phân luồng, thực hiện các biện pháp chống dịch với xe vào chợ.
Ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, giải thích sở dĩ lượng xe vào chợ tối 6.7 đông hơn thường ngày là do hai chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (H.Hóc Môn) đã tạm ngưng hoạt động; một lượng lớn thương lái, người mua bán đổ dồn về chợ đầu mối Thủ Đức mua hàng ngày cuối, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông.

Bản tin Covid-19 ngày 7.7: TP.HCM giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 giữa "kỷ lục" 766 ca bệnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.