Người Trung Quốc 'núp bóng' mua đất trọng yếu: Bộ trưởng chưa làm hết trách nhiệm

25/05/2020 05:59 GMT+7

Thực tế, tình trạng người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc , 'núp bóng' để thâu tóm bất động sản ở những vị trí đắc địa đã được dư luận phản ánh từ lâu.

Văn bản trả lời kiến nghị cử tri của Bộ Quốc phòng lần đầu tiên nêu chi tiết tên tuổi cá nhân, tổ chức người Trung Quốc sở hữu hoặc "núp bóng" sở hữu, hoặc thuê đất ở những vị trí trọng yếu, khiến dư luận quan tâm, trong khi trước đó người đứng đầu ngành TN-MT khẳng định “chưa thấy gì”.
Cụ thể, báo cáo của Bộ Quốc phòng nêu từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP.Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP.Đà Nẵng. Bộ Quốc phòng cũng khẳng định, để sở hữu các lô đất ở TP.Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo 2 hình thức: thành lập doanh nghiệp liên doanh với VN và đầu tư tiền cho cá nhân người VN (chủ yếu người Việt gốc Hoa) để mua đất.
Thực tế, tình trạng người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc, "núp bóng" để thâu tóm bất động sản ở những vị trí đắc địa đã được dư luận phản ánh từ lâu. Bộ Công an, khi trả lời chính cử tri TP.Đà Nẵng năm 2019, cũng khẳng định còn tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc “núp bóng” người Việt mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển để chuyển mục đích sử dụng sang đất thương mại, thâu tóm các vị trí đất đẹp, trung tâm... Tuy nhiên, trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội giữa năm 2018 về chính vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã khẳng định chưa thấy hiện tượng người nước ngoài mua đất tại VN, do luật Đất đai không cho phép. Khi đó, ông Hà còn đề nghị đại biểu (ĐB) thấy ở đâu có người nước ngoài mua đất thì báo cho ông.

Bộ trưởng đã kiểm tra, giám sát ra sao?

Trao đổi với PV Thanh Niên, ĐB Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, khẳng định việc người nước ngoài, trong đó có người Trung Quốc, "núp bóng" để sở hữu những khu đất đắc địa, trọng yếu, vị trí đẹp ở các địa phương là vấn đề nhức nhối trong dư luận từ lâu, song đây là lần đầu tiên có cơ quan chức năng đưa ra thông tin chính thức. Từ đó, ông Hòa cho rằng trong câu chuyện này, có trách nhiệm rất lớn của Bộ TN-MT - cơ quan được giao quản lý nhà nước về đất đai.
“Việc Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà trả lời là căn cứ theo luật Đất đai, không cho phép người nước ngoài mua, sở hữu đất tại VN. Tuy nhiên, với trách nhiệm là bộ trưởng một bộ được giao quản lý về đất đai, tài nguyên thì khi có cử tri, ĐB phản ánh, Bộ trưởng nên ghi nhận chứ khẳng định ngay chưa có hiện tượng đó thì không chính xác”, ông Hòa nêu.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, thẳng thắn: “Báo cáo của Bộ Quốc phòng đã chỉ rõ có người Trung Quốc núp bóng mua đất, bây giờ Bộ trưởng TN-MT có thể công khai giải thích với người dân được không? Với vai trò người đứng đầu ngành TN-MT, thay mặt Chính phủ quản lý trong lĩnh vực đất đai, trách nhiệm kiểm tra, giám sát ở đâu khi không phát hiện ra?”. Ông Doanh cũng cho rằng, lẽ ra, là người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý đất, Bộ trưởng TN-MT nên yêu cầu đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát để nắm bắt tình hình thay vì trả lời một cách vội vã như vậy trước Quốc hội.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, với cương vị của bộ trưởng thì việc trả lời “chưa thấy có người nước ngoài mua đất” là chưa hết trách nhiệm. “Bộ Quốc phòng họ đã báo cáo rất rõ rồi, tình trạng này đã xảy ra từ vài năm chứ không phải mới gần đây. Vậy anh quản lý, giám sát, kiểm tra ra sao? Miếng đất chứ đâu phải con kiến, cái kim mà nói không biết, không thấy”, ông Hiếu nói.

Cần rà soát trên diện rộng

Đề cập giải pháp, thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội, cho rằng đối với việc cá nhân, tổ chức sở hữu đất ở các vị trí đắc địa, cần phải rà soát lại.
“Không cứ gì Trung Quốc mà cả nước khác, luật phải làm chặt chẽ. Luật Quốc phòng quy định kể cả đất ở, thành lập doanh nghiệp, đầu tư phải có ý kiến của cơ quan quân sự địa phương đó. Đầu tư của doanh nghiệp trong nước phải thẩm định hồ sơ để xem có ý kiến liên quan đến luật Quốc phòng", ông Nghĩa nói và cảnh báo một số nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào VN ngoài mục đích kinh tế có thể có mục đích khác. "Như ở Hải Phòng, Cam Ranh (Khánh Hòa), vùng nhạy cảm quân sự thì có thể có nhiều mục đích, không đơn thuần là kinh tế. Người trong nhà, chủ nhà phải nắm chắc để quản lý chứ không cấm đoán vì chúng ta đang mở cửa kinh tế. Nếu là lách luật thì phải làm cho ra", ông Nghĩa lưu ý.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Hiện nay, dù đã có quy định hạn chế tỷ lệ góp vốn tại các lĩnh vực quan trọng, dự án nhạy cảm, song người nước ngoài mà chủ yếu là Trung Quốc vẫn lách luật để mua bán, thâu tóm. Vấn đề này để lại rất nhiều hệ lụy, vô cùng nguy hiểm tới chủ quyền, an ninh quốc gia. “Chúng ta cần phải siết ngay lại, lập danh sách các dự án, lĩnh vực khi liên quan tới an ninh quốc gia, quan trọng cần hạn chế tỷ lệ vốn góp. Trước khi cấp phép đầu tư phải rà soát, thẩm định kỹ lưỡng, xin ý kiến Bộ Quốc phòng”, ông Hiếu nêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.