Những bác sĩ chống dịch Covid-19 ở biên giới

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
27/02/2020 07:10 GMT+7

Những ngày này, dọc tuyến biên giới của tỉnh Quảng Ninh, hàng trăm y bác sĩ đang vất vả phòng chống dịch Covid-19 .

Theo phân công của Sở Y tế, Bệnh viện Bãi Cháy (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) đã cử 1 đội điều trị chuyên khoa gồm 5 người tăng cường cho Bệnh viện cách ly thành phố Móng Cái từ ngày 15.2.

Covid-19 lây lan nhanh như thế nào?

BS Đào Hồng Ngự, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy, chia sẻ: “Khi được giao nhiệm vụ đến làm việc tại Bệnh viện cách ly ở thành phố Móng Cái, chúng tôi luôn xác định tinh thần cống hiến hết mình, làm sao thực hiện tốt công tác phòng chống dịch”.
Gương mặt vẫn còn đẫm mồ hôi sau khi đi khám sàng lọc cho người dân trên địa bàn thành phố Móng Cái, BS Đặng Minh Thu, Phó giám đốc Trung tâm y tế thành phố Móng Cái, cho biết nhiệm vụ ra tuyến biên giới là một trọng trách vô vùng lớn lao khi phải ngăn dịch không vào nội địa và vì sức khỏe của cộng đồng phía sau.
Vừa nghỉ tay sau khi phun thuốc phòng dịch tại chợ biên giới Đồng Văn (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu), anh Loan Văn Toàn, nhân viên Trung tâm y tế huyện Bình Liêu, cho biết mỗi ngày anh phải vác trên vai vài chục ký thiết bị phun dung dịch cloramin B đi bộ đến từng cơ quan, đơn vị, từng trường học, khu chợ để phun khử khuẩn.
“Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng mình phải làm việc hết sức mình. Cộng đồng có an toàn thì bản thân mình và mọi người cũng yên tâm. Công tác phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 phải đặt lên hàng đầu. Nếu chúng tôi chủ quan, lơ là hay né việc thì rất nguy hiểm”, anh Toàn chia sẻ.

4 tại chỗ trong cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khẳng định, 4 tuyến cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn và đến nay đã cho thấy hiệu quả (4 tại chỗ: dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ).
Trong đó, chủ trương điều trị, cách ly tại chỗ (tại địa phương có ca bệnh) giúp giảm tình trạng xáo trộn, vận chuyển, như vậy cũng là giảm nguy cơ lây lan nhiễm chéo. Tuyến điều trị ban đầu đặt tại huyện nhưng được tăng cường trang thiết bị và nhân lực từ tuyến trên thì về bản chất vẫn là đảm bảo các yêu cầu điều trị. Chỉ khi diễn biến phức tạp và bệnh nặng thì mới chuyển lên tỉnh hay BV tuyến T.Ư. Một số BN Covid-19 đầu tiên được chuyển lên BV tuyến T.Ư vì đó là các BN mới cần có thực tế để đánh giá, dù họ biểu hiện bệnh nhẹ.
Sau các ca đầu tiên, Bộ Y tế và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhận thấy, việc phân tuyến, điều trị tại chỗ với sự hỗ trợ của các BS tuyến T.Ư và tuyến tỉnh là rất phù hợp với diễn biến dịch tại thời điểm này. Và thực tế 16/16 ca bệnh được điều trị khỏi cho thấy việc phân tuyến điều trị là phù hợp.
Liên Châu
Theo Sở Y tế Quảng Ninh, từ 1.2 đến nay địa phương này đã lựa chọn hơn 100 nhân viên y tế tham gia chống dịch trên tuyến biên giới. Họ là những người lính thầm lặng đang ngày đêm ngăn dịch bệnh ở nơi tuyến đầu.
Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, ngành y tế Quảng Ninh đã thành lập 16 đội phản ứng nhanh (7 người/đội) và 26 đội vận chuyển cấp cứu ngoại viện (4 người/đội) sẵn sàng trực làm nhiệm vụ 24/24, trong mọi tình huống xảy ra.
“Chúng tôi khẳng định công tác phòng dịch đang được Quảng Ninh triển khai rất hiệu quả. Minh chứng là Quảng Ninh dù có đường biên giới dài với Trung Quốc nhưng đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm Covid-19. Có được kết quả ấy là nhờ một phần công sức của các chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.