Sẵn sàng các bệnh viện dã chiến

07/02/2020 06:16 GMT+7

Nhiều địa phương đang xúc tiến xây dựng các bệnh viện dã chiến với tổng quy mô hàng ngàn giường bệnh, sẵn sàng cho phương án xấu nhất nhằm cách ly số lượng lớn người nghi nhiễm hoặc nhiễm vi rút Corona (nCoV).

Tại Quảng Ninh, bệnh viện dã chiến (BVDC) đầu tiên được lập tại TP.Móng Cái, trên cơ sở khu nhà khám và điều trị của Trung tâm y tế TP.Móng Cái vừa xây mới với 5 tầng, công suất 500 giường bệnh, tổng diện tích sàn khoảng 10.000 m2. Đây là nơi tiếp nhận cư dân biên giới và toàn bộ người nghi nhiễm bệnh sau khi nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. BVDC thứ hai được trưng dụng từ BV Lao và Phổi Quảng Ninh (P.Hà Khánh, TP.Hạ Long). BV cũng có công suất 500 giường, là nơi thu dung người nghi nhiễm nCoV tại khu vực TP.Hạ Long. Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, cho biết đến ngày 6.2 địa phương này đã chuẩn bị 19 máy đo thân nhiệt, 194 máy thở, 5 máy thở xách tay, 5 máy hệ thống tim phổi nhân tạo, 14 máy siêu lọc máu; một hệ thống máy xét nghiệm PCR tự động; 1,1 triệu khẩu trang y tế, 2.740 khẩu trang N95, 2.548 bộ quần áo chống dịch, 15.500 bánh xà phòng, 5.600 chai dung dịch rửa tay nhanh, 750.000 đôi găng tay y tế; 45 máy phun phòng dịch để phòng chống dịch bệnh. Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh đã chi 138 tỉ đồng để mua thiết bị mới phòng chống dịch bệnh.

TP.HCM sẽ triển khai bệnh viện dã chiến nếu virus corona lan rộng

Theo Sở Y tế Quảng Ninh, địa phương này có gần 500 người nhập cảnh từ các vùng dịch, trong đó có 6 người Việt Nam trực tiếp từ Vũ Hán trở về đang được cách ly tại TP.Móng Cái, TP.Hạ Long và các huyện: Hải Hà, Bình Liêu, Vân Đồn. Những người này đã được kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ngày và chưa phát hiện trường hợp nào mắc nCoV.

Bệnh viện dã chiến tại TP.Móng Cái (Quảng Ninh) có công suất 500 giường bệnh, sẵn sàng tiếp nhận người nghi nghiễm vi rút Corona

Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu

Hà Nội chuẩn bị 3 bệnh viện dã chiến

Đến ngày 6.2, Hà Nội vẫn chưa có trường hợp nào dương tính với nCoV, nhưng TP này vẫn sẵn sàng cho phương án xấu nhất. Theo các kịch bản, nếu có trên 1.000 người nhiễm nCoV, các cơ sở y tế quá tải, sẽ phải sử dụng đến BVDC. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Thủ tướng và Hà Nội đều nhất trí giao cho quân đội chủ trì xây dựng BVDC (giao cho Bộ Tư lệnh Thủ đô chịu trách nhiệm). Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, có 3 địa điểm đã được chuẩn bị là: 2 cơ sở của Bộ Tư lệnh Thủ đô ở Sơn Tây, Xuân Mai với sức chứa 950 người; trường hợp cần sẽ trưng dụng thêm cơ sở dân sự là Trường ĐH Thành Đô (H.Hoài Đức). ĐH Thành Đô có tổng diện tích khoảng 10 ha, gồm 4 khu, trong đó có 2 tòa 7 tầng (mỗi tầng 9 phòng), có khu vực nấu ăn cho 400 người/bữa, cơ sở vật chất khang trang, có khu KTX phù hợp để thành lập BVDC.
Theo cập nhật của đại tá Nguyễn Viết Thắng, Chủ nhiệm Quân y Bộ Tư lệnh Thủ đô, việc chuẩn bị cơ sở vật chất đã hoàn thiện, sẵn sàng đón người khi Chính phủ có chỉ đạo. Ngoài ra, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội Đoàn Ngọc Hùng cũng cho biết Công an TP đã chuẩn bị khu cách ly ở Hà Đông; sẵn sàng khi được TP giao nhiệm vụ. Ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đã nhất trí sử dụng cơ sở của công an ở Hà Đông để làm nơi cách ly. Cũng theo ông Quý, sáng 5.2, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp và Bí thư Thành ủy cũng đã có ý kiến về xây dựng BVDC; đề nghị Sở Y tế phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô lên phương án cụ thể về cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, vật tư trang thiết bị cần cho BVDC. Sở Y tế TP.Hà Nội và Sở Tài chính trước mắt đã đề xuất kinh phí hơn 250 tỉ đồng để mua vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao, bảo hộ cá nhân… và sẽ bổ sung khi cần thiết.

Đà Nẵng sẽ có bệnh viện dã chiến ứng phó dịch bệnh corona

255 tỉ đồng cho 2 BVDC ở TP.HCM

Ngày 6.2, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh đã có công văn khẩn về việc tổ chức thực hiện khu cách ly tập trung dịch bệnh (BVDC) do nCoV, gửi UBND TP.HCM. Theo đó, Sở Y tế đề xuất UBND TP tổ chức cách ly phòng chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh, kể cả người nước ngoài nhập cảnh vào TP đến từ hoặc đi qua 31/31 tỉnh, TP của Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua. Xây dựng BVDC tại ấp Bàu Đưng, xã Nhuận Đức, H.Củ Chi. Thời gian triển khai dự kiến đến 11.2.
Theo Sở Y tế TP.HCM, các quận huyện cũng sẽ tổ chức các cơ sở lưu trú tập trung tại từng quận huyện. UBND quận, huyện ra quyết định và tổ chức thành lập khu cách ly tập trung tại quận, huyện ngay sau khi có chỉ đạo của UBND TP. Về việc tiếp nhận những trường hợp cách ly tập trung, theo Sở Y tế TP.HCM, đối với những trường hợp nghi nhiễm nCoV lập tức cách ly tuyệt đối tại các cơ sở y tế; đối với những người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua, quận, huyện nào phát hiện sẽ được đưa về khu cách ly tập trung của quận, huyện và đơn vị y tế địa phương chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe cho người được cách ly theo quy định.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND TP về xây dựng kế hoạch BVDC để đối phó dịch bệnh do nCoV, nhằm tiếp nhận, theo dõi, chăm sóc và điều trị các trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV và bệnh nhân (BN) nhiễm nCoV khi tình hình dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. BVDC được sử dụng khi số ca mắc bệnh ở cùng một thời điểm trên địa TP lớn hơn 500 ca, vượt quá khả năng thu dung điều trị tại các khoa cách ly của các BV TP, quận huyện (tổng số giường bệnh cách ly hiện tại ở các BV thuộc Sở Y tế là 500 giường). Cũng theo kế hoạch, 2 BVDC có quy mô 500 giường bệnh với ít nhất 30 giường hồi sức tích cực. Cụ thể, cơ sở 1 có 300 giường tại Trường quân sự TP.HCM (ấp Bàu Đưng, xã Nhuận Đức, H.Củ Chi), có ít nhất 20 giường hồi sức tích cực. Cơ sở 2 có 200 giường (có ít nhất 10 giường hồi sức tích cực) tại số 25 Phạm Thị Quy, xã Phú Xuân, H.Nhà Bè. Nhân lực bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa hồi sức đảm bảo cho hoạt động hồi sức tích cực (BN nặng) của BVDC được điều động từ các BV TP (Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương, Trưng Vương...). Nhân lực đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh (KCB) của BVDC (sàng lọc, chẩn đoán, điều trị,... BN cách ly không nặng) được điều động từ các BV lân cận, như: Củ Chi, Hóc Môn, Q.12, Gò vấp, Nhà Bè, Q.7, Q.4… Tổng dự trù kinh phí là khoảng 255 tỉ đồng cho 2 BV, với đầy đủ trang thiết bị y tế, thuốc men, xe cấp cứu.

Xây BVDC bằng container

Thêm 2 trường hợp tại Vĩnh Phúc nhiễm nCoV

Tối 6.2, Bộ Y tế công bố thêm 2 ca bệnh vừa xét nghiệm cho thấy dương tính với nCoV. Một trong 2 ca bệnh mới nhất là bà P. (nữ, 49 tuổi, làm ruộng, hiện đang ở xã Sơn Lôi, H.Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), là mẹ ruột của BN N.T.D (23 tuổi) đã được xác định dương tính với nCoV trước đó. BN thứ hai là N.D (nữ, 16 tuổi, học sinh, hiện đang ở xã Sơn Lôi), là em gái ruột của BN N.T.D. Cả hai BN mới được xác nhận đều có chung tiền sử dịch tễ, đó là mẹ ruột và em gái BN N.T.D. Cả hai BN mới này là những người tiếp xúc gần với BN N.T.D, do vậy đã được cơ quan y tế giám sát chặt chẽ, theo dõi sức khỏe tại gia đình và cộng đồng thời gian qua. Ngày 4.2, cả hai trường hợp này xuất hiện các triệu chứng ho, mệt mỏi, được đưa vào cơ sở y tế để cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Hà Nội) xét nghiệm, cho kết quả dương tính. Hiện tại, sức khỏe 2 BN ổn định.
N.T.D là 1 trong 8 người Việt Nam được Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại TP.Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, cùng trở về Việt Nam ngày 17.1 qua sân bay Nội Bài (Hà Nội). Đến nay, Việt Nam đã có 12 ca nhiễm nCoV, trong đó 3 BN đã ra viện. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận 7 trường hợp; hiện tất cả vẫn đang được cách ly điều trị tại các cơ sở y tế.   
Liên Châu

Đồng Nai sẵn sàng cho bệnh viện dã chiến bằng container 500 giường bệnh

Liền kề TP.HCM, tỉnh Đồng Nai cũng đã sẵn sàng xây BVDC với 500 giường bằng container. Trao đổi với PV Thanh Niên, ngày 6.2, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết dù nCoV chưa bùng phát ở Đồng Nai nhưng ngành y tế đã có sự chuẩn bị trước. Theo đó, Sở Y tế đã chọn khu đất rộng 10.000 m2 nằm trong khuôn viên Trung tâm y tế H.Vĩnh Cửu cơ sở 2 (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) để làm BVDC. “Ngày 5.2, chúng tôi đã cho xe san phẳng mặt bằng, tiến tới tổ chức xây dựng đường nước xả thải. Nếu dịch bùng phát lớn, người mắc bệnh sẽ được đưa vào điều trị tại các BV lớn của tỉnh; còn những người nghi ngờ được đưa đến cách ly tại đây”, ông Vũ nói và cho biết thêm: “Phương án đưa ra là sử dụng các container để xây dựng BVDC. Một container thì lắp ráp rất nhanh, chỉ vài giờ đồng hồ là xong; bên trong muốn lắp đặt bao nhiêu giường tùy theo nhu cầu, vì sức chứa của khu đất trên lên đến 500 giường”.
Cũng theo ông Vũ, mục đích của kế hoạch xây dựng BVDC ở địa phương là nhằm phòng ngừa cho trường hợp dịch bùng phát lớn; làm nơi tập trung cách ly những người nghi nhiễm bệnh. Còn dịch chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ thì các BV tuyến tỉnh, BV chuyên khoa và trung tâm y tế tuyến huyện đáp ứng đủ nhu cầu. “Nhưng nếu trường hợp xấu nhất xảy ra là dịch bùng nổ, lan rộng như Vũ Hán (Trung Quốc) thì chúng tôi còn tính toán trưng dụng các cơ sở công cộng, như: trường học, nhà thi đấu, nhà văn hóa... để sử dụng chống dịch”, ông Vũ nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.