Ông Nguyễn Thiện Nhân nói về cha, người nổi tiếng về điều trị sốt rét ác tính

Duy Tính
Duy Tính
05/10/2019 12:45 GMT+7

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng bản thân cũng chưa biết hết về cha mình, vì cố GS Nguyễn Thiện Thành là người ít nói, ngay cả khi ông gặp Bác Hồ và được Bác khen, động viên.

Sáng 5.10, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS - TS, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, đại tá Nguyễn Thiện Thành, thân phụ của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.

Giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Thống Nhất

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS - TS, bác sĩ (BS) Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Thống Nhất đã ôn lại những kỷ niệm về cố GS Nguyễn Thiện Thành.
ẢNH: DUY TÍNH
Theo BS Thanh, cố GS Nguyễn Thiện Thành là chiến sĩ cầm súng chiến đấu trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân và là BS cứu thương bệnh binh. Dấu ấn trong sự nghiệp của ông là nghiên cứu sâu về đề tài sốt rét - trị liệu Filatov để điều trị sốt rét cho cán bộ chiến sĩ trên chiến trường. Sau đó phát triển bằng sự kết hợp dùng Insuline liều dinh dưỡng với trị liệu Filatov và đường thủy phân bào chế ngay tại chỗ, cung cấp cho cơ thể người bệnh cả Glucose, Fructose.
Kể từ năm 1968, cố GS Nguyễn Thiện Thành cùng đồng nghiệp hoàn chỉnh phương pháp điều trị bệnh sốt rét ác tính thể đái ra huyết sắc tố.
Cố GS Nguyễn Thiện Thành cũng là Giám đốc đầu tiên của BV Thống Nhất, và đưa BV này phát triển như ngày hôm nay. Ông cũng là người đặt nền móng cho ngành lão khoa ở Việt Nam.

Cha đẻ của 2 loại dược phẩm mới

Người dân còn biết đến cố GS Nguyễn Thiện Thành qua việc nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất 2 loại dược phẩm mới là Kaglutam (Kalium Glutamat)Spirulina Linavina (tảo Spirualina của Việt Nam) có tác dụng chữa một số bệnh về gan, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho người có tuổi.
Tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã ôn lại những kỷ niệm về gia đình, về sự nghiệp cách mạng, sự hy sinh và cống hiến của cha mình - GS Nguyễn Thiện Thành đối với dân tộc và ngành y tế Việt Nam.
Ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự biết ơn đến đồng đội, đồng chí và những người đã giúp đỡ cha mình trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và trong công tác đến ngày nghỉ hưu.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng bản thân mình cũng chưa biết hết về cha, vì cố GS Nguyễn Thiện Thành là người ít nói, ngay cả khi ông gặp Bác Hồ và được Bác khen, động viên.
“Chúng tôi cũng chưa biết hết về ông, vì ông ít nói về mình. Có lần xem phim về Cách mạng tháng 8, chiếu cảnh đoàn người đi quanh khán đài ở quảng trường Ba Đình, sau đó Bác Hồ đọc tuyên ngôn, ông chỉ nói một câu: "Lúc đó ba cũng đang đứng ở dưới”, ông Nguyễn Thiện Nhân kể.
Cũng theo lời ông Nguyễn Thiện Nhân, cố GS Nguyễn Thiện Thành cũng không nói với ông đã gặp Bác Hồ và được Bác khen. Sau này, thông qua những người khác, ông Nhân biết, vào năm 1955, Bác Hồ thăm Quân y viện 108, Bác nói trong kháng chiến, quân y Nam Bộ đã làm được thuốc Filatov, phục vụ bộ đội. Mặc dù chiến trường Nam Bộ lúc đó rất khó khăn thiếu thốn, các cô các chú học tập những các bộ dám nghĩ, dám làm vì sức khỏe và tính mạng thương bệnh binh. Thấy Bác nói vậy, Cục trưởng Cục Quân y Võ Văn Cần khi ấy nói ngay: "Thưa Bác, người nghĩ ra phương pháp Filatov là BS Nguyễn Thiện Thành đấy ạ. Bác quay sang cha tôi và nói: Chính phủ và Bác đã được Cục Quân y báo cáo về việc chú làm, bây giờ miền Bắc được hòa bình, Bác mong chú làm nhiều việc hay hơn, tốt hơn nữa".

"Tôi nghĩ còn nhiều điều ông đã làm nhưng ông không nói"

Nói xong, ông Nguyễn Thiện Nhân đưa tấm Bằng Chiến sĩ thi đua toàn quốc của cha mình lên trước ngực, và chia sẻ: "Tuần trước, quê hương Trà Vinh tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha... Tại đây, lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông còn giữ Bằng Chiến sĩ thi đua toàn quốc do phân liên khu miền Tây Nam Bộ tặng cho ông, ký ngày 8.12.1952. Không hiểu vì sao ông giữ cái này từ năm 1952... Tôi nghĩ còn nhiều điều ông đã làm nhưng ông không nói”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.