Phải cam kết không để nhân viên y tế, bác sĩ chống dịch Covid-19 bị lây nhiễm

29/02/2020 19:10 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Giám đốc Sở Y tế phải cam kết không để nhân viên y tế, y bác sĩ, người làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19 lây nhiễm.

Chiều 29.2, UBND TP.HCM đã chủ trì cuộc họp khẩn với các sở ngành về dịch bệnh Covid-19. Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin đến 16 giờ ngày 29.2, số ca nhiễm bệnh vẫn đang tăng lên, trong đó có gần 6.000 trường hợp ngoài Trung Quốc tại 60 quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Ý. Số ca tử vong ở Ý là 21 ca còn ở Iran là 34.
Tại Việt Nam, 16 trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 đã khỏi, những trường hợp tiếp xúc gần và cách ly đến nay đều âm tính. Hiện các địa phương đang cách ly công dân Hàn Quốc đi qua vùng dịch, từ 0 giờ đêm 29.2 cách ly thêm Iran và Ý.
Ông Bỉnh thông tin Bệnh viện dã chiến ở Củ Chi đang cách lý 226 người, trong đó còn 30 người từ Trung Quốc, trong các ngày tới có thể giảm khoảng 3-5 người/ngày. Hiện có 41 người Hàn Quốc đang được cách ly tại đây để theo dõi bệnh Covid-19; dự báo trong những ngày tới số lượng công dân Việt Nam về từ vùng dịch tiếp tục gia tăng.

UBND TP.HCM tổ chức họp khẩn để bàn về phương án ứng phó trong trường hợp bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng

Ảnh: Sỹ Đông

Để tránh quá tải, Bệnh viện dã chiến ở Nhà Bè đã hoàn thành với công suất 150 giường, Bệnh viện 175 dành 200 giường làm nơi luân chuyển các hành khách ở các tỉnh khác. Nếu các tỉnh gần, như: Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương... thì địa phương đưa xe lên chuyển về, còn nếu các tỉnh xa thì TP bố trí phương tiện chuyển về.

Lập trung tâm điều hành nhân lực

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM dẫn chứng 1 ca nhiễm bệnh cần ít nhất 10 nhân viên y tế điều trị, trong trường hợp có 1.000 ca nhiễm thì cần 10.000 người phục vụ. Do đó, Sở Y tế phải chuẩn bị từ bây giờ chứ không được chủ quan, bởi Hàn Quốc vì không chuẩn bị giường bệnh kịp mà người nhiễm bệnh phải thiệt mạng.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết các nhân viên y tế phải chăm sóc người bệnh rất cực, nhiều nhân viên y tế không có thời gian về thăm gia đình nên ông Phong yêu cầu Giám đốc Sở Y tế phải cam kết không để người làm nhiệm vụ lây nhiễm. Để làm được điều này thì phải trang bị đồ bảo hộ, thiết bị hỗ trợ bác sĩ, điều dưỡng cũng như chế độ bồi dưỡng cho nhân viên y tế.
Theo thống kê, toàn TP có 18.881 bác sĩ, có 2.424 bác sĩ của bệnh viện T.Ư nhưng chỉ có 349 bác sĩ, 966 điều dưỡng tại khoa nhiễm. Để chuẩn bị tốt về nhân lực ứng phó với với dịch bệnh, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị thành lập trung tâm điều hành nhân lực, bên cạnh các bác sĩ chuyên môn thì tập huấn ngắn hạn cho bác sĩ chuyên ngành khác.

Hành khách đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất khai báo y tế với lực lượng chức năng

Ảnh: Độc Lập

Đồng thời, Sở Y tế TP phối hợp với các bác sĩ quân y của các bệnh viện quân đội để khi cần thiết có thể điều phối ngay. “Đừng để nước tới chân rồi mới nhảy, lúc đó nhảy không kịp đâu”, ông Phong cho biết.
Liên quan đến tình hình cung ứng khẩu trang phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Công thương tính toán khả năng cung ứng hiện nay là bao nhiêu, và tính toán phương án chuẩn bị số lượng trong ít nhất 1 quý. Do đó, Sở Công thương kết nối doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu, đồng thời hỗ trợ về thiết bị cho các nhà máy.
Để chuẩn bị cho phương án 73.000 học sinh lớp 12 đi học trở lại cùng giáo viên cần bao nhiêu khẩu trang, ông Phong yêu cầu chuẩn bị khẩu trang và nước rửa tay cho học sinh phòng chống Covid-19. Trước khi vào lớp, học sinh phải đo thân nhiệt, nếu có dấu hiệu thì về phải về chăm sóc sức khỏe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.