Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới

Lê Hiệp
Lê Hiệp
21/10/2020 06:12 GMT+7

Chính phủ đặt mục tiêu trong năm 2021, những năm đầu giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Sáng 20.10, báo cáo trước Quốc hội (QH) về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.

Năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN

Cụ thể, cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển KT-XH. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Thủ tướng cho biết tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hóa, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế.
Theo Thủ tướng, quy mô GDP năm 2020 tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, năm nay Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN. GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%)... Bên cạnh đó, các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt những kết quả tích cực; hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được tập trung nguồn lực đầu tư; nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn đã hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2019.
Phát triển văn hóa, xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Theo Thủ tướng, mặc dù chúng ta đã nỗ lực phòng chống, nhưng bão lũ, thiên tai bất thường vẫn gây thiệt hại rất nặng nề. Vừa qua, lũ lụt rất lớn ở miền Trung gây nhiều tổn thất về người và tài sản.
Chia sẻ sâu sắc với những đau thương, mất mát của đồng bào, người dân vùng bị ảnh hưởng, đặc biệt là gia đình, người thân, đồng đội của những người dân, công nhân đã mất, của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, người đứng đầu Chính phủ khẳng định Chính phủ sẽ làm hết sức mình tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, vì cuộc sống an toàn của người dân, vì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.

Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề; số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu.
Cải cách hành chính một số lĩnh vực còn bất cập; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn. Đổi mới lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý biên giới, bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, tham nhũng, lãng phí ở một số nơi còn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Khiếu kiện về đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương.
Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định dù còn những tồn tại, hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức, song năm 2020 cũng là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. “Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Như đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội

Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH trong năm 2021 và 5 năm 2021 - 2025, Thủ tướng khẳng định sau 35 năm đổi mới, thế và lực của ta đã lớn mạnh hơn nhiều; kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên; tình hình chính trị - xã hội ổn định; vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên. Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu hiện hữu; nguồn lực còn hạn hẹp trong khi phải đáp ứng cùng lúc các yêu cầu rất lớn cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh... Tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu… để đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ, thu hẹp khoảng cách phát triển, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hóa khát vọng phát triển về tầm nhìn đến năm 2045 là đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, QH.
Chính phủ đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới.

Đề nghị chưa tăng lương cơ sở từ năm 2021

Chiều 20.10, trình bày báo cáo thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ đề nghị trong năm 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu. Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách QH Nguyễn Đức Hải cho hay đa số ý kiến Ủy ban Tài chính -Ngân sách cơ bản đồng ý với đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc đối với người hưởng lương hưu từ năm 1993 trở về trước, vì hầu hết đối tượng này có mức lương hưu rất thấp, tuổi đã cao, đời sống khó khăn.
Theo lộ trình, mức lương cơ sở được tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng từ 1.7.2020. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 9 hồi tháng 6 vừa qua, theo đề nghị của Chính phủ, QH đã thông qua nghị quyết kỳ họp đồng ý chưa tăng lương cơ sở từ 1.7.2020 và giao Chính phủ “căn cứ tình hình thực tế, báo cáo Ủy ban Thường vụ QH về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở”. 

Quốc hội chia sẻ với những đau thương, mất mát của đồng bào miền Trung

Sáng 20.10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà QH đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 10 QH khóa 14. Dự phiên khai mạc có Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn… và các đại biểu công tác tại Hà Nội. Các đoàn đại biểu QH tham dự họp trực tuyến từ các điểm cầu tại các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trong những ngày qua, nhiều tỉnh miền Trung đang phải oằn mình gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lũ gây ra, trong đó, có sự hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. “QH chia sẻ trước những đau thương, mất mát to lớn này và xin gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, chiến sĩ vùng bị nạn, cùng lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh và người dân bị tử nạn”, bà Ngân nói.
Ngay trước khi khai mạc, tại phiên họp trù bị, QH đã dành một phút mặc niệm thiếu tướng, đại biểu QH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Man và các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh, tử nạn do bão lũ tại miền Trung những ngày qua. QH cũng quyên góp ủng hộ người dân miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.