Liên quan loạt bài Thế giới ngầm “bão đêm” như Thanh Niên đã thông tin (từ ngày 18 - 19.1), chuyên gia pháp lý nhận định các “quái xế” đua tốc độ, 'quậy tưng’ đường phố gây mất an ninh trật tự có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đã có chế tài xử phạt hành vi “đua xe trái phép”...
Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, luật sư (LS) Trần Minh Cường (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, đua xe trái phép là hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cao nên pháp luật quy định chế tài rất nghiêm khắc.
Cụ thể, Điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ của Chính phủ quy định hành vi tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng;
Còn đối với hành vi đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép sẽ bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng và tịch thu phương tiện.
|
Không chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính, hành vi đua xe trái phép còn có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, tại Điều 266, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (BLHS) đã quy định đối với tội danh “tội đua xe trái phép”.
Theo đó, người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều này thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; Trường hợp làm chết người thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm.
Hiện nay, khung hình phạt cao nhất đối với tội này là 7 - 15 năm tù giam đối với hậu quả làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỉ đồng trở lên, LS Cường phân tích.
Đồng thời, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ của Chính phủ cũng quy định hành vi tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông; Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe, ... sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1.600 ngàn đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi vi phạm nêu trên, LS Trần Minh Cường cho biết.
… nhưng thực tế vẫn còn bất cập!
Trao đổi với Thanh Niên về hướng xử lý đối với loại tội phạm này, một cán bộ Công an TP.HCM cho biết, hiện rất khó để xử lý xe của “quái xế” lên trái 57 (thay đổi bít tông có đường kính 57mm - "độ xe"), hoặc trái 62 (thay đổi bít tông có đường kính 62mm).
“Nếu xe có giấy tờ đầy đủ, dù nhìn bằng mắt biết xe này lên trái lớn vẫn không thể xử lý. Vì phải có cơ quan khác giám định, kết luận xe này thay đổi kết cấu, từ đó mới xử phạt được. Đó là một trong những cái khó khi xử lý nhóm “quái xế”, vị cán bộ này nói.
Trong khi đó, trường hợp xe không có giấy tờ; thay đổi số khung, số máy; xe độ chế theo kiểu lấy khung sườn này ráp với máy khác… sẽ bị tịch thu phương tiện. Xác minh không đúng số khung, số máy cũng bị tịch thu.
|
Còn đối với “Hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát sẽ được chúng tôi gửi về địa phương xử lý. Sau khi địa phương gửi kết quả kiểm điểm tại đơn vị, thì công an mới xử phạt được”, theo vị cán bộ Công an TP.HCM. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính liên quan đến chủ phương tiện và cả người độ, đua xe chưa đủ mạnh để răn đe, đẩy lùi tình trạng nhức nhối, gây mất an ninh trật tự cho người dân trên địa bàn TP.
Cùng ý kiến này, LS Cường cũng cho biết thêm hiện nay pháp luật VN chỉ có quy định xử phạt "quái xế" đua tốc độ, chưa quy định chế tài xử phạt đối với “lò” độ xe, do đó chưa thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bình luận (0)