Thoát ra từ bẫy buôn người: Ngôi nhà bí mật

Như Lịch
Như Lịch
26/12/2019 06:15 GMT+7

Không bảng hiệu, ẩn mình trong con hẻm nhỏ, Nhà nhân ái Lào Cai (tỉnh Lào Cai) trông như bao ngôi nhà bình thường của người dân. Ít ai hay rằng đây là nơi trú ngụ, cưu mang của hàng trăm nạn nhân nạn buôn người...

Buổi chiều đông miền biên giới, cái lạnh se sắt len lỏi khắp nơi. Tại Nhà nhân ái Lào Cai, các cô gái quây quần trong căn bếp, chuẩn bị bữa tối. Bắp cải, đu đủ, rau muống, rau dớn rừng... dùng chế biến các món ăn đều là thành quả của học viên trồng được trong vườn.
Ra dáng chị cả, H. (29 tuổi, quê Vĩnh Phúc) vừa hướng dẫn làm món nộm, vừa nói vui: “Chúng mình phải biết nhiều món ngon để sau này cho chồng con thưởng thức”.

Sang chấn tâm lý nặng nề

Bữa ăn ấm không khí gia đình diễn ra trên hai chiếc chiếu lớn trải trên nền nhà. Duy chỉ có cô gái trạc 16 tuổi lặng lẽ ngồi ăn trên chiếc giường gần đó. Được biết, lúc mới về đây, D. (tên cô gái) hay trốn trong góc tối, đập phá đồ đạc, lấy son của các bạn vẽ tứ tung. Không ai nắm được chút thông tin nào về bản thân cũng như gia đình D. Sau hơn 10 ngày sống tại đây, D. không còn tự cô lập mình và cho hay quê ở tỉnh Điện Biên. Một lần D. đi chợ thì bị kẻ xấu bắt cóc, đưa sang Trung Quốc bán làm vợ. Sau hai ngày, D. trốn ra bờ sông, đi bộ ròng rã hàng chục giờ mới “lết” về địa phận xã Trịnh Tường (H.Bát Xát, Lào Cai) trong tình trạng đói lả, hoảng loạn, mắt sưng, chân bị thương...

Từng hỗ trợ nạn nhân nước ngoài

 Ông Nguyễn Tường Long cho biết nơi đây từng tiếp nhận và hỗ trợ 4 nạn nhân người Lào và Campuchia bị bán qua Trung Quốc. Đặc biệt, có lần tiếp nhận đến 18 phụ nữ ngoại tỉnh (đa số từ khu vực phía nam) bị bán qua Trung Quốc, được bộ đội biên phòng VN phát hiện và giải cứu.
Theo bà Lương Hồng Loan, nhà nhân ái là một trong các hoạt động của chương trình tái hòa nhập do Vòng tay Thái Bình phối hợp cơ quan chức năng thực hiện. Cạnh đó, tổ chức này còn có gói hỗ trợ thiết yếu ban đầu cho nạn nhân mới trở về (quần áo, giày dép, bàn chải đánh răng, khăn tắm, băng vệ sinh...); tập huấn cho bộ đội biên phòng, cán bộ địa phương, nhân viên xã hội tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân để không gây tổn thương và khơi gợi niềm tin cuộc sống; tặng học bổng học nghề. Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống buôn bán người và di cư an toàn tại những trường học, nhà máy, trung tâm giới thiệu việc làm, bến xe, phiên chợ miền cao, làng xã sát biên giới Trung Quốc, Lào và Campuchia... Ngoài ra, tổ chức này còn phối hợp Sở LĐ-TB-XH tỉnh An Giang thực hiện Nhà nhân ái Long Xuyên, đã hỗ trợ hàng trăm nạn nhân miền Tây Nam bộ bị buôn bán trở về từ Trung Quốc và phần lớn từ những vùng lân cận Campuchia.
Ông Nguyễn Tường Long, Trưởng ban Quản lý Nhà nhân ái Lào Cai, nhận xét: “Gần như 100% nạn nhân trở về đều bị sang chấn tâm lý nặng nề. Có những em muốn tự tử, mặc cảm, tự ti, xa lánh mọi người. Chúng tôi vận dụng kỹ thuật tiếp cận và mất rất nhiều công sức mới giúp các em dần dần hòa nhập”.
Thoát ra từ bẫy buôn người: Ngôi nhà bí mật

Sinh hoạt thường ngày của học viên

Trước hoàn cảnh bi đát của một số nạn nhân, chị Phạm Hoàng Thanh, nhân viên xã hội phụ trách Nhà nhân ái Lào Cai, cho hay chị bị ám ảnh rất lâu. Trong đó, câu chuyện dưới đây của N. (17 tuổi, tỉnh Sơn La) khiến chị day dứt khôn nguôi.
Giữa năm 2019, gần nhà N. có người mất tích bí ẩn. Một gã đàn ông lạ bỗng gọi cho N., bảo rằng công an đang theo dõi N. vì nghi cô là thủ phạm. Dù không liên can vụ án trên nhưng N. rất sợ. Gã kia tiếp tục vừa dọa dẫm, vừa hứa “cứu” N. bằng cách đưa đi trốn. Và rồi N. sập bẫy, bị lừa bán qua Trung Quốc. Tại điểm trung chuyển, cô bị ba thanh niên gác cửa thay nhau hãm hiếp. Khi bọn chúng dùng ô tô đưa N. đến nơi khác, công an Trung Quốc bất ngờ kiểm tra, giải cứu cho N. Trở về VN vào tháng 8, N. mang theo căn bệnh HIV/AIDS do bị lây nhiễm từ những kẻ cưỡng hiếp cô.
Sau vài ngày lưu lại Nhà nhân ái Lào Cai, N. phải về quê tiếp tục công việc kiếm măng, lấy củi trong rừng để nuôi gia đình. Chị Thanh xót xa: “N. rất xinh đẹp, hiền lành nhưng tương lai quá mờ mịt. Bạn ấy không biết đọc - viết, không biết gì về căn bệnh HIV/AIDS. Gia đình không cho bạn ấy đi lấy thuốc điều trị. Chúng tôi gợi ý N. ở lại đây học nghề nhưng bạn ấy không thể, bởi còn phải nuôi em gái nhỏ”.
Theo chị Thanh, rất nhiều nạn nhân đành phải bỏ lại con thơ cho nhà chồng bên Trung Quốc để trốn về. Những ngày lưu lại đây, họ khóc vì nhớ con, nhất là những sản phụ mới sinh con vài tháng, sữa cương nhức trên ngực và cả trong tâm tưởng về cuộc chia lìa mẫu tử...
Thoát ra từ bẫy buôn người: Ngôi nhà bí mật

Một trong những nạn nhân bị sang chấn tâm lý nặng nề

“Làm khó” để bảo vệ nạn nhân

Trước khi được vào Nhà nhân ái Lào Cai, ngoài việc ký cam kết bảo mật và chính sách bảo vệ trẻ em - người lớn dễ bị tổn thương, tôi còn “được” yêu cầu trình bày mục đích chuyến thăm và phải gửi trước câu hỏi phỏng vấn. Nhân viên xã hội làm việc tại đây thông báo: Dù nhân vật đã đồng ý, nhưng giữa chừng nếu các em cảm thấy không thoải mái, không muốn chia sẻ nữa thì cũng phải chấm dứt cuộc phỏng vấn. Điều này nhằm bảo vệ nạn nhân và tránh tình huống ảnh hưởng tâm lý đến các em khi kể lại câu chuyện của mình.
Ông Nguyễn Tường Long cho biết trước đây có nhiều nạn nhân buôn bán người khi quay về không có ai tiếp cận, trợ giúp, trang bị kiến thức nên bị bán tiếp. Trăn trở trước tình trạng đó, năm 2007, ông Long (khi ấy là Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai) đã khởi xướng, viết dự án Nhà nhân ái - cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về của tỉnh Lào Cai.
Kết thúc giai đoạn thí điểm, dự án gặp nhiều khó khăn do không còn nguồn trợ giúp từ Tổ chức Di cư quốc tế. Tháng 3.2010, Đại sứ quán Anh tại VN đã tài trợ xây cơ sở Nhà nhân ái (UBND tỉnh Lào Cai cấp đất). Từ đó đến nay, Tổ chức Vòng tay Thái Bình (tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên về giáo dục và phòng chống buôn bán người) đã tài trợ toàn diện chi phí ăn ở, chữa bệnh, tư vấn tâm lý, học văn hóa, học nghề... cho hơn 220 nạn nhân sống tại Nhà nhân ái Lào Cai và hỗ trợ khoảng 500 ca trong cộng đồng. Trong đó, có khoảng 25% trẻ em và nạn nhân nhỏ nhất là 10 tuổi. Nơi đây đã hỗ trợ nhiều nạn nhân ở tỉnh, thành khác và từng tiếp nhận 4 nạn nhân người Lào, Campuchia bị bán qua Trung Quốc...
Tại nhà nhân ái, bước đầu nạn nhân sẽ được ổn định tâm lý, sức khỏe. Tiếp đó, họ được giới thiệu dịch vụ hỗ trợ để chọn ở lại hay trở về nhà mình. Trường hợp môi trường sống khi trở về của nạn nhân chưa an toàn, nhân viên xã hội đề nghị họ tiếp tục ở nhà tạm lánh này. Trong thời gian sống tại đây, các học viên không được sử dụng điện thoại di động riêng, nhằm ngăn ngừa những tình huống xấu.
“Đã có những người cho rằng chúng tôi đặt ra quy định khắt khe khiến họ rất khó tiếp cận nhà nhân ái. Thực tế, đó là việc cần làm để bảo vệ nạn nhân và chúng tôi luôn đặt nạn nhân nạn buôn người làm trung tâm trong tất cả hoạt động”, bà Lương Hồng Loan, Phó giám đốc chương trình Vòng tay Thái Bình khẳng định. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.