Thừa Thiên - Huế 'nóng' chuyện thành đô thị trực thuộc Trung ương

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
18/11/2019 06:17 GMT+7

Nếu áp dụng các tiêu chí hiện hành để đánh giá và xét công nhận thành phố trực thuộc T.Ư cho Thừa Thiên - Huế như hiện nay vẫn có những điểm không phù hợp với yếu tố đặc sắc, riêng biệt của địa phương.

Câu chuyện xây dựng Thừa Thiên - Huế (TT-H) trở thành đô thị di sản trực thuộc T.Ư lại một lần nữa được “hâm nóng”, sau khi Bộ Chính trị thống nhất ban hành một nghị quyết mới để xây dựng, phát triển thành thành phố trực thuộc T.Ư.
UBND tỉnh TT-H và Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) vừa mở hội nghị lấy ý kiến về bộ tiêu chí đô thị di sản trực thuộc T.Ư. Hội nghị này tổ chức chiều 16.11, sau khi Bộ Chính trị vừa có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy TT-H ngày 15.11 và thống nhất ban hành một nghị quyết mới để xây dựng và phát triển TT-H trở thành thành phố trực thuộc T.Ư. Nghị quyết mới hướng đến một TT-H có bản sắc văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường; giúp phát huy được vai trò, vị thế là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, KH-CN, GD-ĐT đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao…
Tuy nhiên, nếu áp dụng các tiêu chí hiện hành để đánh giá và xét công nhận thành phố trực thuộc T.Ư cho TT-H như hiện nay, theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT-H, vẫn có những điểm không phù hợp với yếu tố đặc sắc, riêng biệt của địa phương.
Cụ thể, theo tiêu chí phân loại đô thị hiện nay, muốn trực thuộc T.Ư thì phải hội đủ tiêu chí của đô thị loại 1 hoặc đô thị đặc biệt. Trong đó, quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 5 triệu người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 3 triệu người trở lên; mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 3.000 người/km2 trở lên; khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 12.000 người/km2 trở lên; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 70% trở lên; khu vực nội thành đạt từ 90% trở lên...
“Nếu phấn đấu để đạt được những tiêu chí đó, phát triển quá mức quy mô dân số sẽ tác động tiêu cực đến các di sản đặc thù của TT-H”, ông Phan Ngọc Thọ nói.
Chính vì vậy, để được công nhận là đô thị di sản trực thuộc T.Ư, TT-H cần trình Chính phủ, Quốc hội xây dựng bộ tiêu chí đặc thù về đô thị di sản quốc gia làm cơ sở để T.Ư đánh giá, công nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.