‘Tôi phải nói để lịch sử bi tráng Thủ Thiêm không lặp lại với thế hệ sau’

Trung Hiếu
Trung Hiếu
20/10/2018 19:47 GMT+7

Bà Trần Thị Mỹ, cử tri P.An Khánh, Q.2 (TP.HCM), nói nếu trước đây chính quyền chịu xem xét hồ sơ, chịu đối thoại với người dân Thủ Thiêm thì không có hệ lụy như bây giờ.

Ngày 20.10, tại Nhà thiếu nhi Q.2 (TP.HCM), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc đoàn ĐBQH TP.HCM tiếp xúc với cử tri Q.2.
[VIDEO] Cử tri Thủ Thiêm: “Nhà hát 1.500 tỉ để phục vụ người giàu hay người nghèo?”
Đây là lần thứ hai, ông Nhân tham dự tiếp xúc cử tri Q.2, trong đó có người dân liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cùng tham gia buổi tiếp xúc còn có bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM và bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án TAND TP.HCM.
Tại buổi tiếp xúc, bà Trần Thị Mỹ (77 tuổi), cử tri P.An Khánh cho biết hôm nay bà đến buổi tiếp xúc cử tri vì bà con Thủ Thiêm, vì người dân và vì quyền lợi của gia đình mình. Đến dự để bà được nói lên những điều cần phải nói, để cho lịch sử bi tráng Thủ Thiêm không bao giờ lặp lại đối với các thế hệ con cháu sau này.
Tại cuộc tiếp xúc bà Mỹ nêu bốn phần, trong đó nhấn mạnh vì sao để Thủ Thiêm xảy ra sai phạm như ngày hôm nay.
Bà Mỹ cho rằng, 18 năm trước nếu chính quyền lập đoàn thành tra liên ngành đủ mạnh, chịu xem xét hồ sơ của người dân Thủ Thiêm, chịu đối thoại với dân tìm ra tiếng nói chung của dân với chính quyền thì không có hệ lụy như ngày hôm nay.
Bà Mỹ dùng một loạt từ cảm thán “nếu như” như thể hiện sự tiếc nuối khi dự án Thủ Thiêm mới triển khai: “Nếu như ngày ấy các tổ chức tài chính, cơ quan tham mưu, chính quyền thành phố lắng nghe, chia sẻ, làm hết trách nhiệm trong việc hoạch định ra chính sách cũng như việc thực thi pháp luật của chính quyền thì không có sự đắng cay như bây giờ…”.
Ảnh: Ngọc Dương
Liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa qua, bà Mỹ đánh giá một số điều làm được của kết luận, sự dũng cảm của chính quyền thành phố đã dám xin lỗi người dân, nhưng kết luận đó chưa đáp ứng mong đợi người dân đau khổ trong nhiều năm qua. Từ đó bà Mỹ đề nghị cần làm rõ diện tích thu hồi của toàn dự án và nhiều vấn đề liên quan đến thu hồi đất, giải tỏa, bồi thường, tái định cư…
Gia đình bà Mỹ có đất nằm trong dự án Thủ Thiêm. Không đồng tình với chính sách đền bù nên suốt 13 năm qua bà đến khắp nơi, gõ cửa từng cơ quan kêu cứu. Cuộc họp nào liên quan đến giải quyết khiếu kiện Thủ Thiêm, bà Mỹ đều có mặt. 
“Nhiều người nói tôi đi khiếu nại khi tóc còn xanh mà bây giờ nhìn xem tôi đã bạc trắng. Tôi phải nói vì không muốn một Thủ Thiêm đau thương đến với thế hệ con cháu mai sau”, bà Mỹ tâm sự.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết khiếu nại ở Thủ Thiêm Ngọc Dương

Từ những nỗi niềm của người dân nêu ra, trong phần kết luận của buổi tiếp xúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày chi tiết các giải pháp với mong muốn của chính quyền TP.HCM sớm đem lại quyền lợi và ổn định đời sống người dân Thủ Thiêm.

Ông Nhân tâm sự: "Qua lời pháp biểu của bà con hôm nay chúng tôi thấy rất buồn, rất đau, từng hộ dân, từng gia đình là những con người cụ thể. Cuộc sống của bà con ngày càng tồi tệ hơn, một phần bà con ốm đau, con cái bỏ học…”.

“Đấy là nỗi đau không riêng của bà con nên chúng tôi cam kết cùng với người dân sẽ làm hết sức để giải quyết tối đa, vận dụng để có lợi nhất cho người dân”, ông Nhân nói.

Ông Nhân cũng khẳng định trong 3 tháng tới thành phố sẽ đẩy tiến độ cao hơn trong việc giải quyết liên quan khiếu nại Thủ Thiêm và đại biểu Quốc hội sẽ cùng tham gia giám sát việc giải quyết.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.