Chiều 6.7, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp, với sự tham dự của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng BCĐ quốc gia phòng chống dịch Covid-19, trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội.
Xu hướng ca nhiễm trong cộng đồng ngày càng gia tăng
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết từ 6 giờ ngày 5.7 đến 6 giờ ngày 6.7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ghi nhận 461 ca nhiễm, trong đó có 105 ca tầm soát từ các bệnh viện (BV), 73 ca đang điều tra, những trường hợp khác trong khu cách ly và khu phong tỏa. Hiện TP đang điều trị cho 279 bệnh nhân (BN) nặng, 6 ca cần sử dụng ECMO.
Ông Bỉnh cho biết dịch bệnh ở các khu nhà trọ, KCN, chợ truyền thống đang rất phức tạp, xu hướng ca nhiễm trong cộng đồng ngày càng gia tăng là các trường hợp đi khám bệnh khi có triệu chứng. Từ các ca chỉ điểm, lực lượng y tế phát hiện thêm các BN khác ở nhà trọ, khu công nhân, khu buôn bán, các chợ đầu mối và chợ truyền thống. Kể từ đợt dịch Covid-19 thứ 4 đến nay, TP.HCM ghi nhận hơn 900 ca nhiễm trong cộng đồng, chủ yếu thông qua khám sàng lọc, tầm soát ở các cơ sở y tế. Để chặn đứng nguồn lây nhiễm từ các khu chợ, TP.HCM đã tạm dừng khoảng 100 khu chợ truyền thống và 2 chợ đầu mối (Bình Điền và Hóc Môn), sắp tới sẽ xem xét dừng hoạt động với chợ đầu mối Thủ Đức (đến chiều 6.7, TP.Thủ Đức có thông báo ngừng hoạt động chợ đầu mối Thủ Đức từ 8 giờ sáng 7.7 - PV).
Đối với khu nhà trọ và khu lưu trú công nhân, TP.HCM tập trung truy vết, sử dụng test nhanh kết hợp với RT-PCR với quy mô 200.000 test nhanh/ngày; xét nghiệm (XN) sàng lọc 2 - 3 ngày/lần ở khu phong tỏa và 5 - 7 ngày/lần ở khu vực có nguy cơ cao.
Liên quan đến dịch bệnh ở KCN, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất (KCX) và công nghiệp TP.HCM (HEPZA), cho biết đã ghi nhận tổng số 796 ca nhiễm tại 38 doanh nghiệp (DN) trong các KCN và KCX; trong đó 4 DN có số ca nhiễm lớn, nhiều nhất là 236 ca, còn chủ yếu từ 1 - 5 ca. Đối với các DN có số lượng ca nhiễm lớn, ông Hưng phân tích thực tế số ca phát hiện ban đầu không lớn nhưng các trường hợp nghi nhiễm, F1 chưa được di chuyển kịp thời nên có khả năng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tạm thời. Để khắc phục tình trạng này, ông Hưng kiến nghị BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chỉ đạo các DN nhà nước rà soát nhà xưởng, văn phòng, đất công cũ có thể tạm sử dụng làm cơ sở vật chất bổ sung để cách ly F1.
Về phương án vừa cách ly vừa sản xuất tại chỗ, hiện có 38 DN nộp hồ sơ nhưng khi thẩm định lại cơ sở vật chất thì các DN chưa đáp ứng được điều kiện về vị trí, nhà vệ sinh, khuôn viên nhà máy… HEPZA đang tiếp tục phối hợp với Sở Y tế, công an, chính quyền địa phương thẩm định từng hồ sơ để cấp phép cho DN đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Ông Hưng cũng kiến nghị TP.HCM quan tâm, cung cấp đầy đủ kit test cho các DN có nhu cầu test nhanh người lao động trước khi vào khu sản xuất.
|
Chấp nhận thiệt thòi một thời gian ngắn để cắt các nguồn lây
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá dịch bệnh tại TP.HCM đang rất phức tạp, còn có nguy cơ lây lan ra các địa phương khác nên cần áp dụng các giải pháp dứt khoát, mạnh mẽ, cao hơn hiện nay để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, không để giãn cách xã hội kéo dài. “Chúng ta cần chấp nhận vất vả hơn, thiệt thòi hơn trong một thời gian ngắn để sớm qua làn sóng dịch này”, ông Đam nói và cho biết cả nước sẽ chia sẻ, hỗ trợ TP.HCM trong công tác phòng chống dịch.
Để làm được điều đó thì ngay từ bây giờ, TP.HCM cần khẩn trương chuẩn bị các quy định cần thiết nhằm hạn chế người đi lại, tụ tập trong TP, không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết. Đồng thời, thống nhất cơ chế phối hợp với các tỉnh lân cận để kiểm soát tốt người lao động trong các KCN, khu sản xuất kinh doanh ở địa phương này nhưng làm việc ở địa phương kia.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu TP.HCM hoàn thành cơ chế kiểm soát người điều khiển phương tiện vận tải ra vào TP để không ách tắc hàng hóa. “Tinh thần là duy trì sản xuất kinh doanh ở mức cao nhất có thể trong tình hình dịch bệnh. Mình không thể duy trì như bình thường được đâu”, ông Đam nói. Bên cạnh đó, TP.HCM tuyệt đối không để tái diễn tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ giãn cách như một số nơi xảy ra vừa qua.
Kêu gọi nhân dân cảm thông và ủng hộ nếu phải cách ly diện rộng
Cùng ngày 6.7, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến với 8 tỉnh, thành phía nam về công tác chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay là chưa có tiền lệ, do vậy, vừa làm vừa điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, lắng nghe ý kiến của nhau để lãnh đạo các cấp có được các phương án hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh và điều kiện thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Về phương châm tổ chức triển khai thực hiện, Thủ tướng giao BCĐ quốc gia và các địa phương phối hợp chặt chẽ để kịp thời quyết định áp dụng các biện pháp phù hợp, mạnh mẽ, cần thiết và hiệu quả nhất cho mục tiêu phòng, chống dịch trên phạm vi rộng, chặt chẽ hơn, kể cả toàn TP và kể cả các giải pháp mạnh như tiếp tục giãn cách xã hội, phong tỏa rộng, cách ly chặt chẽ… “Trường hợp của TP.HCM đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới tăng nhanh, cần kịp thời có các giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn”, kết luận nêu rõ.
Bên cạnh đó, Chính phủ kêu gọi sự ủng hộ và cảm thông của nhân dân nếu phải áp dụng các biện pháp khoanh vùng, giãn cách, phong tỏa, cách ly trên diện rộng để xử lý triệt để sự lây lan của dịch bệnh vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của đất nước. Trong trường hợp TP.HCM và các địa phương khác trong vùng phải tiến hành phong tỏa, giãn cách, cách ly trên diện rộng thì Bộ Y tế, Công thương, GTVT... phải có kịch bản cụ thể để xử lý các vấn đề, như phân luồng giao thông, lưu thông hàng hóa, cung ứng vật tư và nhu yếu phẩm, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân... để không làm xáo trộn lớn đến cuộc sống của người dân.
Thủ tướng giao UBND TP.HCM làm việc cụ thể ngay với các tỉnh lân cận để thống nhất triển khai biện pháp quản lý chặt chẽ người ra, vào TP vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa. Bộ Y tế được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, quy trình và tổ chức hướng dẫn thí điểm thực hiện tự xét nghiệm, tự cách ly tại nhà trên tinh thần tự nguyện, bảo đảm kịp thời nhưng tuyệt đối an toàn, hiệu quả. TP.HCM và các địa phương liên quan tích cực trao đổi thống nhất các biện pháp quản lý người, phương tiện đi, đến từ vùng có dịch, bảo đảm nguyên tắc yêu cầu phòng, chống dịch cao nhất nhưng không để ách tắc các hoạt động vận tải, giao thương và tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh từ địa phương này sang địa phương khác, từ khu vực này sang khu vực khác. Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu các hướng tuyến, phân luồng giao thông, quy định thời gian cụ thể, rõ ràng cho phương tiện giao thông để không gây ra tình trạng ách tắc, bảo đảm duy trì ổn định vận tải hàng hóa và hành khách, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Bộ Công thương chỉ đạo tăng cường bảo đảm các hoạt động thương mại, cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh và an toàn chống dịch.
Bình luận (0)