TP.HCM dồn mọi nguồn lực trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc

Trung Hiếu
Trung Hiếu
20/07/2019 12:53 GMT+7

TP.HCM là trung tâm quy tụ nguồn lực của đất nước trong việc động viên về tinh thần, vật chất trong hai cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc.

Sáng 20.7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học TP.HCM với cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía bắc và 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Phnom Penh, Campuchia.

Hội thảo có sự tham dự của ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, các chuyên gia, nhà khoa học, tướng lĩnh, sĩ quan và đặc biệt là các cựu binh, chuyên gia từng tham gia chiến trường Tây Nam, Campuchia.

TS Lê Hồng Liêm, Phó chủ tịch T.Ư Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, cho biết ngày 7.1.2019 đánh dấu 40 năm ngày các đơn vị tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia đã đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Sau đó, hơn 10 năm Việt Nam tiếp tục giúp đỡ nhân dân Campuchia giữ vững thành quả đã giành được, hồi sinh và xây dựng nước Campuchia hòa bình, ổn định và phát triển.

TS Lê Hồng Liêm nói về vai trò của TP.HCM trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam

Ảnh: Trung Hiếu

TP.HCM có vai trò hết sức quan trọng...

“Đây là sự thật lịch sử nhưng một thời gian dài đã bị các thế lực thù địch, kể cả có luồng dư luận quốc tế hiểu sai, bị xuyên tạc, vu khống, tiến hành nhiều biện pháp bao vây, cấm vận về chính trị, ngoại giao, kinh tế… Vì nhân dân và đất nước Campuchia mà Việt Nam đã chịu đựng nhiều hy sinh, tổn thất, phải đến hơn 30 năm sau mới được tòa án Liên Hợp Quốc và Campuchia đưa ra xét xử và kết tội tập đoàn Pol Pot tội ác diệt chủng”, TS Lê Hồng Liêm nói.

TS Lê Hồng Liêm cũng nhấn mạnh về vai trò của TP.HCM trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và nguồn lực giúp đỡ nước bạn Campuchia. TP.HCM là trung tâm quy tụ nguồn lực của đất nước lúc đó trong việc động viên về tinh thần, vật chất để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, là nơi đặt cơ quan chỉ huy tiền phương của cuộc chiến, nhiều cán bộ, chiến sĩ của thành phố, lực lượng thanh niên xung phong, chuyên gia chiến đấu trong cuộc chiến, giúp đất nước hồi sinh, phát triển.

Đại tá Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, cho biết TP.HCM có vai trò hết sức quan trọng trong 10 năm Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Trong đó, đoàn chuyên gia quân sự 7708 phối hợp với đoàn chuyên gia A.50 của TP.HCM làm công tác vận động quần chúng giúp nhân dân Phnom Penh khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, tướng lĩnh và sĩ quan quân đội

Ảnh: Trung Hiếu

Dấy lên các phong trào xây dựng hậu phương...

Đoàn chuyên gia đã trích khẩu phần của cán bộ, chiến sĩ được 173 tấn gạo để cứu đói hàng vạn người dân; thực hiện một vạn ngày công giúp nhân dân làm nhà, xây dựng 470 nhà trẻ, trại mồ côi, trường mẫu giáo, 22.7000 ngày công cấy, gặt lúa… Đoàn còn phối hợp vận động 18 đợt nhân dân Phnom Penh đi lao động, tham gia phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ đất nước…

PGS-TS Phan Xuân Biên, Phó chủ tịch Hội lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM, với tình nghĩa keo sơn được hun đúc qua nhiều thời kỳ, "TP.HCM đã dấy lên các phong trào xây dựng hậu phương vượt qua mọi thử thách thời hậu chiến, vừa hướng ra tiền tuyến, dồn mọi nguồn lực phục vụ cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới…".

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam, cho hay chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng những thắng lợi của hai cuộc chiến tranh (chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc) bảo vệ Tổ quốc vẫn in đậm trong các thế hệ người Việt Nam. Đối với TP.HCM, 40 năm đó cũng là thời gian thành phố tiếp tục cùng cả nước, vì cả nước ra sức phấn đấu trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.