Tranh cãi về đề xuất 'thắt chặt' lãnh BHXH 1 lần

26/04/2021 04:31 GMT+7

Nhiều bạn đọc cho rằng nhà nước không nên 'thắt chặt' điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần, trong khi số khác đề nghị hãy tuyên truyền và để người lao động tự quyết định.

Như Thanh Niên đã đưa tin, báo cáo mới nhất của BHXH VN cho thấy quý 1/2021, cả nước có 226.503 người hưởng BHXH 1 lần (tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020). Nguyên nhân, theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Chính sách BHXH (BHXH VN): “Dịch Covid-19 đã gây khó khăn cho cuộc sống của rất nhiều người lao động (NLĐ). Bên cạnh đó, do một bộ phận nhỏ NLĐ chưa hình thành thói quen lúc trẻ đóng BHXH để khi về già có lương hưu, không phải phụ thuộc vào con cháu”.

Trước khi “siết chặt” chi trả BHXH 1 lần, hãy coi lại lương hưu một chút. Tôi đây làm việc cật lực gần 40 năm, về hưu năm 2020, lương hưu 2,6 triệu một tháng, sống tại TP.HCM thì làm sao mà xoay xở?   

Baoanh

Ngoài nguyên nhân trên, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng do điều kiện hưởng BHXH 1 lần hiện nay “quá dễ dàng” và không khuyến khích NLĐ tích lũy năm đóng để hưởng lương hưu khi về già. Mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đã có tờ trình Chính phủ về đề xuất sửa đổi luật BHXH năm 2014, trong đó có nội dung “thắt chặt” các điều kiện hưởng BHXH 1 lần. Việc điều chỉnh theo hướng chỉ giải quyết đối với NLĐ khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp. Nếu NLĐ chưa hết tuổi lao động mà nhận BHXH 1 lần thì mức hưởng sẽ thấp hơn. Ngoài ra, NLĐ vẫn được nhận BHXH 1 lần với trường hợp phải ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.

NLĐ có khó khăn mới rút 1 lần

Nhiều bạn đọc (BĐ) ý kiến họ không phải không biết lợi ích của việc lãnh lương hưu, nhưng việc phải chờ lâu quá, lương hưu sau này cũng không đủ trang trải cuộc sống, mà trước mắt lại khó khăn nên muốn lãnh 1 lần để lo cho cuộc sống. BĐ Tuấn Nguyễn Ngọc viết: “NLĐ làm việc chân tay, làm ở những nơi môi trường độc hại, ngoài 40 tuổi là sức khỏe có vấn đề rồi. Hơn nữa những người sức khỏe kém, họ sống được bao lâu mà chờ lương hưu?”.
Nói về cơ hội tìm việc ở người lớn tuổi, BĐ Vũ cho biết: “Sau tuổi 45, NLĐ nếu thất nghiệp sẽ không còn nhiều cơ hội xin việc nữa. Thử đi một vòng các khu công nghiệp và các trang web tìm việc, sẽ thấy yêu cầu tuyển dụng “dưới 35 tuổi” và rất ít nơi tuyển dụng “dưới 45 tuổi”.
Trong khi đó, BĐ Tam Trinh Minh lưu ý: “BHXH là quyền lợi của cá nhân người đóng. Do đó, khi họ có nhu cầu cần rút BHXH 1 lần, đó cũng là quyền của họ”. Cùng quan điểm, BĐ TrungDuong cũng cho rằng: “Mỗi NLĐ thấy việc có lợi thì họ mới làm, đừng lo họ không biết tính toán”.

Hãy đứng về phía NLĐ mà xem xét

Đáp lại những ý kiến trên, theo BĐ Nam Nguyen, có không ít trường hợp nói do khó khăn hay rút 1 cục đề làm vốn chỉ là cái cớ. “Mục đích thật là thấy lãnh 1 lần được vài chục triệu nên xin nghỉ làm để có vài chục triệu đó. Khi xài hết lại đi xin việc khác để làm, rồi lại đóng BHXH từ đầu. Chưa kể một số người đóng đủ năm, khi về hưu cũng rút 1 cục. Khi có tiền trong tay thì tiệc tùng, du lịch... đến khi hết tiền khi nào không biết thì hối hận cũng không kịp”, BĐ này cảnh báo.
Trong khi đó, BĐ Van Lam Nguyen ý kiến: “Nên xem xét tận gốc nguyên nhân để tuyên truyền cho NLĐ thấy lãnh lương hưu là có lợi hơn thì họ sẽ tự nguyện. Hãy đứng về phía NLĐ mà xem xét”. Đồng quan điểm, BĐ Let's Color đề nghị: “Đã là tự nguyện đóng BHXH thì nên để NLĐ tự nguyện chọn lựa: Rút 1 lần hoặc chờ lãnh lương hưu”.
“Nếu về hưu, tôi sẽ lãnh lương hưu hơn 5 triệu đồng/tháng. Không nhiều nhưng tôi nghĩ cũng cố gắng được. Tôi sẽ chọn lãnh lương hưu, vì sao? Đơn giản là tôi không muốn là gánh nặng của bất kỳ ai, kể cả con cái”, BĐ Phúc Cường bày tỏ.

Việc lựa chọn thế nào là quyền của NLĐ. Không nên dùng biện pháp mang tính ép buộc NLĐ phải bảo lưu BHXH như thế! Thay vào đó, cơ quan BHXH nên làm tốt công tác tuyên truyền của mình để NLĐ hiểu rõ sự thiệt hơn của 2 loại hình hưởng BHXH và để họ lựa chọn.   

Toàn Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.