Như vậy, nếu không có những thay đổi vào giờ chót, đợt 1 của kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM sẽ diễn ra vào ngày 7 - 8.7 dành cho thí sinh không ở những nơi bị phong tỏa phòng dịch Covid-19, không thuộc diện F0, F1, F2 và phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi dự thi. Và hôm qua, hình ảnh của cô, cậu học trò chờ đến lượt lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tràn ngập trên các trang báo điện tử, cùng với những tranh luận không ngớt vì sao phải “cố bằng mọi giá” để thi tốt nghiệp THPT lại bùng lên.
Rủi ro ?
“Năm nào tỷ lệ đậu cũng gần 99%. Tại sao phải thi, có thực sự mang tính phân loại chăng? Nếu có tính phân loại rõ ràng thì ĐH Quốc gia TP.HCM đã không tổ chức mỗi năm 2 kỳ thi đánh giá năng lực, đã không ưu tiên xét tuyển thẳng những bạn đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, thành. Và tại sao lại đánh đổi rủi ro cho các em, đi xét nghiệm đã là nơi đông người? Khi đi thi, phòng thi có giãn cách thì khi về các em lại tập trung đông ngay cổng trường. Phụ huynh đi đón con em lại tập trung đông người, và họ có xét nghiệm hay chưa? Thi làm chi khi người xung quanh ta ai cũng có thể là F0?”, ý kiến của bạn đọc (BĐ) Trần Thanh Nguyễn cũng là phân tích của rất nhiều phụ huynh trong bối cảnh hiện tại.
Rất nhiều học sinh đã đáp ứng yêu cầu xét tuyển của các trường ĐH qua học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng... Tại sao cứ phải làm bài thi nữa thì mới tốt nghiệp được THPT? Tối thiểu có thể lọc bớt số lượng này ra để làm loãng độ tập trung, giảm nguy cơ lây nhiễm, giảm chi phí...
Duc LeTại sao không lùi ngày thi để lo chống dịch? Với số lượng tập trung lấy mẫu như vậy có an toàn không? Chưa kể hôm nay âm, ngày thi dương thì sao?...
Minh Lý |
Vận dụng đặc cách cho tình hình thực tế
Nhắc đến tình hình dịch bệnh như hiện nay, BĐ Quốc Bảo đề xuất: “Tại sao không áp dụng sự linh hoạt có thể bởi “chống dịch như chống giặc”! Mục đích hiện tại là chống dịch, vậy thì ứng với tình hình thực tế, tại sao không dám mạnh dạn xét tốt nghiệp cho năm nay? Khi ấy lực lượng huy động không nhiều, ít tốn kém, rủi ro ít. Xin nhắc lại là chỉ vận dụng đặc cách cho tình hình thực tế!”.
Thế nhưng, có một sự thật là nếu không có những thay đổi vào giờ chót, kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 tại TP.HCM vẫn sẽ diễn ra vào ngày 7 - 8.7. Do vậy, nhiều BĐ đề nghị rằng, việc cần làm bây giờ là cùng cơ quan chức năng, ngành giáo dục tính phương án tốt nhất, phù hợp với tình hình dịch bệnh để bảo đảm an toàn sức khỏe cho thí sinh, và dồn lực chống dịch...
Về lâu dài, theo BĐ, ngoài luận đề cần giải đáp: “Hằng năm, có cần tổ chức thi tốt nghiệp THPT hay không?” còn là sự đồng bộ, như BĐ N.C.Bình chia sẻ: “Bỏ thi tốt nghiệp THPT đúng là ý hay, nhưng thực tế giáo dục Việt Nam là chuyện khác. Xét tốt nghiệp nhưng các trường ĐH công đâu lấy điểm xét tốt nghiệp; họ lấy điểm thi tốt nghiệp. Do vậy, cần sự đồng bộ từ trên xuống dưới...”.
Bình luận (0)