Vì sao vợ chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang 'lọt lưới' vụ gian lận điểm thi?

21/10/2019 19:52 GMT+7

Cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang vừa cho biết nguyên nhân bà Nguyễn Thị Nga, là đảng viên, chuyên viên Sở Tài Chính, nhắn tin xin nâng điểm cho người thân nhưng không nằm trong danh sách cán bộ bị xử lý.

Trao đổi với Thanh Niên ngày 21.10, một cán bộ có trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho biết đã nắm được việc bà Nguyễn Thị Nga, vợ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhắn tin xin nâng điểm cho người thân.
Theo quy định, bà Nga là đảng viên nên việc “nhắn tin xin nâng điểm” nêu trên là vi phạm vào những điều đảng viên không được làm nên phải kiểm điểm và tùy theo mức độ, tính chất mà bị xử lý kỷ luật.
“Trường hợp bà Nga không nằm trong danh sách 151 cán bộ đảng viên liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT năm 2018 bị xử lý mà tỉnh đã công bố là do trước đây chưa phát hiện ra”, vị này giải thích và cho biết, mới đây, khi cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang tổ chức kiểm điểm đối với bị cáo Triệu Thị Chính, cựu Phó đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hà Giang, thì mới phát hiện ra trường hợp bà Nguyễn Thị Nga.
“Đây được coi là tình tiết mới và chúng tôi sẽ bổ sung vào để xử lý cùng với danh sách mà tỉnh đã xử lý”, vị cán bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho hay.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Nga hiện là chuyên viên Phòng Tài chính - Hành chính sự nghiệp thuộc Sở Tài chính tỉnh Hà Giang. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, bà Nga đã dùng điện thoại cá nhân nhiều lần nhắn tin cho bị cáo Chính nhờ giúp đỡ cho một người cháu. Bị cáo Chính nhắn lại “sẽ cố gắng trong khả năng”.
Việc cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang chậm trễ xử lý vi phạm của bà Nguyễn Thị Nga đã và đang gây ra sự hoài nghi cho người dân tỉnh Hà Giang về việc có hay không sự bao che cho người nhà của người đứng đầu UBND tỉnh? Nghi vấn này là có cơ sở, bởi trong trong giai đoạn điều tra, truy tố, cơ quan tố tụng đã thu thập đầy đủ các bằng chứng những người đã nhắn tin đến điện thoại cá nhân của bị cáo Triệu Thị Chính và chuyển thông tin cho các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang để xử lý về mặt đảng, chính quyền.
Mặt khác, nhiều cán bộ, đảng viên có hành vi nhắn tin cho bị cáo Triệu Thị Chính nhờ giúp đỡ đều đã bị xử lý, song chỉ riêng bà Nguyễn Thị Nga là vẫn "vô can".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.